Nhân sự cố sập cầu Cần Thơ:

Suy nghĩ về công tác hiến máu nhân đạo khi có thảm họa

(Dân trí) - Cả nước bàng hoàng về vụ sập cầu kinh hoàng nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Trong lúc này, tất cả mọi người đều hướng về Cần Thơ, làm tất cả mọi việc để chia sớt nỗi đau cho các nạn nhân. Ngành truyền máu cũng đang dốc hết sức mình góp phần cứu sống các nạn nhân.

Có thể nói chưa bao giờ người dân quan tâm đến việc có máu và sẵn sàng hiến máu tình nguyện để cứu sống các nạn nhân như bây giờ. Chỉ tính riêng từ sáng 26/9 đến 17h00 ngày 27/9 đã có trên 3.000 người đến thẳng trung tâm Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, để tham gia hiến máu.

Xí nghiệp liên hiệp Dược Hậu Giang đã có một bản danh sách dài và rất to với 500 chữ ký đặt ngay tại cửa giám đốc trung tâm Huyết học - Truyền máu Cần thơ với cam kết bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng có mặt để hiến máu. Đây cũng là đơn vị hiến máu đầu tiên ngay khi có tin thảm họa xảy ra.

Trường Trung học Y tế Quân đội của quân khu 9 đã có hơn 200 người đến đăng ký hiến máu. Trung đoàn cảnh sát cơ động (Bộ Công an) đã điều động khoảng 800 người đến đăng ký hiến máu. Rất cảm động là hàng trăm cháu học sinh ở trường PTHH Châu Văn Liêm (Cần Thơ) nước mắt lưng tròng đòi phải được hiến máu ngay dù chưa đủ tuổi.

Rất nhiều người dân lao động ở Cần Thơ, Vĩnh Long bỏ dở công việc đang làm trên đồng ruộng, ngoài bến bãi... chạy đến các bệnh viện để hiến máu.

 

Suy nghĩ về công tác hiến máu nhân đạo khi có thảm họa - 1

Kíp làm việc tại kho máu Viện HH-TM Trung ương sẵn sàng chi viện máu cho đồng bào Cần Thơ (ảnh chụp lúc 20g ngày 27/9)

Điện thoại đổ chuông liên tục tại các trung tâm truyền máu không chỉ ở Cần Thơ mà cả ở Hà Nội, Huế, TPHCM ...

Vào lúc 9 giờ tối ngày 26/9 tại Cần Thơ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng và Bí thư tỉnh ủy Cần Thơ đồng chí Nguyễn Tấn Quyên đã tham gia hiến máu. Cả nước đã cảm kích vô cùng khi thấy trên đài truyền hình dòng máu nóng từ cánh tay rắn chắc của đồng Phó thủ tướng đang chảy nhanh vào túi đựng máu.

Trung tâm Huyết học - Truyền máu Cần Thơ cũng đã huy động toàn bộ lực lượng cán bộ, nhân viên làm việc 24/24 để đảm bảo đủ máu có chất lượng kịp thời cứu chữa nạn nhân. Cán bộ nhiều khoa phòng khác trong các bệnh viện cũng được huy động đến để chia sẻ công việc với trung tâm.

Các trung tâm truyền máu ở TPHCM, Huế, Hà Nội thường xuyên liên lạc và sẵn sàng chia sẻ, chi viện khi cần. Qua điện thoại Bác sỹ Nguyễn Ngọc Huỳnh giám đốc trung tâm nói với chúng tôi: “Thảm họa đau thương quá! Nhưng qua đây cũng thấy được mọi người rất quan tâm đến việc hiến máu để cứu người. Thật cảm động và thật trân trọng cảm ơn nghĩa tình sâu nặng đó!”

Máu cấp cứu cho thảm họa luôn là một ưu tiên hàng đầu trong dịch vụ truyền máu của mỗi quốc gia. Dù đã rất thận trọng thì hàng năm trên thế giới vẫn luôn có những thảm họa như sập nhà, rơi máy bay, trật đường ray xe lửa... hoặc cả thiên tai như sóng thần, động đất, núi lửa... xảy ra. Trong những lần thảm họa như vậy thì đều rất cần đến máu để cứu nạn.

Trong những năm qua, ở nước ta cũng đã có một số thảm họa xảy ra cần máu truyền cấp như vụ hỏa hoạn trung tâm thương mại Quốc tế TPHCM (29/10/2002), vụ nổ xe khách ở Bắc Ninh (02/05/2005), vụ tai nạn tàu E1 tại Lăng Cô, Huế (12/3/2005)...

Đất nước đang chuyển mình và đổi mới nhanh chóng, nhiều công trình xây dựng đang được mở ra mà ở đó không phải chỉ có hàng trăm, hàng ngàn mà thậm chí cả hàng vạn người đang làm việc. Không ai mong có thảm họa, nhưng trách nhiệm của chúng ta là cần phải làm mọi việc để không có thảm họa, và nếu có thì phải tìm cách hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của nó, đặc biệt là hậu quả đối với con người.

Việc xây dựng lực lượng hiến máu dự bị để có được một ngân hàng máu sống sẵn sàng cấp cứu trong các trường hợp thảm họa thực sự đã trở thành ưu tiên hàng đầu đối với ngành Huyết học - Truyền máu Việt Nam.

 

PGS.TS. Nguyễn Anh Trí

 Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TƯ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm