Sợ liên lụy và sợ trách nhiệm

Đứa bé hỏi mẹ: Mẹ ơi sao người ta lại nói là hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau? Bà mẹ trả lời: Vì hàng xóm là những người sống gần nhau nhất. Họ có thể chạy đến với mình nhanh nhất, kịp thời nhất khi có chuyện gì đó xảy ra.

Họ cùng nhau chia sẻ những niềm vui và cả nỗi buồn trong cuộc sống. Hàng xóm cũng giống như những người anh em của mình, có thể giúp đỡ nhau trong hoạn nạn.

- Thằng bé lại hỏi: Vậy khi thấy người này đau ốm họ sẽ nấu những bát cháo nóng bưng sang cho nhau hả mẹ? Đúng rồi con - Bà mẹ nhìn con âu yếm.

- Hèn gì con thấy những người đi ngoài đường họ dửng dưng vậy. Vì họ đâu phải là hàng xóm.
- Sao con lại nói thế? - Người mẹ hỏi.
- Hôm qua, lúc ngồi ăn kem trong quán, con thấy một bà cụ đi bộ bên đường, giơ tay vẫy vẫy xin đi nhờ nhưng chẳng ai dừng xe lại cho bà đi nhờ cả. Trời nắng, đi bộ nhiều chắc bà cụ mỏi chân và mệt lắm mẹ nhỉ?

- Ừ, nhưng người ta ngại có lẽ vì… bà cụ già yếu quá nên mọi người sợ bà ngồi không vững sẽ bị té xe. Rồi mọi thứ sẽ trở nên rắc rối.
- Nghĩa là sao hả mẹ?

- Tức là họ sợ bị liện lụy đó con. Người ta sợ làm ơn mắc oán
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

- Ồ, vậy là bà cụ sẽ không nhận được sự giúp đỡ rồi. Tiếc thật đấy. Tại sao vậy nhỉ? Tại sao làm người tốt lại khó thế nhỉ? - Nó lẩm bẩm…                                  
Phiên chợ sáp tết khá đông, người người chen lấn, tranh nhau chọn lựa từng loại quả đẹp, những bông hoa tươi, ai cũng mong căn nhà mình sẽ đẹp đẽ và đàng hoàng nhất trong năm mới. Bỗng một người đàn ông đội chiếc nón lá hơi trụp xuống, tay thò vào túi xách của một người phụ nữ đang mua cam. Chị mải chọn lựa mà không hề biết được chuyện gì đang diễn ra. Thỉnh thoảng người đàn ông lại liếc mắt thật nhanh quan sát xung quanh. Chiếc ví từ từ lộ ra khỏi túi, nó màu đỏ và bóng bẩy làm sao. Đứng cách đó hai bước chân, cô bé quan sát thấy tất cả. Vì dẫu sao, nó cũng thấp bé nhất và chiều cao mới đạt tới bụng người lớn. Nó hồi hộp và nắm thật chặt tay mẹ mình, mỗi lúc một chặt, rồi nó khẽ động vào tay mẹ.
 
- Bà mẹ nhìn xuống hỏi: Sao vậy con?
 
Con bé chỉ tay nơi chiếc ví màu đỏ đang nhích dần ra khỏi túi xách người phụ nữ.
 
- Mẹ, mẹ nhìn kìa, ông ta đang lấy cắp tiền đó. – Nó nói.

- Mẹ nó giật nhẹ tay nó bảo: Thôi, con đừng để ý làm gì. Kệ người ta.

- Nhưng cô kia đang bị lấy cắp mà mẹ. Con hét lên nhé?
- Không được đâu con. Kệ người ta.
- Sao thế mẹ?
- Không sao với trăng gì cả. Không phải chuyện của mình. Người mẹ liền dắt đứa bé đi chỗ khác. 

- Sao lại thế nhỉ? Lạ thật  - Nó cứ thắc mắc một mình mà không tìm được lời giải đáp nào cho bản thân.

Rồi nó lớn lên, đỗ vào cấp 3, nó chỉ cắm đầu học, không quan tâm tới cuộc sống của mọi người xung quanh vì nó chẳng tìm hiểu để làm gì. Trong giờ học nó nhìn thấy một bạn nam quậy phá, lớp bị trừ điểm sổ đầu bài nhưng thầy giáo không ghi tên bạn nam đó vào vì thầy không biết ai là thủ phạm. Không những thế lớp nó còn bị cảnh cáo dưới cờ vì thiếu tôn trọng giáo viên. Trước đó thầy giáo đã nói, nếu ai tự nhận lỗi thì thầy sẽ phạt chỉ mình người đó và giảm nhẹ tội. Không ai đứng dậy. Thầy hỏi tiếp: Em nào phát hiện ra thủ phạm hãy cho thầy biết ngay, nếu không thầy kỷ luật cả lớp. Con bé chợt giật mình và cúi xuống sau ánh mắt gườm gườm của tên bạn học kia. Một lúc im lặng. Cả lớp không có cánh tay nào giơ lên. Và cuối cùng xảy ra kết cục như sáng chào cờ đầu tuần hôm nay.

Con bé cũng cảm thấy áy náy đôi chút, nhưng chuyện gì rồi cũng qua, miễn được yên cái thân, nhà mình đã nghèo rồi, nhỡ có gì không hay đưa đến thì rắc rối to. Không phải chuyện của mình! Nó lại nghĩ và thấy thản nhiên, nhẹ nhõm. Nó quen như thế rồi.

Một hôm đi học về nó thấy nhà cửa im ắng lạ thường. Vào mùa đông nên mới gần 6h chiều trời đã tối sẫm lại. Nó cảm giác là lạ, có gì đó không ổn đang xảy ra với gia đình mình. Nó cất tiếng gọi to: Mẹ ơi! - Không ai trả lời. Mẹ ơi! - Nó gọi lần nữa. Bác hàng xóm vội vã chạy qua: Trời ơi, mày lên bệnh viện nhanh lên. Sang nhà tao chở đi. Nhanh lên!
 
- Có chuyện gì vậy bác? - Nó lo lắng.

- Thằng anh mày, nó bị xe đụng, nặng lắm, vừa vào viện cách đây 30 phút. Trên đường đi bán trái cây nó lại lên cơn động kinh. Người ta kể, nó lăn lóc sùi bọt mép giữa đường phố, không ai ra giúp cả, vì họ thấy ghê quá. Chợt một chiếc xe Honda từ trong hẻm nhỏ lao ra, lái xe không làm chủ được tay lái đâm phải anh mày. Sau đó người ta gọi xe cấp cứu, giờ anh mày đang nằm trong bệnh viện Bình Dân đó. Nhanh! Nhanh đi! Vào viện cái đã.
Con bé lặng người…
Trong cuộc sống làm người tốt thật khó. Sống làm sao để không phải sợ sệt, dám đối mặt với cái đúng lại càng khó hơn. Cuộc sống ngày càng khá lên, lo ganh đua về lợi ích kinh tế, những đòi hỏi của cuộc sống hiện đại khiến con người ta mải chạy theo công việc. Mải chay đua với công cuộc mưu sinh mà tiếc rẻ khi chia sớt cho ai đó một chút thời gian. Người dân ở đô thị lớn lại càng tiết kiệm thứ “vàng bạc” đó hơn ai hết. Bởi thế mới “chuyện nhà ai nhà nấy lo. Đèn nhà ai nhà nấy rạng” đã trở thành nếp sống, nếp suy nghĩ trong đời sống thường nhật. Do vậy, họ bàng quan, họ thản nhiên trước những cảnh huống diễn ra xung quanh mình. Họ không muốn rắc rối, họ sợ liên lụy, sợ rắc rối vì những chuyện không đâu, sợ làm phúc xúc phải tội, sợ và sợ…
 
Suy cho cùng thì đó là nỗi sợ thường trực, án ngự trong con người, nó có tên là Sợ Trách Nhiệm. Sợ chịu trách nhiệm chính là nguyên nhân của thái độ bàng quan, nhắm mắt làm ngơ trước những việc chướng tai gai mắt. Nhân viên sợ sếp mà không giám bộc lộ ý kiến của mình một cách thẳng thắn. Cấp dưới luôn cười tươi với cấp trên vì không muốn mất lòng ông nọ bà kia. Thấy quan tham mà không dám hé răng tố giác vì “con kiến mà đòi kiện củ khoai”, rồi liên lụy cả nhà, khổ! Thấy tai nạn xảy ra trên đường, máu me loang lổ, vẫn đi qua vì “không phải chuyện của mình!”…
 
Không phải chuyện của mình, câu nói dù phát ra từ cửa miệng hay trong suy nghĩ cũng chỉ là cách biện hộ quen thuộc của con người, một kiểu người sợ chịu trách nhiệm.
 
Song An

LTS Dân trí - Một con người có nhân cách có lương tâm không thể sống thờ ơ, vô cảm trước hoạn nạn của người khác, cũng như không thể làm ngơ trước những hành động gian manh.

Một người sống thiếu trách nhiệm hoặc sợ trách nhiệm, sống chỉ biết mình, không quan tâm đến ai thì đấy cũng là cách sống thiếu lương tâm, là biểu hiện thiếu nhân cách.

Muốn giáo dục cho con em mình trở thành người tốt, biết sống có trách nhiệm và sống theo đạo lý làm người, thì nên bắt đầu từ những việc nhỏ và bằng hành động gương mẫu của mình, đừng bao giờ để cho các em phải băn khoăn nghi ngờ do những mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm của người lớn.