Chuyện của Thùy Linh và em Bình:

Sự phân hóa “giàu - nghèo” sâu sắc

Thời gian qua, hai câu chuyện gây chấn động dư luận cùng xuất phát từ hai cô gái tuổi đời xấp xỉ nhau. Đó là diễn viên Hoàng Thùy Linh với clip “nóng” được lan tải trên mạng và cuộc đời bi thương của cô bé Nguyễn Thị Bình suốt 13 năm trời bị vợ chồng chủ quán phở tàn bạo hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần.

Giờ đây, hai kết cục đã ngả theo hai hướng hoàn toàn trái ngược nhưng lại hết sức hợp đạo lý, đúng với “nhân nào quả ấy”. Trong khi diễn viên Hoàng Thuỳ Linh đã và đang phải trả giá khá đắt cho những hành vi của mình thì một chân trời mới đang mở ra với em Bình. Những tấm lòng cảm thông, chia sẻ đang đến với em tăng lên từng ngày.  

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Từ hai sự việc trên, lại đặt ra một vấn đề hết sức nghiêm trọng, thể hiện rất rõ một xu hướng xã hội. Đó là sự phân hóa giàu - nghèo một cách khá rõ nét.

 

Nếu với Hoàng Thuỳ Linh, cuộc sống tràn ngập sự sung túc, nuông chiều thì ngược lại, với Nguyễn Thị Bình cuộc sống những ngày đã qua là địa ngục đầy đau khổ, bi thương và đẫm nước mắt. Trong khi Hoàng Thùy Linh nói như ngôn ngữ dân gian là “sướng quá hóa rồ” thì Nguyễn Thị Bình, vì miếng cơm manh áo đã phải nhẫn nhục chịu cực hình roi vọt.

 

Một người mỗi buổi sáng đến trường bằng xe máy xịn, điện thoại di động véo von với những chuyến picnic nay đây mai đó, thì người kia dậy từ 3 giờ sáng trong cái rét căm căm để quần quật làm từ 2-3 giờ sáng đến 11-12 giờ đêm chưa được nghỉ.

 

Bao giờ cũng vậy, sự phân hóa giàu - nghèo, sướng - khổ luôn là cội nguồn của những bất công. Đành rằng không nên và cũng không thể có một nền “công bằng cào bằng” hay “công bằng tuyệt đối” nhưng càng không thể để có sự bất công sâu sắc trong một xã hội “công bằng - dân chủ - văn minh”.

 

Vụ việc của Hoàng Thuỳ Linh và trường hợp của Nguyễn Thị Bình đã cảnh báo một xu hướng phân hóa giàu - nghèo sâu sắc, khởi điểm của những bất công trong đời sống xã hội.

 

Bùi Hoàng Tám

 

LTS Dân trí - Đúng là xã hội ta hôm nay đã bắt đầu phân hóa giàu nghèo sâu sắc. Chúng ta thấy mừng cho những người đã giàu lên (nếu làm ăn chính đáng và sống lành mạnh), nhưng lại thấy quặn lòng trước nhiều cảnh đời cơ cực.

 

Còn đau lòng nào hơn, là người mẹ dứt ruột đẻ con ra mà không nuôi nổi, đành đưa con đi ở đợ kiếm miếng ăn từ tuổi 9, 10; còn bản thân mình cũng đành đi… bán nốt, phó mặc cho số phận.

 

Mặc dù Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá là một nước thực hiện thành công chương trình xóa đói giảm nghèo nhưng vẫn chưa có thể yên lòng với kết quả đạt được mà còn phải dồn sức nhiều hơn cho chương trình rất đáng ưu tiên này. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội. Điều ấy thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội và cũng là truyền thống đạo lý của dân tộc ta.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm