Sinh viên Việt Nam lo cho tương lai

(Dân trí) - Tạo việc làm cho người dân từ lâu đã trở thành vấn đề “nan giải” đối với nhà nước, và đấy cũng là điều lo lắng nhất của sinh viên đại học sắp ra trường phải đối mặt…

Đại đa số sinh viên sau khi ra trường đều có xu hướng muốn tìm cho mình một công việc ổn định, làm việc ở những nơi có cơ sở vật chất tốt, tại những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM...
 
Vì sinh viên đều nghĩ rằng chỉ có những nơi như vậy thì mới phát huy được hết khả năng làm việc của mình, và làm việc ở những thành phố lớn, họ sẽ dễ tiếp cận với những công nghệ tiên tiến...
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Vì lí do trên mà sau khi tốt nghiệp, không ít sinh viên cố bám trụ lại thành phố, những nơi được coi là “chốn đô thị phồn hoa” để làm việc. Nhưng không phải ai trụ lại thành phố cũng tìm được cho mình một công việc phù hợp.
 
Có những sinh viên cầm tấm bằng đại học trong tay nhưng lại chấp nhận đi làm thêm với đủ thứ nghề (phục vụ tại nhà hàng, quan cà phê, quán bar...) những công việc trái nghề mà đáng lẽ ra họ không phải làm, với những đồng lương “ba cọc, ba đồng” đủ để nuôi sống bản thân đã là may lắm rồi chứ đừng nghĩ gì đến chuyện gửi tiền về cho bố mẹ ở quê.
 
Nhiều sinh viên mất nhiều công sức “đổ mồ hôi, sôi cả nước mắt” nhưng vẫn không tìm được một công việc phù hợp với chuyên ngành mình học. Cứ thấy ở đâu có thông báo tuyển việc làm thì họ lại bắt đầu le lói tia hy vọng, tin vào tương lai của mình sẽ tươi sáng hơn. Nhưng niềm tin đó chưa được bao lâu thì nhanh chóng bị dập tắt trong nỗi thất vọng!
 
Những ai đã từng chứng kiến cảnh chen lấn nhau tại những nơi tuyển dụng nhân viên, đều thấy cảm thương cho những số phận của những con người đang đi tìm việc ở đây. Đứng trước cảnh đó, tôi thầm nghĩ và tự đặt cho mình một câu hỏi, tại sao chúng ta cứ thích làm việc ở những thành phố lớn mà không phải ở chính quê hương của mình? Đã đành xin việc bây giờ ở nơi nào cũng khó, nhưng dù sao ở các địa phương cũng ít phải cạnh tranh hơn.
 
Nhiều người bảo: nếu bạn nào giỏi giang thật sự và có ngoại ngữ tốt thì có thể nộp đơn vào các công ty liên doanh hoặc công ty 100% vốn nước ngoài. Ở những nơi đó họ cần những nhân viên có năng lực chuyên môn thật sự, việc tuyển chọn sẽ công bằng hơn, không phải nộp “tiêu cực phí”.
 
Tuy nhiên, việc đáp ứng được những yêu cầu tuyển chọn khắt khe của họ không dễ dàng chút nào và chỉ có sinh viên nào giỏi thật sự mới có cơ sở để hy vọng sẽ trúng tuyển ở những nơi đó.
 
Là sinh viên vẫn còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, chúng tôi đã cảm thấy lo lắng nhiều cho tương lai của mình sẽ như thế nào? Tất cả chúng tôi đều có chung một niềm mơ ước là sau này ra trường mong tìm được một việc làm ổn định phù hợp với chuyên môn của mình. Nhưng mơ ước giản dị ấy liệu có đạt được không?
 
Phạm Tăng
Lớp báo chí k32- khoa ngữ văn trường Đại Học Khoa học Huế
 
LTS Dân trí - Điều mơ ước của các sinh viên sau khi tốt nghiệp kiếm được một việc làm ổn định phù hợp với chuyên môn được đào tạo là một nguyện vọng chính đáng. Nhưng trong cơ chế thị trường, việc tuyển dụng người lao động cũng tuân theo quy luật cung cầu. Cho nên, muốn tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, thì ngay từ khi thi đại học đã phải chọn cho mình một ngành chuyên môn mà xã hội đang cần phát triển.
 
Còn nếu theo ngành học không có nhu cầu lớn thì phải phấn đấu học cho giỏi chuyên môn và có ngoại ngữ tốt thì mới hy vọng kiếm được việc làm đúng chuyên môn sau khi tốt nghiệp.
 
Cũng không ít trường hợp, sau khi tốt nghiệp đại học những ngành học không được đắt hàng, các bạn đó lại tiếp tục phấn đấu học tiếp một đại học thứ hai bằng cách vừa học vừa làm tạm thời một công việc nào đó. Không chịu khoanh tay trước những khó khăn, đấy vốn là bản lĩnh của nhiều bạn trẻ.