Thuận vợ thuận chồng
(Dân trí) - “...Ban chấp hành đã "thuận vợ thuận chồng" thì cả vạn dân trong huyện đủ sức tát cạn được cả mấy Biển Đông chứ không chỉ là một...”.
Nhân chuyến công tác cơ sở, tôi có dịp được tiếp xúc với vị Phó Bí thư thường trực huyện ủy X. Thấy không khí cởi mở, tôi đặt vấn đề hỏi ông này rằng với vị trí như ông thì hiện nay trong điều hành công việc cái khó nhất là gì? Trầm ngâm một lát, ông mới trả lời đại ý làm việc ở huyện không mấy thuận lợi như trên tỉnh.
Lan man sang chuyện khác, tôi gợi mở: huyện ông nguồn lực, tiềm năng dồi dào, đá trắng, đá đỏ bạt ngàn, đất đai màu mỡ, giao thông tiện lợi, người dân cần cù chịu khó. Nhưng mấy thập niên gần đây kinh tế vẫn phát triển không mấy khả quan, thu không đủ chi, mỗi năm phải nhờ cơm Trung ương đến gần 200 ngày?
Nóng mặt, tôi tranh luận: “Tại sao mấy địa phương khác nguồn lực còn kém mình mà phát triển lại tốt hơn?”. Trả lời: “Thế mới là chuyện lạ. Làm việc gì và ở đâu cũng gặp 'sân sau' của các vị. Chẳng hạn đất ven quốc lộ tưởng bỏ hoang hóa, vậy nhưng chia hết rồi. Mỗi nhiệm kỳ chia một ít, từ gần đến xa, từ ngon nhiều về ngon vừa vừa. Giờ thì đố nhà báo tìm được mảnh nào vô chủ nữa”.
Lang thang trong sân huyện ủy để tìm câu trả lời về sự đồng thuận. Khó thì cũng thật khó mà dễ thì cũng thật dễ. Và chẳng phải tìm đâu xa, tôi chợt nghĩ hãy tìm câu trả lời ngay từ trong Thường trực, Ban Thường vụ và Ban chấp hành Huyện ủy. Giá như 3 vị Thường trực mà chụm đầu đồng thuận thì chắc chắn cả tập thể 9 vị Thường vụ sẽ phải đồng thuận, 9 vị Thường vụ đã đồng thuận thì 41 vị Chấp hành không thể có tiếng nói khác. Và khi toàn Ban Chấp hành đã thuận vợ thuận chồng thì cả vạn dân trong huyện đủ sức tát cạn được cả mấy Biển Đông chứ không chỉ là một.
Chân lý đơn giản vậy nhưng vào cuộc lại mắc ngược mắc xuôi. Ông Bí thư một dụng ý, ông Chủ tịch một dụng ý, ông Phó Bí thư Thường trực lại một dụng ý nữa. Mà đứng sau mỗi ông là những nhóm lợi ích khác nhau, quan hệ dây dợ chằng chịt. Thế rồi thuộc cấp nhìn nước đục từ nguồn mà khuấy đảo thêm nhiều chuyện, lòng dân chưa yên thì nói gì đến phát triển.
Nhìn rộng ra thì địa phương nào cũng lình xình nhiều chuyện. Nhưng ở những nơi lãnh đạo biết tạo tiếng nói chung thì xem ra nội bộ êm thấm hơn nhiều, việc lớn thành việc nhỏ, việc nhỏ thành hòa tan. Chẳng lẽ trong trường hợp này lãnh đạo huyện X. không thuộc và không hiểu câu thành ngữ Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn có giá trị đến thế nào chăng?
Khánh Linh