Thay đổi nhận thức
(Dân trí) - Nền kinh tế Việt Nam qua một năm có nhiều biến chuyển dữ dội. Những tác động tiêu cực đẩy các nhà quản lý vào thế ứng phó thụ động và bất ngờ.
Đối với các doanh nghiệp, sóng gió của năm 2008 gây tổn thương nghiêm trọng, nhiều đơn vị phá sản. Một bộ phận doanh nghiệp còn trụ được nhưng thương vong không ít. Tuy nhiên chính từ khủng hoảng đó, từ các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp cho đến người dân có được cơ hội để thay đổi nhận thức, tìm ra bài học cho chính mình.
Có người cho rằng VN đã qua được "mắt bão" của trận bão khủng hoảng. Bởi vì trước tiên, Chính phủ VN đã đưa ra các biện pháp kiềm chế lạm phát hiệu quả và thực hiện các gói giải pháp ngăn chặn suy thoái tương đối đúng mạch. Chính vì có các chính sách điều hành hợp lý nên năm 2008 bội chi ngân sách giảm 5%, nhập siêu 17 tỉ USD, thấp hơn chỉ tiêu được giao là không quá 20 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao hơn tăng trưởng nhập khẩu, chỉ số giá tiêu dùng tăng 19,9%, thấp hơn nhiều so với con số dự báo là 25%. Đối với tình hình cực kỳ nguy hiểm như năm qua, đạt được những kết quả đó cũng là một cố gắng lớn. Nhưng bên cạnh những biện pháp xử lý tích cực và hiệu quả vẫn còn những tồn tại buộc phải nhìn nhận thẳng thắn để điều chỉnh.
Thẳng thắn là ở chỗ, ngoài những tác động có tính khách quan, nền kinh tế VN còn bị những cản trở ngay từ bên trong. Chính những cản trở này đã làm cho tình hình xấu thêm. Tình trạng đầu tư xây dựng không hiệu quả, công trình bị rút ruột hay thất thoát lãng phí cũng là yếu tố làm tăng lạm phát. Ví dụ như chỉ sửa chữa sai phạm ở cầu Văn Thánh 2 thuộc dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng ngốn mất 140 tỉ đồng, nếu thống kê đầy đủ các công trình trên khắp cả nước thì con số sẽ không nhỏ. Một vấn nạn khác là sự trì trệ của nền hành chính công. Đã có số liệu nghiên cứu nếu xây dựng được nền hành chính chất lượng cao thì tiết kiệm được mỗi năm từ 12.000 - 30.000 tỉ đồng. Thử làm phép so sánh sẽ thấy gói kích cầu 1 tỉ USD bỏ ra là rất khó khăn, đã là số tiền rất lớn cần phải cân nhắc từng đồng một, trong lúc chỉ cải cách hành chính hiệu quả thì bản thân nó đã tạo ra được số tiền ít nhất là tương đương
Các chuyên gia kinh tế dự đoán năm 2009 sẽ là một năm rất khó khăn. Muốn vượt qua nó đòi hỏi phải có sự thay đổi về nhận thức để cải cách từ bên trong. Chính phủ đề ra các chính sách phát triển kinh tế và biện pháp chống tham nhũng hiệu quả, cộng đồng doanh nghiệp thay đổi công nghệ và nâng cao trình độ quản lý, tập trung sản xuất của cải vật chất có sức cạnh tranh, cả xã hội có ý thức thực hành tiết kiệm và tiêu dùng hàng trong nước. Nếu không làm được như vậy thì cho dù không bị tác động bởi khủng hoảng từ bên ngoài kinh tế nước ta cũng khó tránh khỏi suy thoái.
Lê Chân Nhân