Tư vấn pháp luật:
Thủ tục xin hưởng bảo hiểm khi điều trị ngoại trú?
(Dân trí) - Vợ tôi là giáo viên THPT, tham gia đóng BHXH, y tế đầy đủ. Nay vợ tôi bị bệnh, việc chữa bệnh đều tự túc, không được hưởng chế độ bảo hiểm gì vì phải điều trị ngoại trú. Chúng tôi phải làm thủ tục gì để được hưởng chế độ bảo hiểm?
(Lê Minh Ru, Email: ruby.leminh@yahoo.com).
Ảnh minh họa
Trả lời:
Căn cứ khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định Điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau: “Bị ốm đau, tai nạn rủi ro phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở y tế”.
Vợ ông đã đóng bảo hiểm xã hội được 8 năm nên thuộc đối tượng áp dụng chế độ ốm đau, nếu bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở y tế thì thuộc đối tượng hưởng chế độ ốm đau.
Căn cứ khoản 1 Điều 23 Luật bảo hiểm xã hội quy định thời gian hưởng chế độ ốm đau như sau:
“Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:
a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng ba mươi ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới mười lăm năm...;
b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng bốn mươi ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới mười lăm năm;...”.
Tuy nhiên, nếu vợ ông bị mắc bệnh cần chữa trị dài ngày như suy tim mãn... thì vợ ông được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 2 điều 23 Luật bảo hiểm xã hội: “Người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:
a) Tối đa không quá một trăm tám mươi ngày trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;
b) Hết thời hạn một trăm tám mươi ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn”.
Về mức hưởng chế độ ốm đau, điều 25 Luật bảo hiểm xã hội quy định:
“1. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 23 và Điều 24 của Luật này thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
2. Người lao động hưởng tiếp chế độ ốm đau quy định tại điểm b khoản 2 Điều 23 của Luật này thì mức hưởng được quy định như sau:
.....
c) Bằng 45% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới mười lăm năm.
4. Mức hưởng chế độ ốm đau tính theo quy định tại khoản 2 Điều này nếu thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì được tính bằng mức lương tối thiểu chung”.
Sau khi vợ ông đã điều trị hết khoảng thời gian hưởng chế độ ốm đau mà sức khỏe còn yếu thì có thể nghỉ thêm từ 5 đến 10 ngày trong 1 năm để dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi ốm đau theo quy định tại điều 26 Luật bảo hiểm xã hội:
“1. Người lao động sau thời gian hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 23 của Luật này mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ năm ngày đến mười ngày trong một năm.
2. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung”.
Vợ ông nên làm hồ sơ để hưởng chế độ ốm đau để đảm bảo quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội cho vợ ông.
Luật sư Vũ Hải Lý
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166
Email: info@luatdaiviet.vn
Website: http://www.luatdaiviet.vn
Ban Bạn đọc