Thủ đoạn tinh vi, khoác áo cán bộ đưa người vượt biên: Án tù cầm chắc

Khả Vân

(Dân trí) - Không những không giữ chữ tín, hoàn thành trách nhiệm cao cả được giao, Lý Chừ lại quay ra lợi dụng chức vụ để làm nội gián, tiếp tay cho đường dây đưa người trái phép vào Việt Nam

Liên quan đến đường dây đưa 200 người xuất nhập cảnh trái phép qua tuyến biên giới Bản Lầu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) vừa bị triệt phá, thêm nhiều thủ đoạn tinh vi của các đối tượng đã được làm rõ.

Đáng chú ý, kẻ đứng ra cảnh giới giúp các đối tượng nhiều lần đưa người vượt biên trót lọt lại chính là Lý Chừ (dân tộc Mông, sinh năm 1988, trú tại thôn Na Lốc 1, xã Bản Lầu) giữ chức danh Thôn đội trưởng từ năm 2016 - người trực tiếp tham gia tuần tra kiểm soát Covid-19 cùng lực lượng Biên phòng.

Vốn là người địa phương, rất thông thạo địa bàn, trong quá trình tham gia vào Tổ kiểm soát Covid-19, phụ trách các khu vực mốc giới 108 (2) và 110 (2), Chừ nắm rõ cách thức tuần tra, lịch sinh hoạt của các cán bộ, chiến sĩ trong Tổ.

Không những không giữ chữ tín, hoàn thành trách nhiệm cao cả được giao, Lý Chừ lại quay ra lợi dụng chức vụ để làm nội gián, tiếp tay cho Giàng Mỉ (đối tượng cầm đầu phía Việt Nam) trong những lần đưa người qua biên.

Thủ đoạn tinh vi, khoác áo cán bộ đưa người vượt biên: Án tù cầm chắc - 1
Miệng cống thông ra suối Bá Kết là một trong những vị trí các đối tượng ẩn náu, chui lủi vượt biên

Mỗi lần đưa người trót lọt, Giàng Mỉ trả cho Chừ và 2 đối tượng liên quan từ 600.000 đến 1 triệu đồng tiền công/trường hợp. Lợi ích trước mắt hấp dẫn hơn nhiều so với mức phụ cấp gần 9.000 đồng/giờ tham gia tuần tra (gồm cả tiền ăn).

Quá trình điều tra, thực nghiệm hiện trường cho thấy, mỗi lần có người cần đưa qua biên, Chừ là người đi trước dò đường, cảnh giới.

Mọi con đường dù hiểm trở đến đâu cũng có thể được Chừ và đồng bọn lợi dụng. Gần đây nhất, Chừ chỉ điểm cho những người vượt biên chui qua ống cống, luồn qua những nương ngô rồi theo lối mòn trên nương chuối, dứa để qua mắt Bộ đội Biên phòng.

Tuyến biên giới Bản Lầu ngăn cách với Trung Quốc bởi con suối Bá Kết, có những vị trí xung yếu chỉ cách một sải chân. Đây là nơi quan trọng nhất bắt buộc phải vượt qua, nên Chừ thường đứng ở một vị trí thuận lợi ven suối theo dõi lực lượng chức năng 2 bên, mọi thông tin liên lạc với các đối tượng trong đường dây đều qua điện thoại.

Trong đường dây này, ngoài kẻ cầm đầu ở bên kia biên giới Vũ Minh Toàn và lái xe taxi Vũ Văn Huân chở người từ thành phố Lào Cai vào Bản Lầu là không trú tại địa phương, còn Giàng Mỉ và đồng bọn, gồm Thôn đội trưởng Lý Chừ, Giàng Nhà, Thào Thành và 2 đối tượng trùng tên Hoàng Sang đều là người dân tộc bản địa, cư trú ngay địa bàn biên giới.

Người có nhu cầu xuất cảnh sau khi rời taxi (và ngược lại đối với trường hợp nhập cảnh) được các đối tượng chở xe máy lòng vòng qua những trục đường thôn, đường đồi để ra sát biên. Sau đó bố trí ẩn nấp trong những lùm cây, bụi rậm; đồng thời cất giấu xe máy ở những nhà người quen lân cận, chờ tín hiệu từ Lý Chừ là tiến hành vượt biên.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX) cho rằng, hành vi này của Lý Chừ thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép theo điều 348 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép thuộc trường hợp đối với 11 người trở lên thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Riêng với Lý Chừ có hai tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội và Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội.

Chắc chắn vụ án sẽ sớm được khởi tố, đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất. Các đối tượng phải nhận bản án thích đáng cho hành vi vụ lợi mà tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.