Trên 1 tỉ USD “chảy” ra nước ngoài để chữa bệnh mỗi năm:

Sính ngoại hay người bệnh mất niềm tin?

Mới đây, Bộ Y tế cho biết, mỗi năm người dân VN tốn hơn 1 tỉ USD để ra nước ngoài chữa bệnh. Đây mới chỉ là con số thống kê trên sổ sách, trên thực tế, con số này có thể lớn hơn nhiều lần.

Không chỉ tại Singapore, hiện nay, nhiều người đang chuyển hướng sang chữa bệnh tại Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ... Điều đáng nói, nhiều bệnh ở trong nước xử lý hiệu quả tuyệt đối, nhưng nhiều người vẫn ào ào mang tiền ra nước ngoài chữa...

 

Sau Singapore đến Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc...

 

Điểm đến để chữa bệnh đang được người dân VN lựa chọn nhiều nhất là Singapore tại ba BV lớn là ME, G và ES. Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động thì mỗi năm số lượng người dân VN đến Singapore để chữa bệnh khoảng 5.000-10.000 lượt người. Bên cạnh việc thông qua một văn phòng đại diện của BV đó tại VN, nhiều người còn đến trực tiếp thông qua con đường du lịch, thăm thân nhân kết hợp khám và điều trị bệnh. Đại diện của Cty chuyên về tư vấn cho người muốn đi chữa bệnh tại Singapore cho biết: Trước đây, phần lớn người bệnh xuất phát từ 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM. Thời gian gần đây, lượng bệnh nhân đăng ký xuất hiện nhiều ở các tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vũng Tàu...

 

Thực hư về hiệu quả chữa bệnh chẳng biết như thế nào, tuy nhiên, cứ nghe mắc bệnh ung thư, nhiều người lại nghĩ đến qua Singapore để chữa. Được biết, giá chữa một số loại bệnh ở đây cao ngất ngưởng như: Phẫu thuật khối u gan: 10.000 - 13.000USD, ghép gan: Từ 150.000 - 180.000USD; ghép thận 60.000 - 70.000USD; thay van tim 15.000 - 17.000USD...

 

Một bệnh nhân tên V.H, ở quận 9, TPHCM khi phát hiện bị ung thư đã qua một BV tại Singapore chữa, tuy nhiên, khi các BS đưa ra bảng chi phí đề nghị chuẩn bị lên đến 26.000USD, gia đình bệnh nhân này không kham nổi và xin chuyển về điều trị tại BV Ung bướu ở TPHCM cho đỡ tốn kém. Đến thời điểm này, bệnh nhân đã được phẫu trị khối u và chỉ mất chưa đến 40 triệu đồng.

 

Không chỉ ở Singapore, mà Thái Lan cũng trở thành một điểm đến mới của nhiều người bệnh ở VN. Trung bình mỗi tháng, chỉ tính riêng ở BV B...International của Thái Lan cũng đã tiếp nhận từ 80-100 lượt người VN đến khám và điều trị các bệnh như ung thư, thần kinh, tim mạch... Hiện nay, trào lưu sửa sắc đẹp, chỉnh sửa giới tính... tại một số BV Thái Lan cũng đang hút khách từ VN.
 
Sính ngoại hay người bệnh mất niềm tin?  - 1

Người dân chán ngán cảnh BV quá tải, bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang.
(Ảnh: V.T)

 

Còn ghép tạng thì địa điểm đang được người bệnh VN chọn nhiều nhất là Trung Quốc. Nhiều BS tại VN khẳng định, nguồn tạng tại nước này hiện rất dồi dào, nhất là thận...

 

Có phải do năng lực?

 

Nhiều BS hàng đầu tại VN khi được hỏi ý kiến về vấn đề trên đều bức xúc: “Tại sao người dân VN cứ ùn ùn đổ ra nước ngoài chữa bệnh gây mất một lượng ngoại tệ lớn cho đất nước và cơ hội nâng cao tay nghề của các BV trong nước?”. Câu hỏi được đặt ra, có phải do năng lực của các BS của VN?

 

Lâu nay, nhiều người nghĩ BV nước ngoài hút bệnh nhân VN chính là do một số người giàu muốn tìm đất nước có nền y tế phát triển để chữa bệnh; bệnh ở giai đoạn cần “vái tứ phương”; việc PR của các BV nước ngoài tốt; dịch vụ tuyệt vời, BS giỏi... Tuy nhiên, PV Báo Lao Động đã gặp một số bệnh nhân đã từng điều trị tại nước ngoài và nhiều BS để tìm hiểu nguyên nhân xin tóm gọn lại vài ý gửi đến những người chịu trách nhiệm của ngành y tế trong nước.

 

Chẳng hạn, ông L.T.N, ở TP.Cần Thơ khi đến BV Chợ Rẫy kiểm tra làm các xét nghiệm và kết quả sinh thiết, các BS ở đây khẳng định bệnh nhân bị ung thư dạ dày. Xét nghiệm tại Medic, các BS tại đây khẳng định không phải UT. Thấy kết quả trái ngược nhau, bệnh nhân này quyết định sang nước ngoài và kết quả giải phẫu bệnh từ 3 vị giáo sư cho thấy, bệnh nhân này hoàn toàn vô can và đến thời điểm này vẫn sống... khoẻ.

 

Nhiều BS tại VN khẳng định, ở nước ngoài, giải phẫu bệnh thường có ít nhất 2 BS trở lên còn ở VN thì một BS thường ôm đồm và phán quyết nhiều bệnh trong một ngày và phán quyết này lại được xem là quyết định cuối cùng.

 

Một trường hợp khác là chị H.A, trú ở TP.Đà Nẵng cũng bị UT và vào TPHCM điều trị. Ở TPHCM được gần 3 tháng, BS chỉ cho uống thuốc và chỉ định làm các xét nghiệm nhưng chị vẫn mù mờ về căn bệnh của mình. Chính vì sự không giải thích rõ ràng của các BS khiến chị nghĩ đến việc ra nước ngoài chữa trị để yên tâm. Sau một ngày nhập viện ở nước ngoài, chị biết tất tần tật về bệnh của mình và ở giai đoạn nào kể cả hướng điều trị... Chị A cho rằng: “lúc đó, tôi chẳng biết họ chữa trị hiệu quả như thế nào, nhưng tôi rất yên tâm vì sự quan tâm và giải thích cặn kẽ của BS”.

 

Còn BS Phạm Xuân Dũng - Phó GĐ BV Ung bướu lại cho rằng, sự quá tải trầm trọng tại các BV của VN, nụ cười của nhân viên y tế, cách tiếp thị thương hiệu cho BV, sự yên tâm cho bệnh nhân, sự tin tưởng tuyệt đối với BS... chính là rào cản lớn khiến nhiều bệnh nhân quay lưng với y tế VN. Đồng tình với quan điểm trên, GS Nguyễn Chấn Hùng góp ý, sự đầu tư về cơ sở vật chất, mặt bằng BV chưa tương xứng với nhu cầu người bệnh đó chính là nguyên nhân khiến một số người bệnh có nhu cầu đã tìm ra nước ngoài chữa trị.   

 

Võ Tuấn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm