Sự cần thiết phải xây nhà vượt lũ cho dân

(Dân trí) -Trận lũ lụt lịch sử vừa qua, đã để lại bao đau thương, tang tóc về người và của. Dư âm còn mãi ám ảnh nỗi kinh hoàng về cơn đại hồng thuỷ. Vì vậy, thiết nghĩ rất cần những giải pháp căn cơ để người dân có thể sống chung với lũ lâu dài

Xây nhà tầng đa chức năng vùng lũ
Tại vùng rốn lũ Phương Điền, Phương Mỹ (Hương Khê), trong những ngày cao điểm của trận đại hồng thủy, hàng trăm nóc nhà ngập sâu trong nước lũ. Tầng 2 của Trường Tiểu học, THCS, Hội trường UBND xã, đặc biệt là nhà thờ giáo xứ Thổ Hoàng (Phương Mỹ) đã trở thành nơi tránh lũ của nhân dân. Ở đây, không chỉ ông già, bà lão, em nhỏ, những phụ nữ mang thai đến tránh lũ mà tài sản, cái ăn, cái mặc… cũng được di dời lên các địa điểm trên một cách an toàn. 
Sự cần thiết phải xây nhà vượt lũ cho dân - 1
Nhờ có trú sở UBND xã xây cao tầng mà tài sản của dân không bị ngâm nước
 
Anh Trần Văn Hải, thôn Mỹ Hạ cho chúng tôi biết: “Trận lũ thứ 2 đến đột ngột, dân không lường trước được, nên có phần chủ quan. Lúc lũ đã vào nhà, nước lên như thú dữ đuổi, chúng tôi chỉ kịp sơ tán người và một ít đồ đạc lên nhà thờ đang xây dở ở đây. May mà  có nhà thờ ở trong khu dân cư nên dân có thể tá túc trong những ngày thiên tai, không thì thiệt hại chưa biết chừng…”. Khi lũ rút, thì trường học, nhà thờ tạm làm nơi phơi phóng đồ đạc ẩm ướt, lúa gạo và những vật dụng khác. 
Sự cần thiết phải xây nhà vượt lũ cho dân - 2
Nhà thờ Thổ Hoàng (đang xây dựng dở) vừa qua là nơi tránh lũ lý tưởng cho dân
 
Vì vậy, mô hình nhà đa chức  năng kiên cố, cao tầng cho vùng rốn lũ là một vấn đề cần được giải quyết khả thi và hữu dụng. 
Sự cần thiết phải xây nhà vượt lũ cho dân - 3
Trạm y tế và các trường học cao tầng là nơi tá túc cho dân trong cơn lũ dữ vừa qua

Được biết, ngành Giáo dục có chương trình kiên cố hóa trường học, ngành y tế có chương trình xây dựng bệnh viện, trạm xá. Và Chính phủ cũng đã cho phép Hà Tĩnh lập dự án xây nhà tránh lũ cho dân. Vì vậy, giải pháp nhà đa chức năng là giải pháp khả thi. Vấn đề cần bàn là kiến trúc như thế nào cho hợp lý. Nên chăng, những nhà đa chức năng không nên lợp mái mà đổ mái bằng chịu lực cao để khi khẩn cấp, trực thăng có thể đậu trên mái để cứu trợ. Và, ở tầng 2 cần thiết kế cầu bê tông cho ca nô, thuyền máy đến cập bến tiếp tế cho dân.

Làm bè, đóng thuyền chống lũ.

Trong hai cơn lũ dữ vừa qua, rất nhiều tài sản, đồ đạc và cả gia súc, gia cầm của nhiều hộ dân rốn lũ Phương Mỹ (Hương Khê) còn neo giữ lại được là nhờ vào bè chống lũ. Ông Trần Đình Hùng-xóm Mỹ Hạ, Phương Mỹ cho biết: “ Trong hai đợt lũ vừa qua, nếu không có cái bè ni thì toàn bộ gia tài của nhà tui trôi ra sông, ra bể rồi. Cái bè ni có cái hay là nước nổi đến mô thì bè nổi đến đó. Bè được làm bằng nứa hoặc các thùng phi nhựa vừa rẻ vùa dễ làm lại vừa chống lũ hiệu quả. Nếu không có bão thì bè chống lũ là nhất. Nó vừa tấp được mọi đồ đạc, tài sản gia đình vừa làm nơi tá túc cho người già, trẻ nhỏ và cả gia súc gia cầm nữa”.
Sự cần thiết phải xây nhà vượt lũ cho dân - 4
Thuyền phương tiện đi lại đặc dụng nhất cho dân vùng lũ
 
Khi chúng tôi đến thôn Mỹ Trung (Hương Khê), chị Nguyễn Thị Lý vừa đang cho lợn ăn trên bè chống lũ vừa nói với chúng tôi: “Nếu không có cái bè ni thì giờ tui trắng tay rồi. Nhờ nó và cả đàn lợn  là tài sản duy nhất của nhà tui còn giữ lại được”.
Sự cần thiết phải xây nhà vượt lũ cho dân - 5
Xuồng ba lá là phương tiện cứu trợ dân ở những nơi ca nô không vào được
 
Ngoài ra, mỗi gia đình cũng nên đóng cho nhà mình một cái thuyền nhỏ, xuồng ván để dùng khi có lũ. Vì khi đó, nước dâng cao, đường giao thông bị ngập, thôn xóm, làng xã bị cô lập thì thuyền là phương tiện đi lại chủ yếu. Đồng thời, thuyền còn là phương tiện sơ tán dân, vận chuyển hàng cứu trợ hữu hiệu nhất. Ca nô đi cứu trợ vừa không vào được mọi ngỏ ngách thôn xóm vừa làm hỏng mái nhà dân bởi những con sóng nó tạo ra khá lớn. Các trường học vùng rốn lũ cũng cần đóng thuyền để cho giáo viên đi lại, vận chuyển sách vở, đồ dùng, thiết bị dạy học khi lũ ập đến…
Sự cần thiết phải xây nhà vượt lũ cho dân - 6
Bè tự tạo đã là phương tiện neo giữ của cải cho dân

Mong rằng, bài viết này có thể chia sẻ được một số suy nghĩ về biện pháp hữu hiệu rút ra từ kinh nghiệm nhớ đời của trận lũ lụt lịch sử vừa qua.

Duy Thảo - QC