Tài xế "chây ỳ" không nộp phạt khi vi phạm giao thông, xử lý thế nào?

Hải Hà

(Dân trí) - "Nếu tài xế bị phạt gần 38 triệu vì vi phạm hành chính, nhưng không có tiền hoặc cố tình không nộp phạt thì có chế tài xử phạt nào không", độc giả Dân trí thắc mắc.

Liên quan đến vụ việc một nam tài xế sử dụng ma túy lái ô tô trên cao tốc và chạy ô tô quá hạn đăng kiểm, nên đã bị Tổ công tác của Đội 3 (Cục CSGT) xử phạt 37,5 triệu đồng, độc giả Dân trí gửi ý kiến thắc mắc xoay quanh việc nếu tài xế chây ỳ không nộp phạt, thì có chế tài để xử lý không.

Tài xế chây ỳ không nộp phạt khi vi phạm giao thông, xử lý thế nào? - 1

Một tài xế vừa bị xử phạt 37,5 triệu đồng vì sử dụng ma túy lái ô tô trên cao tốc (Ảnh: Duy Hoàng).

Độc giả cho rằng, xử phạt hành chính là biện pháp xử phạt phổ biến hiện nay nhằm răn đe, khắc phục các hậu quả do chính hành vi vi phạm pháp luật gây ra. Tuy nhiên, trên thực tế không ít những trường hợp người vi phạm lấy lý do không đủ khả năng chi trả, cố tình trốn tránh nghĩa vụ nộp phạt. Vậy những trường hợp này sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời câu hỏi trên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội cho biết: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó căn cứ theo Khoản 1 Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi năm 2020.

Tuy nhiên, trong trường hợp, cá nhân tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật này thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi năm 2020.

Các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 86 bao gồm: 

a) Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;

b) Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;

c) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản;

d) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.

Bên cạnh đó, người vi phạm có thể bị thu tiền chậm nộp phạt nếu tiếp tục cố tình không chấp hành nghĩa vụ nộp phạt.

Theo đó, cơ quan thu tiền phạt căn cứ vào quyết định xử phạt để tính và thu tiền chậm nộp phạt theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Nghị định 118/2020/NĐ-CP. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 78 Luật xử lý hành chính 2012 sửa đổi bởi Khoản 38 Điều 1 Luật xử lý hành chính 2020 thì cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì người vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Như vậy, trong trường hợp người vi phạm trốn tránh nghĩa vụ nộp phạt (không có tiền, cố tình không nộp phạt) quá thời hạn theo quyết định xử phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành và có thể sẽ phải nộp tiền chậm nộp phạt theo quy định pháp luật.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm