“Thuốc” nào trị bệnh chuyên quyền của hiệu trưởng?

Chúng tôi bất bình nhưng không bất ngờ trước bài “Hiệu trưởng “bắt” giáo viên bỏ tiết đi... nhổ cỏ, phụ hồ” trên <i>Dân trí</i> ngày 3/9. Việc hiệu trưởng hành xử theo kiểu chuyên quyền đã trở thành khá phổ biến ở không ít địa phương.

Bài báo phản ánh “ông Lê Tuấn Minh - Hiệu trưởng trường tiểu học Nhơn Ái 3 (thuộc xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) bất ngờ phân công cho cô Trần Thị Tuyết Trinh (giáo viên dự trữ của trường, trình độ đại học) chuyển sang làm… tạp vụ, với nhiệm vụ quét văn phòng, lau chùi bàn ghế, rửa nhà vệ sinh, thu dọn cỏ rác trong trường…”. Ông Minh cũng thừa nhận đã “điều” một số giáo viên (GV) đang giảng dạy bỏ lớp đi làm việc khác như phụ hồ, nhổ cỏ…

 

Hiện tượng nói trên không phải là cá biệt. Đã có nhiều bài báo lên tiếng phản ánh về tình trạng các vị Hiệu trưởng coi trời bằng vung, tự cho mình như một ông “vua con”, làm nhiều việc khuất tất, vi phạm quy chế giáo dục, vi phạm pháp luật, lại tự cho mình quyền sai phái, quát mắng GV.

 

Mặc dù Bộ GD-ĐT đã quy định rõ Hiệu trưởng phải dạy mỗi tuần 2 tiết (mới có phụ cấp đứng lớp), nhưng nhiều vị vẫn tìm mọi cách trốn tránh. Khi cấp trên kiểm tra gắt gao, nhiều vị đã “lách luật” bằng cách vẫn ghi tên mình trong thời khóa biểu, nhưng thực chất lại giao “nhiệm vụ” cho GV khác.

 

Không dạy nghĩa là không phải soạn bài, chấm bài, thao giảng, đổi mới phương pháp dạy học… Hiệu trưởng trở nên xa lạ, quan liêu ngay trong chính môi trường giáo dục mà mình phụ trách.

 

Có một cán bộ ngân hàng hết sức ngạc nhiên khi thấy ông Hiệu trưởng một trường THCS đi gửi tiết kiệm một lúc 300 triệu đồng, một vị Hiệu trưởng THPT trong lúc làm nhà lại đi gửi 60 triệu đồng (ông ta giả làm hồ sơ vay 60 triệu, thực chất là gửi).

 

Xin được giải đáp thắc mắc giúp vị cán bộ ngân hàng kia rằng: các vị Hiệu trưởng có “trăm phương ngàn kế” để kiếm ra tiền. Từ “hoa hồng” xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị dạy học, đến thuyên chuyển, tiếp nhận GV, học sinh chuyển trường, chuyển lớp; thay đổi kết quả đánh giá của học sinh và vô số chiêu thức biến ảo khác nhờ kết hợp ăn ý với kế toán, thủ quỹ để bòn rút công quỹ.

 

Vị Hiệu trưởng nọ “mượn” một bộ máy tính của nhà trường, về hưu rồi cũng không trả. Vị khác thì nhà hội trường xây dựng xong, còn lại một ít cát sỏi cũng được “lệnh” chở thẳng lên nhà Hiệu trưởng.

 

Chuyện lộng quyền, lạm quyền của không ít Hiệu trưởng là một câu chuyện dài không có hồi kết. Họ không gương mẫu làm việc cũng như trong cách hành xử, chỉ vun vén lợi ích cá nhân, nhưng lại luôn là người đầu tiên (và duy nhất) được khen thưởng. Phòng Hội đồng trường nọ không có đủ ghế ngồi, không có nước uống, nhưng phòng Hiệu trưởng thì như phòng của khách sạn đủ các loại tiện nghi: rèm cửa, máy điều hòa, tủ lạnh, ti vi LCD…

 

Nếu có đơn thư khiếu nại, tố cáo, việc xử lý Hiệu trưởng cũng rất khó khăn, và thường được nương nhẹ một cách khó hiểu.

 

Việc các Hiệu trưởng có những hành vi tiêu cực, phạm pháp gây bất bình, bức xúc trong Hội đồng GV. Bởi vì cùng là GV (Hiệu trưởng cũng là một GV, chỉ là ở cương vị quản lý, điều này nhiều vị Hiệu trưởng đã quên) nhưng lại có đặc quyền, làm giàu bất chính, coi thường đồng nghiệp. Trong khi đó, đồng nghiệp vất vả lao động, nhiều GV có hoàn cảnh hết sức khó khăn.

 

Trong nỗ lực đổi mới quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo “Chuẩn hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học và đánh giá, xếp loại hiệu trưởng theo Chuẩn”. Bộ Chuẩn này quy định GV có tham gia đánh giá Hiệu trưởng, cơ quan quản lý đánh giá, xếp loại Hiệu trưởng. Nhưng điều oái oăm là ở chỗ, kết quả đánh giá đó chỉ thông báo tới Hiệu trưởng và lưu trong hồ sơ, nghĩa là “giữ bí mật” với các GV!

 

Bộ Chuẩn cũng quy định việc đánh giá Hiệu trưởng chủ yếu dựa trên kết quả tự đánh giá và xếp loại theo kiểu “chấm

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

điểm”. Cách làm này rất dễ rơi vào hình thức mà qua quá trình thí điểm thực hiện “Chuẩn nghề nghiệp GV Trung học” chúng tôi đã thấy. Để xây dựng đội ngũ Hiệu trưởng có năng lực, phẩm chất, chúng tôi kiến nghị các giải pháp sau:

-Lựa chọn cán bộ xứng đáng, thông qua những phương án đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển công bằng, dân chủ.               
         

-Có chế độ đãi ngộ, khen thưởng hợp lý dành cho Hiệu trưởng.

-Có cơ chế kiểm soát chặt chẽ: từ tín nhiệm của cấp dưới, qua thanh tra, kiểm tra của cấp trên. Đã có một số địa phương tổ chức bỏ phiếu kín tín nhiệm hằng năm đối với các Hiệu trưởng, và có vị không được một phiếu nào. Cơ quan quản lý giáo dục cấp trên nên thiết lập những kênh thông tin để thường xuyên nắm được tình hình ở cơ sở do giáo viên phản ảnh. Hiệu trưởng nắm giữ vị trí quản lý có tính tương đối độc lập ở cơ sở, nếu không có phẩm chất tốt đễ sinh ra chuyên quyền, tiêu cực, vì vậy, cần có cơ chế giám sát và kiểm soát tốt để giúp hiệu trưởng làm việc đúng quy chế và ngăn ngừa sự chuyên quyền và tiêu cực có thể xảy ra ở các trường.

- Nếu phát hiện những sai phạm của Hiệu trưởng, cần có biện pháp khắc phục và xử lý nghiêm minh. Hiệu trưởng hiện nay nếu có sai phạm thường được nương nhẹ vì lý do “có nhiều cống hiến”. Theo chúng tôi, đó là điều rất bất hợp lý, đúng ra Hiệu trưởng sai phạm (cố ý) phải được xem là tình tiết tăng nặng, vì Hiệu trưởng là người quản lý, hiểu biết pháp luật, lại giữ trọng trách, nếu để sai phạm sẽ gây hậu quả rất lớn.

 

Trần Quang Đại

Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Năm học này có mục tiêu hàng đầu là đổi mới công tác quản lý. Hiệu trưởng tuy chỉ ở cấp quản lý vi mô, nhưng là cấp cơ sở của ngành giáo dục, trực tiếp quản lý nhà trường và đội ngũ giáo viên.

 

Bên cạnh những hiệu trưởng có năng lực và phẩm chất tốt, được đội ngũ giáo viên tín nhiệm và quý trọng, vẫn còn không ít hiệu trưởng quản lý theo kiểu gia trưởng, ít quan tâm đến quyền lợi của cán bộ cấp dưới trong khi lại hay vun vén lợi ích cá nhân; thậm chí có những biểu hiện tham nhũng, như bài viết trên đây phản ảnh.

 

Mỗi trường học có thể coi như một tế bào của ngành giáo dục. Mỗi tế bào có khỏe mạnh thì “cơ thể” toàn ngành giáo dục mới khỏe mạnh. Vì vậy, cần coi trọng đổi mới công tác quản lý ở cấp cơ sở, trước hết là nâng cao năng lực quản lý và phẩm chất đạo đức của hiệu trưởng.

 

Cần sớm hoàn thiện và ban hành “Chuẩn hiệu trưởng” cũng như có cơ chế giám sát hiệu trưởng để ngăn chặn việc lạm quyền và lộng quyền của Hiệu trưởng. Đấy là việc làm thiết thực nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới quản lý của năm học mới.