Thi trắc nghiệm: Tiếp tục hay dừng lại (!?)

(Dân trí) - Thi cử, dù dưới hình thức nào thì mục đích cuối cùng là đánh giá đúng thực chất khả năng, năng lực lĩnh hội tri thức của người học.

Thi trắc nghiệm: Tiếp tục hay dừng lại (!?) - 1

Liệu cách thức thi trắc nghiệm có đánh giá đúng thực chất khả năng người học (nguồn ảnh: internet)
 
Phân tích, đánh giá các điểm mạnh và yếu của mỗi hình thức trắc nghiệm khách quan hay tự luận, đã không ít tài liệu bàn tới.
 
Thi trắc nghiệm khách quan là 1 trong rất nhiều phương pháp đánh giá kết quả học tập, kiểm tra những kiến thức đã học, những kĩ năng đã được rèn luyện. Phương pháp này có ưu điểm là tính khách quan và khả năng kiểm tra kiến thức trong phạm vi rộng. Mặt khác phương pháp này cũng có hạn chế đó là không thể kiểm tra được các năng lực đặc thù mà người học cần có được, chẳng hạn năng lực sử dụng thuật ngữ chuyên ngành, khả năng diễn đạt, không giúp người tham gia bộc lộ khả năng sáng tạo cũng như năng lực tư duy lôgic chặt chẽ”. 

 

Không rèn luyện được tư duy diễn giải của học sinh tạo ra một số lượng khá lớn học sinh 'ngồi nhầm lớp' do hưởng được điểm đoán mò. Phổ điểm thi không thực chất do điểm đoán mò đem  lại (không hiểu gì cũng được 2,5 điểm), từ đó không tạo ra được dư luận tích cực để những người lãnh đạo ngành giáo dục phải có trách nhiệm hơn”(Trắc nghiệm-Kìm hãm tư duy sáng tạo- Thầy Lê Xuân Trọng).

 

Ở đây tôi muốn nêu lên quan điểm của bản thân và các giáo viên đồng nghiệp từng trao đổi với nhau qua các hội thảo chuyên môn, về hình thức thi trắc nghiệm mà ở Việt Nam thực hiện sau 5 mùa thi.

 

Thực ra cho tới nay chưa có một thống kê nào từ Bộ Giáo dục Đào tạo về những cái được, mất sau 5 năm thực hiện thi trắc nghiệm. Nhưng với kinh nghiệm gần 30 năm trong nghề dạy học, chúng tôi thấy những nhược điểm rất lớn của hình thức thi trắc nghiệm đó là làm cho đại bộ phận học sinh chúng ta ngày càng lười học hơn, khả năng tư duy vận dụng kém hơn, thậm chí không thể giải thích nổi các hiện tượng mang tính chất phổ thông. Theo chúng tôi, đây là điều rất nguy hại cho nền giáo dục Việt Nam, cho tương lai đất nước.

 

Khi chúng tôi còn học ở trường Đại học Sư phạm, được học về quan điểm dạy học tích cực, chủ động, phát huy năng lực học tập, sáng tạo của học sinh. Làm cho học sinh chủ động lĩnh hội kiến thức vì thời gian ngồi trên ghế nhà trường rất ít, mà kiến thức nhân loại thì rộng lớn vô cùng. Do đó làm thầy phải dạy cho học sinh biết tư duy, sáng tạo. Dạy học là dạy cách học, để khi ra đời họ có thể vận dụng được kiến thức vào cuộc sống.
 
Tuy nhiên ở Việt nam chúng ta, hầu hết học là để thi cử, làm sao cuối cùng thi cử đạt kết quả cao là toại nguyện, do đó mà thi kiểu gì thì dạy và học theo kiểu đó. Kết quả là từ khi Bộ Giáo dục Đào tạo triển khai hình thức thi trắc nghiệm thì giáo viên chỉ dạy học sinh những công thức giải nhanh, mà quên đi dạy cho học sinh hiểu bản chất của hiện tượng. Như vậy chúng ta đang đào tạo ra những thế hệ học sinh học nhiều mà... không biết gì.

 

Về phía học sinh thì chỉ một bộ phận chăm chỉ, ý thức được ý nghĩa của việc học tập, chịu khó tìm đọc để hiểu sâu vấn đề. Phần lớn còn lại là lười học lí thuyết vì các em cho rằng học trắc nghiệm không cần học kĩ bài, khi kiểm tra hay thi cử thường mắc lỗi nhận định rất nhiều. Các em thường đánh dấu vào những câu mà mình nghĩ hình như là đúng.

 

Còn về bài tập thì học sinh chỉ học những công thức giải nhanh do thầy cô cho hoặc tìm kiếm trên mạng, mà không cần biết công thức đó ở đâu ra, tìm, chứng minh như thế nào. Chúng tôi thường gọi thi trắc nghiệm là làm bài theo kiểu “ mì ăn liền”. Chỉ cần nhớ công thức rồi lắp số và và tính, giống như ăn mì tôm.

 

Một nhược điểm nữa là thi trắc nghiệm không thể đánh giá phân loại học sinh một cách chính xác nhờ vào 25% may rủi. Làm mất tính cạnh tranh học tập trong học sinh. Những học sinh giỏi, chăm chỉ cảm thấy bất mãn khi bài thi, kiểm tra của mình được điểm cũng như của bạn kém hơn, lười học hơn. Thật không công bằng và làm triệt tiêu động cơ học tập của học sinh. Còn giáo viên thì cũng mất đi những lời phê, chỉnh sửa tâm huyết  của mình trên mỗi bài làm để uốn nắn học trò.

 

Chúng tôi được biết giáo dục ở một số nước Âu, Mỹ người ta cũng thi trắc nghiệm nhưng chỉ là những bài kiểm tra xem học sinh đó có đủ năng lực, kiến thức để thi tiếp lên bậc đại học hay không. Ở Hàn Quốc cũng làm như vậy.

 

Còn ở Nga cũng đã có những hội thảo về thi trắc nghiệm, họ cho rằng: thi trắc nghiệm làm cho người học phải ghi nhớ nhiều chi tiết vụn vặt làm cho đầu óc mệt mỏi, căng thẳng, do đó mà ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức, cơ thể luôn luôn trong trạng thái mệt mỏi.

 

Ở Việt Nam cũng đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục không đồng tình với việc thi theo hình thức trắc nghiệm, như PGS Văn Như Cương, Lê Xuân Trọng…

 

Vì vậy, với tâm huyết của mình với nền giáo dục nước nhà và sự phát triển của đất nước trong nền kinh tế thị trường năng động và sáng tạo, chúng tôi tha thiết đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo, những cán bộ đang mê mải áp dụng phương pháp thi trắc nghiệm nên đi sát thực tế việc dạy và học hiện nay ở các nhà trường, để thấy rõ sự sa sút ý thức và năng lực học tập của học sinh. Bỏ hình thức thi trắc nghiệm như hiện nay, trở lại với hình thức tự luận để đất nước ta đào tạo ra những thế hệ tư duy năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trong thời kì đổi mới.

 

Cuối cùng thay lời kết xin mượn lời nói của thầy Văn Như Cương: “Tôi cho rằng nếu chúng ta tiếp tục thi trắc nghiệm thì chỉ vài ba năm nữa là chất lượng giáo dục sẽ xuống cấp trầm trọng hơn nhiều. 12 năm học ra chỉ biết bôi đen, không biết lập luận, không viết được một văn bản, một câu cú cho ra hồn, không nói được với người nước ngoài, không nghe được người ta nói thì GD&ĐT về sau còn tệ hơn”.

 

                                                                                                            Nguyễn Văn Pho

                                                                  (Giáo viên trường THPT Nguyễn Trãi - Tx Ninh Hòa - Khánh Hòa)