Xung quanh vụ “1m2 đất đòi bồi thường... 1 tỷ đồng”:

Thỏa thuận là đúng, nhưng… cần có chừng mực

(Dân trí) - Như Dân trí đã đưa tin về vụ việc “1m2 đất đòi bồi thường... 1 tỷ đồng”, mới đây, vụ việc đã trở lên “nóng” hơn khi UBND quận Hoàn Kiếm, ra thông báo áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đối với 2 hộ dân còn lại.

Thỏa thuận là đúng, nhưng… cần có chừng mực - 1
Căn nhà tại địa chỉ 22-24 Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
 
Đất vàng “đắp chiếu” 7 năm vì tranh cãi

Theo thông tin chúng tôi nhận được, sau khi Công ty CP Thời đại mới T&T (Công ty T&T) áp dụng mức giải quyết đền bù với mức “kỷ lục” tại khu vực Hàng Bài - Hai Bà Trưng là: 500 triệu đồng/m2 cho diện tích tầng 1 - thông tầng, 300 triệu đồng/m2 cho đất tầng 1 không có nóc và 200 triệu đồng /m2 cho tầng 2... đã có 15/17 chủ sử dụng đất đồng ý bàn giao mặt bằng, song vẫn còn 2 hộ dân không đồng ý mà đưa ra mức giá đòi bồi thường lên tới 1 tỷ đồng /m2.

Chính việc 2 hộ dân (thực chất là một gia đình) có những yêu sách “trên trời” này đã khiến dư luận có nhiều tranh cãi về vấn đề “nên như thế nào” trong vấn đề đền bù GPMB cho những dự án “mang tính thương mại”.

Được biết, một số hộ dân cho rằng dự án của Công ty T&T tại đây là nhằm mục đích kinh doanh chứ không phải phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh hay lợi ích công cộng, không thuộc diện Nhà nước thu hồi. Vì thế, các hộ dân này luôn đưa ra “yêu sách” là: Chủ đầu tư muốn mua thì phải thỏa thuận.

Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, bà Vi Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty T &T lại cho hay, “Sau gần 7 năm ách tắc và nhận thấy càng để lâu thì doanh nghiệp sẽ càng thiệt hại. Chính vì vậy, chúng tôi đã xin ý kiến UBND TP. Hà Nội để được thỏa thuận đền bù với dân. Và mức giá đền bù này của chúng tôi được đánh giá là “kỷ lục”, chỉ có thể áp dụng khi diện tích cần GPMB không quá lớn và nhu cầu triển khai sớm dự án là rất cao; thậm chí có nhiều người còn than phiền là sẽ làm khó cho những đơn vị khác khi muốn GPMB tại khu vực này…”

Lãnh đạo đơn vị này cũng chia sẻ, trước tình trạng chỉ còn 2 hộ dân không di dời, Công ty đã chấp nhận thỏa thuận đền bù cao. Cụ thể là, đối với diện tích 51m2 tầng 1 và 91 m2 tầng 2 (kể cả diện tích cơi nới lấn chiếm) chủ đầu tư đã chấp nhận bồi thường với tổng số tiền tiền lên tới 50 tỷ đồng (và thậm chí đã đàm phán với mức 60 tỷ); tức là cũng đã khoảng trên 1 tỷ đồng/m2 (vì thực chất tính về diện tích đất sẽ chỉ có 51 m2).Tuy nhiên, gia đình này vẫn không chịu di dời và cương quyết đòi phải đền bù với tổng giá trị là 67 tỷ đồng (trung bình 1,4 tỷ/m2) với những đòi hỏi phải tính cả diện tích hành lang (lấn chiếm), diện tích tầng 3 (tự cơi nới) bằng với giá đền bù những phần kia.

Thỏa thuận là đúng, nhưng… cần có chừng mực

Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho hay: Về nguyên tắc, việc thu hồi đất phục vụ dự án nhằm mục đích kinh doanh thương mại phải thỏa thuận đền bù sát giá thị trường. Nhưng vấn đề là người dân phải chứng minh được giá thị trường là bao nhiêu. Và người dân có thể thuê trung tâm thẩm định giá của Bộ Tài chính thực hiện việc này.

Song cũng theo chính Luật sư Nguyễn Hồng Bách và một số chuyên gia bất động sản khác, việc thẩm định của cơ quan nêu trên cũng không thể vượt quá 5 - 7 lần khung giá đất cao nhất của nhà nước đã đưa ra và nếu áp dụng cụ thể vào trường hợp trên thì nếu đưa ra thẩm định, “phần thiệt” sẽ thuộc về người dân. Và vì vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, người dân (cụ thể là gia đình nêu trên) cần phải biết “tri túc” trong sự đòi hỏi.

Cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền

Về vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nói: Xét về mặt tâm lý, thì sự đòi hỏi của những hộ dân nêu trên là có thể hiểu được. Nhưng về mặt pháp lý, chúng ta cần xét ở những khía cạnh sau:

Thứ nhất, theo phương án đền bù hỗ trợ mà nhà nước đưa ra, tại khu vực này (và cũng là khung giá cao nhất của TP. Hà Nội) thì giá bồi thường chỉ vào khoảng 60 – 80 triệu đồng/m2. Song chủ đầu tư đã chủ động thỏa thuận ở mức cao gấp trên dưới 10 lần, cao hơn cả mức giá thị trường (thực tế, chính hộ gia đình trên cũng không chứng minh được việc có giao dịch trên 500 triệu/m2 tại khu vực) là điều “rất phải” chấp nhận.

Thứ hai, mặc dù đây là một dự án “mang tính thương mại”, song xét ở khía cạnh khác, nó đã được sự phê duyệt, cấp phép của chính quyền và trở thành một dự án trọng điểm của quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội thì sẽ không còn là “việc riêng”, tự thỏa thuận của doanh nghiệp và người dân. Bởi lẽ, sự thành bại của dự án còn liên quan đến sự phát triển và quy hoạch phát triển chung của đô thị và chính quyền Thủ đô.

Ngày 25/3, trao đổi với PV Dân trí, ông Vũ Văn Viện, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Trong quá trình lập kế hoạch thu hồi, GPMB Dự án trên, UBND quận Hoàn Kiếm đã tiến hành chặt chẽ, bài bản, đúng pháp luật, đảm bảo đúng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trong trường hợp nếu hai bên không thoả thuận được, chính quyền sẽ phải sử dụng biện pháp cưỡng chế thì các chủ sử dụng đất sẽ chỉ được hưởng theo phương án đền bù của UBND quận đưa ra trước đó, khi đó giá sẽ thấp hơn nhiều so với giá mà chủ đầu tư đã đưa ra.

Thiết nghĩ, dù đây là một vụ việc đơn lẻ, song nếu để tình trạng này dây dưa kéo dài và nếu chủ đầu tư cũng như chính quyền lại tiếp tục “nhượng bộ” thì rõ ràng đây sẽ là một tiền lệ rất xấu khiến cho công tác GPMB tại trung tâm thủ đô ngày càng phức tạp.

Chính vì vậy, các cơ quan chức năng của quận Hoàn Kiếm và TP. Hà Nội rất cần có những biện pháp quyết liệt và tích cực hơn.

Vũ Văn Tiến