Tạo sự bình đẳng trong học tập, không để có trò kém

(Dân trí) - Trẻ em đến trường là bước đầu tiên hội nhập vào xã hội, vào cuộc sống học đường. Làm sao để mỗi em cảm nhận hạnh phúc được sống với bạn bè và luôn thấy hứng thú trong học tập. Đấy là trách nhiệm của nhà trường và cũng là của thầy cô.

Nhận xét của thầy
 
Trước nhất, chúng ta nên từ bỏ những suy nghĩ có phần khiên cưỡng, định kiến, tạo ra sự mất bình đẳng trong môi trường giáo dục. Thật ra nhận xét giỏi hay kém đối với học trò là do ý chủ quan của thầy. Trừ một số nhỏ trường hợp vì bệnh tật, có vấn đề về thần kinh, còn hầu hết các em đều có khả năng học và có khả năng thành công ở trường.

 

Tùy theo chỉ số IQ đo trí tuệ của các em mà người ta có sự phân biệt về mức độ thông minh. Xin chỉnh lại : không phải vì kém thông minh mà một số em học kém. Mặt khác, IQ chỉ là một dữ kiện có giới hạn, không phải là một chẩn đoán có ý nghĩa tuyệt đối.

 

Nguyên nhân của học kém, không theo kịp trong lớp,  phức tạp hơn nhiều. Thật vậy:

 

 Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

- Các em sinh ra có những đặc tính khác nhau, có những em làm việc chậm hơn bạn. Sự phát triển của trẻ cũng theo những lịch trình khác nhau, bằng chứng là có bé biết đi lúc 10 tháng, nhưng nói trễ hơn. Ngược lại, có cháu đến 14 tháng tuổi mới buông tay mẹ đi một mình, nhưng mọc răng sớm hơn và nói líu lo so với các bạn cùng tuổi 

 

-Về tâm lý, có thể có những em cần được nâng đỡ : học kém có thể là một ngôn ngữ, một cách để em kéo sự chú ý của những người xung quanh. Cũng có thể vì các em có vấn đề về tâm lý khác nữa (cha mẹ có xung đột, một em bé mới chào đời trong gia đình, một cái tang của ông hay bà trong nhà ...).

 

- Có thể phương pháp dạy của giáo viên không thích hợp với em, nhanh quá làm em không theo kịp,  hay vì căng thẳng trong liên hệ với thầy...

 

-Và còn nhiều lý do khác nữa. Vả lại thông thường có em giỏi toán, có em giỏi văn hay giỏi các môn khoa học và “nhân vô thập toàn” – giỏi môn này kém môn khác, nên giáo viên cần nhận định xác đáng để tùy cơ ứng biến.

 

Cũng xin đừng nghĩ rằng ngồi lại lớp một năm sẽ giúp các em yếu kém rèn thêm kiến thức trước khi lên lớp cao hơn. Ngồi lại lớp là một “hình phạt” vừa thiệt về kinh tế (tốn tiền cha mẹ chẳng hạn, mất một năm của em bị ngồi lại lớp), vừa ảnh hưởng tâm lý (mặc cảm học dở), vừa thiệt thòi về quan hệ xã hội (mất bạn vì các bạn lên lớp trên), mà kết quả về trí tuệ không được bao nhiêu.

 

Đánh giá đào tạo
 
Ở một số nước như Phần Lan, và trong một chừng mực nào đó, ở Bỉ, Thụy Điển, Hà Lan ... giáo viên đánh giá học trò thường xuyên, nhưng đánh giá đào tạo chứ không phải đánh giá chế tài để sắp hạng cao - thấp hay giỏi - kém.
 
Tạo sự bình đẳng trong học tập, không để có trò kém  - 1

Không nên bắt tất cả học sinh đều phải theo một cách dạy và học duy nhất
(ảnh minh họa của Việt Hưng)

 

Đánh giá đào tạo để biết chỗ nào học sinh dễ tiếp thu, chỗ nào chưa ổn. Khi thấy “có vấn đề”, các em ấy sẽ được bồi dưỡng tức thì – tìm phương thức giải quyết ngay - bằng nhiều cách.

 

Nhẹ nhàng nhất là cùng em xem lại chỗ có vấn đề : em đã hụt chân à? đây thầy,cô đưa em một cái tay dìu dắt em qua chỗ khó. Em cần thời gian để hiểu? không hề gì, ta ngưng một tí để em bắt thêm hơi thở mà đi trở lại và đi tiếp.

 

Đừng nghĩ rằng ngồi lại lớp một năm sẽ giúp các em yếu kém rèn thêm kiến thức trước khi lên lớp cao hơn. Ngồi lại lớp là một “hình phạt” vừa thiệt về kinh tế (tốn tiền cha mẹ chẳng hạn, mất một năm của em bị ngồi lại lớp) vừa ảnh hưởng tâm lý (mặc cảm học dở) vừa thiệt thòi về quan hệ xã hội (mất bạn vì các bạn lên lớp trên), mà kết quả về trí tuệ không được bao nhiêu.

Cách thứ nhì, cũng giản dị : gửi em cho một bạn cùng lớp. Học cùng với nhau thoải mái hơn, không có cái áp lực sợ thầy nên nhận bừa là “con đã hiểu rồi ạ”. Giúp nhau học tăng tình tương trợ trong lớp. Em giỏi, khi giúp bạn lại có dịp ôn bài. Cả hai sẽ hiểu kỹ nội dung chương trình hơn. Và cả hai sẽ rất là thoải mái nhận lời khen thưởng khích lệ của giáo viên khi kế hoạch hoàn tất. Chuyện giúp đỡ nhau trong lớp là chuyện thường tình, hôm nay em A giúp em B, nhưng ngày mai có thể các vai trò sẽ đảo ngược và em B sẽ đóng vai người giúp bạn A.

 

Cách thứ nhì này chỉ có thể thực hiện khi môi trường không có chấm điểm xếp hạng trong lớp, để không có “nạn” trò giỏi đóng vai trò “thầy giáo” và coi thường bạn kém.

 

Cách thứ ba, khi cái khó khăn quan trọng hơn, nhờ trợ giáo, cán sự xã hội, tâm lý gia, chuyên gia về phát âm tai mũi họng, ... tiếp tay vì có thể tiềm ẩn trò kém có nhiều vấn đề khiến em không đạt được kết quả mong muốn. Giải pháp này là giải pháp “trị bệnh từ gốc”, tìm những nguyên nhân khiến một trò trong lớp gặp khó khăn, tại một thời điểm nhất định, để áp dụng giải pháp tốt nhất.
 
Tùy đối tượng và theo nhóm

 

Song song với những giải pháp cá nhân, lẻ tẻ sau khi khó khăn đã hiện ra, ta còn có thể “phòng ngừa” khó khăn bằng nhiều cách mà điển hình nhất là phương pháp sư phạm tùy đối tượng và phương pháp làm việc theo nhóm.

 

Một cái áo không thể mặc vừa hết cho tất cả mọi người, một món thuốc không thể thích hợp cho tất cả bệnh nhân, thế tại sao ta bắt tất cả các em đều phải theo một cách dạy và học duy nhất?

 

Theo phương pháp sư phạm tùy đối tượng, giáo viên chọn thời điểm của bài học, chuẩn bị soạn bài, dùng phương pháp, ngôn từ, (cụ thể hay trừu tượng) kỹ thuật dạy, dụng cụ sư phạm ... tùy theo đặc thù của học trò. Mỗi em có một quá khứ, kinh nghiệm, cách học ... khác nhau. Dựa trên những khác biệt ấy, khai thác những yếu tố ấy để bài học hấp dẫn hơn, phong phú hơn và nhất là dễ tiếp thu hơn.

 

Lớp học không đồng nhất làm sao dạy tùy đối tượng? Được chứ, trong khi những em đã hiểu bài có thể làm bài tập hay giúp bạn, giáo viên “rảnh tay và rảnh trí” để nâng đỡ, hay giảng cách khác cho những em còn ... ngỡ ngàng.

 

Phương pháp tùy đối tượng có thể dùng đồng thời với phương pháp làm việc theo nhóm.

 

Trong mỗi nhóm, mỗi em có trách nhiệm cho tiến triển của mình, đồng thờ cũng liên đới trách nhiệm cho tiến bộ của bạn bè. Tinh thần tự trách nhiệm và trách nhiệm cho đồng đội giúp các em bươn chải tự học, học với bạn và giúp bạn học. Đấy là một cách rất thiết thực để tự lập, thu thập kiến thức một cách bền vững và liên hệ tốt với bạn bè – liên hệ giữa đồng hàng hay liên hệ ngang -  Em “giỏi” giúp em “kém” để cả nhóm đều hiểu bài.

 

Điều kiện cần cho sinh hoạt nhóm  Có cạnh tranh nhưng cạnh tranh lành mạnh (là một động cơ để đi nhanh đến đích) chứ không phải cạnh tranh cho xếp hạng cao thấp!

 
Tất cả đều giỏi
 

Biến ý tưởng “các em đều giỏi” thành hiện thực là một việc khả thi. Và đó không phải là một khẳng định vô căn cứ. Phần Lan là thí dụ điển hình, từ gần 50 năm nay. Nhiều nghiên cứu khoa học đã kiểm chứng các kết quả ấy.

 

Có thể ta cần xem lại triết lý giáo dục, quan niệm về chấm điểm xếp hạng, thi cử, cũng như vai trò của thầy, chỗ đứng và quyền của trò ...Cũng xin đừng nói là “hệ thống” hay “cơ cấu” không cho phép thay đổi. Những người tiên phong áp dụng các quan niệm tiến bộ và các phương pháp giáo dục mới lúc đầu rất là lẻ loi, nhưng từ từ, như vết dầu loang, các bạn đồng nghiệp đã đi theo họ.

 

Góp gió thành bão, muốn xây một căn nhà thì bắt đầu bằng một viên gạch nhỏ. Góp phần của mỗi giáo viên là một viên gạch nhỏ nhưng là một viên gạch vô cùng quan trọng.

  

                                                         Nguyễn Huỳnh Mai

                                                             (Liège, Bỉ)

 

LTS Dân trí - Tạo ra môi trường giáo dục bình đẳng, không để một học trò nào bị kém, bị hụt hẫng trước các bạn, quả thật là một ý tưởng giàu tính nhân văn trong giáo dục. Và đấy không chỉ dừng lại ở ý tưởng tốt mà đã thật sự đi vào cuộc sống ở đất nước Phần Lan. Nhiều nước  khác ở châu Âu cũng đang hướng tới một nền giáo dục như vậy.

 

Nhà giáo Nguyễn Huỳnh Mai, với 35 năm vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, đã trình bày khá sáng rõ về những biện pháp tạo lập môi trường giáo dục bình đẳng, không để có học sinh kém ở trong lớp. Những biện pháp ấy không phải quá mới mẻ hoặc quá cao siêu đến nỗi không thể áp dụng ở Việt Nam.
 
Thật ra những phương pháp ấy đã được vận dụng một phần nào đó ở nơi này, nơi kia, nhưng chưa thành chủ trương chung của ngành giáo dục. Cũng vì vậy, chưa có sự thống nhất về quan điểm giáo dục, nhất là triết lý mang tính nhân văn về giáo dục. Và vì vậy việc vận dụng những phương pháp mới trong giáo dục lấy “học sinh làm trung tâm” chưa trở thành hành động có tính hệ thống và hiệu quả đem lại cũng chưa cao.