Thanh tra TP Hà Nội đề nghị giải quyết nguyện vọng xử lý sai phạm theo lộ trình của công dân
(Dân trí) - Việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm nghiêm trọng của chính quyền địa phương tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) dẫn đến nhiều lò gạch trái phép đã mọc lên và hoạt động suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, sau khi đổ tiền tỷ vào xây dựng, nhiều chủ lò lao đao nhận lệnh cưỡng chế. Thanh tra TP Hà Nội đã có công văn đề nghị giải quyết nguyện vọng xử lý sai phạm theo lộ trình của công dân.
Theo Công văn số 752/TTTP-VP của Thanh tra TP Hà Nội gửi đích danh Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn: “Ngày 28/3/2016, Thanh tra thành phố nhận được đơn của Hợp tác xã Đại Thắng do ông Trần Văn Đạo làm giám đốc. Đơn có nội dung: Đề nghị chính quyền đại phương cho phép Hợp tác xã Đại Thắng duy trì hệ thống lò nung gạch tại khu đất Đầm Gạo - Gò Đò, thôn Bắc Vọng, xã Bắc Phúc, huyện Sóc Sơn do vị trí đặt lò xa khu dân cư và trường học, không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường xung quanh và để đảm bảo cuộc sống, thu nhập ổn định cho gần 100 lao động tại địa phương”.
Thanh tra TP Hà Nội cho biết, sau khi xem xét nội dung đơn và căn cứ quy định của pháp luật, Thanh tra thành phố chuyển đơn của HTX Đại Thắng đến Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, ngày 22/4, UBND xã Bắc Phú đã ra thông báo tháo dỡ do ông Nguyễn Văn Duyên, Phó chủ tịch xã Bắc Phú ký với nội dung, HTX Đại Thắng phải dừng hoạt động sản xuất gạch, tự động tháo dỡ công trình lò gạch.
Trong quyết định cũng nêu rõ, sau 3 ngày (tức ngày 25/4), yêu cầu ông Trần Văn Đạo (giám đốc HTX Đại Thắng) phải có mặt tại công trình để các ban ngành chức năng thực hiện cắt nguồn điện.
Thông báo cắt điện chuẩn bị cưỡng chế của huyện Sóc Sơn sau khi Thanh tra TP Hà Nội chuyển công văn.
“Lò gạch của chúng tôi với giá trị hàng chục tỷ đồng nếu như theo yêu cầu của UBND xã Bắc Phú sẽ bị phá dỡ trong vài ngày tới trở thành một đống gạch vụn, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phá sản, hàng chục lao động mất việc làm. Chúng tôi không bao biện trước sai phạm mà chỉ xin UBND TP Hà Nội và các cấp có thẩm quyền xem xét cho chúng tôi một lộ trình xử lý sai phạm hợp lý để chúng tôi khắc phục”, ông Đạo này tỏ.
Tương tự như HTX Đại Thắng, Công ty CP gạch Đức Hoà có địa chỉ tại thôn Thượng - Đức Hoà - Sóc Sơn (Hà Nội) cũng phải đối mặt với tình trạng phá sản theo lịch phá dỡ của chính quyền địa phương. Công ty này cũng bày tỏ mong muốn nhận được một lộ trình xử lý sai phạm để có cơ hội khắc phục.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Quốc Thịnh - Giám đốc Công ty điện lực Sóc Sơn cho biết: Điện lực Sóc Sơn vừa nhận được văn bản, phối hợp với UBND xã Bắc Phú tiến hành tháo dỡ công trình lò gạch không phép.“Tuy nhiên, chỉ khi nào hoạt động sản xuất dừng hẳn, đảm bảo tài sản cho người dân thì điện lực mới tiến hành cắt điện”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Hàng chục tỷ đầu tư vào các lò gạch sẽ bị xoá sổ theo yêu cầu xử lý của chính quyền địa phương khiến doanh nghiệp đối mặt nguy cơ phá sản.
Trước đó, như Dân trí thông tin, theo Thông báo số 65/TB-UBND kết luận của ông Đỗ Minh Tuấn - Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn tại buổi họp xử lý các lò gạch hoạt động trái phép trên địa bàn huyện, nguyên do của tình trạng trên là một số xã buông lỏng quản lý, xử lý thiếu kiên quyết dẫn đến một số chủ lò gạch tự đầu tư chuyển đổi lò gạch sử dụng công nghệ cải tiến nhưng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo chủ trương xử lý triệt để sai phạm của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn đưa ra phương án phá dỡ những lò gạch này.
Từ đó, UBND xã Bắc Phú đã ra thông báo yêu cầu các chủ lò gạch trên địa bàn phải tự phá dỡ các hạng mục công trình lò gạch vi phạm.
Tuy nhiên, khi nhận thông báo này, một số chủ lò gạch với hàng chục công nhân hốt hoảng gửi đơn đến UBND TP Hà Nội cùng các sở ngành liên quan xin một lộ trình xử lý sai phạm hợp lý vì trót đổ tiền tỷ vào đây.
Anh Thế