Đắk Nông:

Thi công khu công nghiệp khiến hàng ngàn người bỗng dưng…mất đường

(Dân trí) - Dự án nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông động thổ từ tháng 2/2015, cũng là lúc gần 500 hộ dân của 4 thôn, bon xã Nhân Cơ (huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) mất luôn con đường dân sinh độc đạo mọi sinh hoạt, sản xuất của người dân vốn đã nghèo nay càng thêm khó khăn.

Con đường dân sinh độc đạo của gần 500 hộ dân với hơn 2000 nhân khẩu ở 4 thôn, bon vùng sâu, vùng xa của xã Nhân Cơ giờ đây đã trở thành nỗi ám ảnh với bà con đồng bào nơi đây. Ngày mưa, bùn lầy lội cả nửa bánh xe, ngày nắng đóng bụi mịt mùng.

Khi đường lầy lội hơn ruộng

Theo quan sát thực tế của PV, gần 1km đường giao thông nối các thôn 4, 12, 17 và bon Bù Dấp ra trung tâm xã Nhân Cơ đã bị “bùn hóa” đến lầy lội. Được biết, trước đây, khi chưa bị xới tung, đây là con đường đất bằng phẳng rộng hơn 4m. Chỉ sau một thời gian ngắn khi xe công trường tiến hành đào bới, lấy mặt bằng phục vụ dự án, con đường bỗng chốc thành ruộng mới cày.

 

dan-vat-lon-tren-con-duong-dau-kho-70817
Dân khổ sở vượt qua "con đường đau khổ"

Từ trung tâm xã vào đến thôn 12 như đang thử thách chúng tôi khi đi trên đường nhưng không thể phân biệt được đâu là đường, đâu là vũng nước. Nhiều đoạn bánh xe ben, xe tải chạy qua nhiều lún thành giao thông hào thời chiến! Thay vì đi qua quãn đường này chỉ mất 10 phút đi xe như trước đây thì bât giờ, phải mất gấp đối, gấp ba. Thậm chí, phải quay về bởi chạy xe ngã nhào xuống bùn lầy là chuyện thường!

Đang loay hoay tìm con đường khác để vào thôn, chúng tôi gặp anh Trương Định (trú thôn 4, xã Nhân Cơ) trong tình trạng quần xắn cao quá gối, đôi giày bọc vào túi ni lông và vẻ mặt ngán ngẩm khi mới vượt qua được vũng bùn. “Không có đường khác vào đâu chú à! Đường thế này đây, đi qua được đường này thì phải cần cả kỹ năng chạy xe điệu nghệ và chút may mắn nữa chứ không vồ ếch ngay!”, anh Định nửa đùa nửa thật với chúng tôi.

bi-bom-qua-duong-lay-4e50f
Bì bõm, trơn trượt khi qua con đường lầy lội

Chị H’Bé - một phụ nữ người đồng bào Ê-đê (ngụ bon Bù Dấp) cùng chồng vừa đi làm rẫy về cũng tranh thủ nán lại với chúng tôi: “Không biết đến bao giờ mới mở đường mới cho dân. Dự án lấy đường, dân đồng tình, nhưng cũng phải mở đường khác cho dân đi chứ.”

Theo nhiều hộ dân ở đây, trước thực trạng này, dân đã nhiều lần kiến nghị lên xã, lên Ban quản lý dự án (BQLDA) nhanh chóng khắc phục, trả lại đường đi cho bà con nhưng chỉ nhận được lời hứa hẹn. “Dự án hứa sửa đường. Ngày mưa thì bảo mưa không làm được, ngày nắng thấy dân đi lại được thì lại không làm!”, một hộ dân cho bức xúc.

Không chỉ mất đường, 22 hộ dân ở các thôn này còn bị bùn đỏ từ quá trình đào múc tràn vào, bồi lắng hết ao hồ gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Các hồ này là nguồn cấp nước tưới tiêu chính cho hàng trăm héc-ta cà phê, hồ tiêu của bà con. Việc này đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân khi diện tích cây trồng giờ đây phải chờ vào nước trời

Bà Phan Thị Hải, một hộ dân có hồ tưới bị lấp cho biết, đầu tháng 7 vừa qua, BQLDA và địa phương đã làm việc với dân về các phương án đền bù. “Giờ gần 2 tháng rồi mà tiền đền bù của dân ở đâu chẳng ai hay!(?)”, bà Hải nói.

Gian nan đường tới trường

Đường hỏng, không những công việc của người lớn bị ảnh hưởng mà việc học của con em các thôn cũng bị đình trệ.Những ngày mưa lớn, nước không có chỗ thoát ngập băng cả một khu. Thêm thay, nhiều hố sâu được đào khoét nham nhở, nhiều người không dám ra đường. Người lớn thì nghỉ làm, học sinh cũng cất cặp ở nhà.

 

dan-phai-di-ung-cao-sat-dau-goi-aec51
Dân phải đi ủng cao sát đầu gối để di chuyển trên đường

Thay bằng đôi giày và mang đồng phục đến trường hằng ngày thì nhiều em học sinh ở đây phải đi ủng và …mang áo mưa, kể cả những lúc trời nắng. “Mới mưa xong thì có nắng hạn vài ngày bùn mới khô lại thì bụi như đi trong sương mù”, ông Bùi Văn Hoành vừa chở con mình đi học về qua đây cho hay.

Em Nguyễn Thị Ngọc Linh (học sinh trường THPT Trường Chinh) cho biết, bây giờ các em muốn đi học đều phải có bố mẹ đưa đón. Nhiều bạn đang đi qua đoạn đường này thì bị té, bùn đỏ bám đầy áo, quần nên đành phải bỏ học quay về. “Cứ như thế này mãi rồi chẳng còn ai muốn đi học nữa chú ạ!”, Linh tâm sự.

bi-te-nga-khi-di-qua-con-duong-7ea4f
Dân bị té ngã thường xuyên trên đường

Ông  Nguyễn Văn Long - Phó chủ tịch UBND xã Nhân Cơ - xác nhận: việc người dân ở các thôn bon mất đường là đúng. Xã cũng đã cử cán bộ xuống địa bàn xác minh và tiếp thu kiến nghị của dân đồng thời kiến nghị lên BQLDA nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục. “Chiều nay 2 cán bộ từ thôn 12 ra xã dự họp cũng bị té ngã ở khúc đường này nên cuộc họp cảu ủy ban cũng bị hoãn lại”, ông Long ngao ngán.

Đường của dân vẫn chỉ nằm trên giấy

Khi đưa sự việc hàng trăm hộ dân mất đường làm trao đổi với Ban quản lý phát triển khu đô thị mới & công trình trọng điểm tỉnh thì được biết, đường mới của dân mới ở mức…dự kiến.

Ông Trần Quốc Đạt - Phó phòng Hạ tầng đô thị cho biết, dự án Khu công nghiệp Nhân Cơ là dự án lớn, trọng điểm của tỉnh với diện tích 148ha nên việc ảnh hưởng đến người dân là không thể tránh khỏi. Nguyên nhân chủ yếu là do độ cao chưa đồng bộ, chưa thể thi công, đào ra đến đâu nước lại cuốn trôi xuống bên dưới chừng đó nên rất khó khăn cho thi công.

Cũng theo ông Đạt, phương án triển khai con đường dân sinh mới cho người dân đã có… trên thiết kế. Dự kiến cuối năm 2015 mới tiến hành khắc phục xong đoạn đường này.

Hơn 2.000 con người sẽ phải sống chung với cảnh “chân lấm tay bùn” gần 5 tháng nữa, nhưng cũng chỉ mới là… trên dự kiến, còn lãnh đạo BQLDA chỉ: “mong bà con thông cảm”!

Đức Cường - Thúy Diễm