Đắk Nông:
Tài sản ngập trong biển nước, dân hạ du khốn đốn vì thủy điện tư nhân!
(Dân trí) - 5 năm nay, cứ đến mùa mưa là nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân xã Quảng Tín lại chìm sâu trong biển nước. Nguyên nhân được xác định là do việc xây dựng đập thủy điện gây nên tình trạng ngập lụt và khiến cho “nước rút chậm hơn”.
Dự án thủy điện Quảng Tín (xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp) có công suất 5MW, dung tích hồ chứa gần 1 triệu triệu m3. Năm 2010, nhà máy này đi vào vận hành và từ đó đến nay đã nhiều lần xảy ra các sự cố ngập lụt, sạt lở đất tại nhiều khu vực lân cận.
Trong đợt mưa lũ đầu tháng 8/2019 vừa qua, do nước từ thượng nguồn đổ về kết hợp với thủy điện xả nước khiến nhiều hộ dân tại thôn 4, xã Quảng Tín bị cô lập, nhiều tài sản bị ngập trong nước. Tuy nhiên, dù không phải lần đầu tiên xảy ra sự cố này, song đơn vị chủ đầu tư cũng vẫn nhiều lần phớt lờ chỉ đạo của các cơ quan chức năng cũng như né tránh trách nhiệm bồi thường cho người dân.
Nhiều năm nay, ông Bùi Văn Đắc (trú tại thôn 4, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu về tình trạng đập thủy điện Quảng Tín gây ra tình trạng ngập lụt đất đai, cây trồng của gia đình ông và một số hộ dân lân cận. Dù đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để gia đình ông ổn định cuộc sống nhưng vẫn chưa được đáp ứng.
Ông Đắc cho biết, việc ngập lụt xảy ra đã 4 – 5 năm nay, càng về sau thì càng nghiêm trọng hơn khiến nhiều diện tích đất của gia đình ông và nhiều hộ dân ven suối Đắk R’Lấp, đoạn qua thôn 4, xã Quảng Tín bị ảnh hưởng. Theo ông Đắc, nguyên nhân xuất phát từ việc xây đập thủy điện Quảng Tín và việc một số hộ dân cải tạo đất đai, múc ao hồ, đê bao dọc suối Đắk R’Lấp, khiến cho nước lũ rút chậm, gây ngập úng kéo dài.
Ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tín xác nhận trước khi công trình thủy điện được xây dựng thì hầu như không có tình trạng ngập nước, ngập lụt tại khu vực này.Trường hợp của ông Đắc và một số hộ dân lân cận là “ngập phát sinh” sau khi xây dựng công trình thủy điện.
Trước tình trạng trên, Công ty TNHH N&S (chủ đầu tư dự án thủy điện Quảng Tín) đã rà soát và xác định tổng diện tích bị ngập là 2ha. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng ¼ số liệu của chính quyền địa phương thống kê- tức là hơn 8ha. Công ty không đồng ý bồi thường theo giá Nhà nước đối với diện tích hơn 8ha để các hộ dân chuyển đi nơi khác sinh sống, mà chỉ chấp nhận “ngập tới đâu bồi thường tới đó” hoặc “hỗ trợ” cho người dân mỗi hecta từ 120 – 140 triệu đồng để người dân tiếp tục canh tác, sinh sống tại chỗ.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tín thông tin thêm, phương án của Công ty TNHH N&S là không thỏa đáng. Bởi việc xảy ra ngập lụt đất đai, cây trồng của người dân có nguyên nhân chính là do là lỗi của công ty. Việc công ty này chỉ đồng ý bồi thường từng khu vực gây khó cho các hộ dân, bởi họ sẽ canh tác thế nào với những phần đất phân tán còn lại. Trong khi những ảnh hưởng xấu của tình ngập nước đâu chỉ giới hạn tại những khu vực chìm sâu trong nước.
Ông Lê Hồng Chung, Phó Giám đốc Công ty TNHH N&S, chủ đầu tư dự án thủy điện Quảng Tín thừa nhận tình trạng ngập lụt đất đai, vườn tược của các hộ dân “một phần do thủy điện gây ra”, “một phần do thời tiết”.
Phó Giám đốc Công ty TNHH N&S thừa nhận: “Tôi thừa nhận không có công trình thủy điện Quảng Tín thì các hộ dân đó không bị ngập, hoặc có thì mức độ ít hơn, chẳng hạn như trước đây khoảng 1 ngày nước rút đi hết, thì giờ khoảng 2 ngày”
Cũng theo ông Chung, dự án thủy điện đã thi công đúng theo thiết kế của Trung tâm đo đạc và tư vấn tài nguyên môi trường Đắk Nông (trực thuộc Sở Tài nguyên – Môi trường Đắk Nông). Công ty TNHH N&S chỉ bồi thường đối với diện tích đất thấp hơn cao trình này, diện tích nào cao hơn thì Công ty không bồi thường.
Ông Chung cũng xác nhận năm 2009, trong quá trình chặn dòng, dẫn dòng để thi công thủy điện, Công ty đã thỏa thuận và mua lại đất đai của một số hộ dân bị ảnh hưởng dọc theo suối Đắk R’Lấp. Sau khi thi công xong, các hộ dân có nhu cầu tiếp tục canh tác và Công ty đã sang nhượng lại với giá rẻ hơn. Các hộ dân này sau đó đã múc ao hồ, đắp bờ bao xung quanh, nhất là phần tiếp giáp với dòng suối.
Dương Phong