“Thức tỉnh” sau vụ 12 nghìn cuốn sách quý bị thiêu cháy

(Dân trí) - “Chơi sách, sưu tầm sách quý có lẽ từ khi có sách là đã có người yêu sách, sưu tầm sách”, anh Nguyễn Huy Thắng - Con trai cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, người vừa giành giải 3 “tủ sách gia đình” nhận định như vậy.

“Thức tỉnh” sau vụ 12 nghìn cuốn sách quý bị thiêu cháy - 1


Hơn 1 vạn cuốn sách bị thiêu rụi, trong sự đau xót của nhiều người mê sách
 
Chơi sách là lưu giữ kết tinh trí  tuệ

Mê sách, sưu tầm sách mấy chục năm trời nhưng tất cả bị biến thành tro sau trận hỏa hoạn. Mất mát quá lớn khiến ông Thành - con rể nhà thơ Lưu Trọng Lư như chết lặng! Qua sự việc này, nhiều người chơi sách, mê sách đã như thức tỉnh bởi vấn đề giá trị bảo tồn hiện vật của kho tàng kiến thức có thể sẽ bị mai một.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói, thú chơi sách cổ, sách cũ nằm trong cảm thức thời gian của con người. Càng lùi xa thời gian sách càng quý và hiếm. Tuy nhiên chơi sách không chỉ để thỏa mãn sự tò mò đam mê mà nó còn góp phần lưu giữ kết tinh trí tuệ của con người và dấu ấn xã hội.

Theo anh Nguyễn Huy Thắng, chơi sách ở Việt Nam xưa kia phải kể đến nhà văn Vũ Ngọc Phan - ông có cả một tủ sách đồ sộ và từ việc xây dựng cho mình tủ sách đồ sộ này ông đã viết bộ sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại”. Ngoài ra còn phải kể đến Vương Hồng Sển, Hoàng Minh ở TPHCM.
 
“Thức tỉnh” sau vụ 12 nghìn cuốn sách quý bị thiêu cháy - 2


Mê chơi sách, sưu tầm sách cũng là cách gìn giữ trí tuệ, nhưng cần được quan tâm đúng mức nếu không nguồn kiến thức khổng lồ này sẽ bị mai một bởi những trận thiên tai hay hỏa hoạn

“Xin miễn hỏi mượn sách”, đó là câu được dán trên tủ sách của nhà văn Nguyễn Tuân bởi những người mê sách có quan niệm rằng “người cho mượn sách là dại, nhưng người được mượn sách mà đem trả lại còn dại hơn”.

Anh Thắng tâm sự, ở Việt Nam còn quá ít thị trường trao đổi sách quý và hầu hết những người mê sách và chơi sách thường chỉ vào diễn đàn sachxua.net. Ở đó họ không chỉ gặp được những người cùng có sở thích mê sách mà họ còn có cơ hội cùng nhau trao đổi về giá trị của những cuốn sách quý đó. Hiện số người mê sách, sưu tầm sách ở Việt Nam vẫn ngày càng tăng, điều đó được thể hiện trên diễn đàn sachxua mỗi ngày có tới cả chục thành viên vào tham gia.

Bảo tồn nguồn sách quý

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ  - Nhà nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian, giảng viên khoa văn trường ĐH KHXH&NV cho rằng, chơi sách là  là thú chơi thật thà nhất bởi người ta rất khó làm giả một cuốn sách.
 
“Thức tỉnh” sau vụ 12 nghìn cuốn sách quý bị thiêu cháy - 3


Những cuốn sách còn vương lại sau vụ cháy

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ, ngày nay người ta thường có quan niệm, muốn đọc sách hay tìm kiếm sách thì cứ lên mạng Internet là có. Nhưng vấn đề không hẳn như vậy, bởi ngay cả các thư viện ở Việt Nam không phải cuốn sách nào cũng được sao chụp và đưa lên mạng Internet. Điều này càng khó đối với sách quý. Cho nên việc bảo tồn sách cũ, sách quý cần phải được quan tâm bảo tồn một cách đúng mức.

“Ở nước ngoài vấn đề bảo tồn sách cũ, sách cổ được xem như bảo tồn di sản văn hóa còn ở Việt Nam công việc này lẽ ra nhà nước phải đầu tư thích đáng. Một bộ phim có thể được đầu tư nhiều tỉ đồng là điều rất quý nhưng nếu mà đầu tư một thư viện gìn giữ sách thì có lẽ sẽ không tốn kém như vậy. Ví như ở nước Mĩ những hầm mỏ bị bỏ hoang được người ta tân dụng cải tạo đưa các thiết bị vào bảo vệ. Ở Việt Nam cũng rất nhiều hầm mỏ bị bỏ hoang nhưng chúng ta lại chưa làm được điều này.

Cũng là người sưu tầm sách cổ và đã từng để lại cho bào tàng Nhân học của trường ĐH KHXH&NV 13 cuốn sách cổ khắc trên lá cây của người Thái đường 7 miền Tây Nghệ An có niên đại trên 100 năm, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ, đối với những người chơi sách, sưu tầm sách thì nên scan (sao, chụp) thành nhiều bản để lưu trữ để phòng thiên tai, nhân họa, hỏa hoạn.
 
“Thức tỉnh” sau vụ 12 nghìn cuốn sách quý bị thiêu cháy - 4


Sự tiếc nuối sách của bà Lưu Ý Nhi (vợ ông Thành), con gái cố nhà thơ Lưu Trọng Lư: (ảnh chụp từ căn gác ngôi nhà cụ Lưu Trọng Lư)

Tuy nhiên có một điều rất mâu thuẫn đối với những nhà sưu tầm sách, chơi sách là những bản scan đó không thể thay thế những quyển sách nguyên bản đó được. Bởi những cuốn sách đó ngoài giá trị thông thường đôi khi từ những trang giấy viết đó nó còn chứa đựng cả tâm hồn của những người mê sách, có khi họ yêu sách, họ yêu, nhớ cả mùi thơm của sách nhớ từng dòng, từng chữ...

Theo tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ, chơi sách có rất nhiều đẳng cấp, nhiều cách chơi, có người chơi theo sách bộ, sách cổ hoặc theo sách chuyên môn mình ưa thích. Nhưng chơi sách cũng cần có cái duyên, bởi nhiều khi phải có duyên thì cuốn sách quý mới đến được tay người đọc.

Việc chơi sách không hề có nguy hại mà ngược lại nó còn gìn giữ một khối trí tuệ khổng lồ cho tất cả bởi. Những người chơi sách thường rất rộng lượng, họ luôn chia sẻ với nhau những cuốn sách quý mỗi khi ai đó có được không giống như một số nhà khoa học nửa vời ôm khư khư tài liệu của mình không muốn san sẻ với ai, không muốn cho người khác biết.

Hồng Ngân - Quý Đoàn