Tết này bản Mường rộn tiếng lăm Nhuôn

Khi núi rừng bắt đầu khoác lên mình chiếc áo xanh non, chim, thú thức dậy sau giấc ngủ Đông để đón mùa xuân về, cũng là lúc bà con các dân tộc thiểu số ở Con Cuông chuẩn bị cho cái tết cổ truyền của dân tộc.

Tết đến nhà nhà chuẩn bị gạo, nếp, lợn thịt và nhiều loại lương thực, thực phẩm cho tết. Ngoài vật chất ăn tết, người Thái Con Cuông (Nghệ An) rất chăm lo cho đời sống tinh thần, trong đó văn hóa- văn nghệ và các trò chơi dân gian là không thể thiếu.

Những ngày áp tết chị em phụ nữ lo chuẩn bị phục vụ cho tết, các cụ ông, cụ bà đem các loại trống, chiêng và các loại nhạc cụ khác ra lau chùi, bảo quan hoặc lo dùi sửa các loại sáo, pí để vui tết. Từ khi có nghị quyết của Đảng về “ Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” phong trào Văn hóa- văn nghệ ở Con Cuông như được tiếp thêm luồng gió mới.
Tết này bản Mường rộn tiếng lăm Nhuôn - 1

Đến nay tất cả 13/13 xã, thị đều có đội văn nghệ, có các câu lạc bộ như: Câu lạc bộ dân ca thái, Câu lạc bộ cồng chiêng, câu lạc bộ nhuôn, lăm, khắp… ngoài các đội văn hóa- văn nghệ được thành lập ở các xã, các thôn bản cũng đứng ra thành lập các câu lạc bộ như: Câu lạc bộ hát dân ca Thái của Bản Tờ; Bản Nưa (xã Yên Khê);

Câu lạc bộ cồng chiêng Bản Khe Rạn (xã Bồng khê); Câu lạc bộ nhuôn khắp, khăm vông của Bản Chôm Lôm, Bản Đồng tiến (xã Lạng Khê)… cứ vào ngày lễ, tết khi công việc nông nhà, ho tụ tập nhau lại đàn ca, múa hát, khắp các Bản mường Con Cuông rộn vang núi rừng, rộn ràng các làn điệu dân ca, nhạc cụ mang bản sắc dân tộc độc đáo, họ hát múa như: Lăm, khắp, biểu diễn các nhạc cụ như: Khèn bè, sáo, pí xa lo, pí ợi cuốn hút moi tầng lớp trẻ, già, trai gái đến xem, cổ vũ và trực tiếp tham gia góp vui.

Nhiều nghệ nhân say sưa sáng tác và truyền dạy lại cho lớp trẻ như: Nghệ nhân Lô Hồng Lục, bản Tổng Xan (xã Thạch Ngàn); ông Vi Văn Quy, Bản Tờ, xã Yên Khê; bà Ngân Thị Quý (bản Đồng Tiến, xã Lạng Khê)… là những người có nhiều kinh nghiệm trong sáng tác và biểu diễn và đang ngày đêm truyền dạy lại cho con cháu. Để chuẩn bị cho vui xuân đón tết, năm nào vào đầu tháng 12 âm lịch, Trung tâm văn hóa huyện cũng mời các "hạt nhân" văn nghệ, cán bộ phụ trách văn hóa xã về tập huấn, xây dựng các chương trình văn nghệ.

Sau khi được tập huấn tại huyện các hạt nhân về tận các bản bắt đầu xây dựng lại chương trình, tập hợp anh chị em tập luyện để những ngày xuân các bản, mường đều rộn vang tiếng hát, tiếng nhạc. Bên cạnh các tiết mục văn nghệ cái không thể thiếu là những chum rượu cần được làm bằng gạo nếp ủ men lá rừng có vị ngọt nồng. Bà con tụ tập xung quanh chum rượu vừa hát, múa lăm vông với tinh thần là “chưa say là chưa vui”. “Lên đây thì ở lại đây/Bao giờ bén rễ xanh cây cũng đừng về/Lên đây thì ở lại… đây”.

Tiếng hát, tiếng cồng, tiếng chiêng hòa vào xuân làm cho núi rừng Con Cuông, núi rừng Trà Lân thêm một sức xuân, sức sống mãnh liệt, là động lực tinh thần giúp cho bà con đồng bào các dân tộc Con Cuông bước vào một mùa xuân mới thêm nhiều khí thế mới, quyết tâm thi đua lao động sản xuất, tích cực xóa đói giảm nghèo, lập thành tích chào mừng thắng lợi Đại hội Đảng các cấp và Thắng lợi của Đại hội Đảng toàn quốc khóa XI.

Cùng nhau gắng sức đồng lòng xây dựng Con Cuông trở thành trung tâm kinh tế - Văn hóa của miền Tây Nam Nghệ An.

Phùng Văn Mùi