Siết chặt quản lý xe điện tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An): Có đẩy hàng trăm hộ dân vào chỗ phá sản?
(Dân trí) - UBND tỉnh cho phép thí điểm 110 xe điện nhưng nay thị xã Cửa Lò đã “phát sinh” đến gần 500 xe. Để bảo vệ hình ảnh thị xã du lịch, Cửa Lò đã cấm các xe ngoài thí điểm ngừng hoạt động. Hơn 600 lao động cùng 300 chiếc xe điện đang đòi “được sống”.
Ồ ạt mua xe ô tô điện
Trước năm 2011, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đã bắt đầu xuất hiện những chiếc xe điện để phục vụ khách du lịch. Năm 2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký Quyết định số 703 về việc thí điểm thực hiện Dự án đầu tư xe ô tô điện phục vụ khách du lịch trên địa bàn thị xã Cửa Lò. Ngày 7/6/22012, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 2015 phê duyệt dự án thí điểm nói trên và giao cho Công ty TNHH Vận tải du lịch lữ hành và Thương mại Cửa Lò (gọi tắt là Công ty TM Cửa Lò) thực hiện thí điểm dự án. Theo quyết định số 2015 của UBND tỉnh Nghệ An thì Công ty TM Cửa Lò sẽ có 110 xe điện phục vụ khách du lịch trong thời gian từ tháng 6/2011 - 6/2014.
Cũng từ khi dự án này được triển khai thì nhiều doanh nghiệp và hộ cá nhân ở Cửa Lò cũng ồ ạt mua xe điện để phục vụ khách du lịch. Số lượng xe điện tại thị xã Cửa Lò tăng dần theo từng năm. Năm 2011, có 236 xe, thì năm Năm 2013, tăng lên 302 xe. Đến tháng 6/2014, số xe ô tô điện của thị xã là 442 xe. Theo ông Phan Công Đối -Trưởng phòng QLĐT thị xã Cửa Lò thì đây chỉ là con số báo cáo, thực tế có thể nhiều hơn.
Ông Phạm Hữu Trường - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Lợi Trường cho biết, ông đầu tư 50 xe điện để phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó có 100 chiếc xe khác của các cá nhân góp cổ phần vào công ty để hoạt động. “Tính ra mỗi chiếc xe mua mới có giá 170 triệu, xe mua lại cũng có giá trên dưới 100 triệu đồng. Nhiều người đã phải cầm cố sổ đỏ, vay mượn ngân hàng để mua xe mưu sinh.
Chúng tôi được Sở KHĐT Nghệ An cấp giấy phép hoạt động, hàng năm đều đóng thuế đầy đủ nhưng từ năm 2011 đến nay liên tục bị UBND thị xã Cửa Lò yêu cầu chấm dứt hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đối với loại hình xe điện 4 bánh này. Kể cả khi dự án thí điểm đã hết thời hạn chúng tôi vẫn bị gây khó dễ trong hoạt động kinh doanh của mình”, ông Trường cho biết.
Quản lý thiếu chặt chẽ ngay từ đầu
Ông Phan Công Đối cho biết, theo Quyết định của UBND tỉnh thì chỉ có 110 xe điện của Công ty TM Cửa Lò được phép hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn thị xã. Tháng 6/2014, khi dự án kết thúc, UBND thị xã Cửa Lò và các ngành chức năng đã tổ chức họp tổng kết, đánh giá hiệu quả của loại hình kinh doanh vận tải này. Tuy nhiên, khi thời hạn thực hiện dự án kết thúc thì các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra được quy định cụ thể có tính pháp lý đối với hoạt động của xe điện 4 bánh này. Trong khi chờ hướng dẫn từ Bộ GTVT thì UBND thị xã Cửa Lò đã có công văn đề nghị được tiếp tục thực hiện thí điểm dự án này và được chấp thuận. Công ty TM Cửa Lò lại tiếp tục được lựa chọn thực hiện thí điểm dự án.
“Ngay từ ban đầu, UBND tỉnh chỉ cho phép Công ty TM Cửa Lò thực hiện thí điểm dự án này. Tuy nhiên, đây là loại hình kinh doanh thân thiện với khách, có lợi nhuận… nên nhiều hộ cá nhân, nhiều doanh nghiệp ồ ạt đầu tư. Từ năm 2011 đến nay, thị xã đã ban hành đến 126 văn bản liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe điện, cũng đã tuyên truyền, yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân không thuộc đơn vị được tỉnh cho phép thực hiện dự án thí điểm này nhưng các doanh nghiệp đó vẫn tiếp tục hoạt động bất chấp chỉ đạo của thị xã”, ông Phan Công Đối nói.
Ông Đối cũng thừa nhận, để xảy ra tình trạng này là do hiệu quả trong việc quản lý chưa cao, thiếu kiên quyết trong việc buộc các doanh nghiệp này dừng hoạt động. Về việc, mặc dù yêu cầu các doanh nghiệp dừng hoạt động nhưng đơn vị thuế vẫn thu thuế đối với loại hình vận tải hành khách bằng xe điện, ông Đối cho biết đó là công việc của ngành thuế, “có hoạt động, có phát sinh hiệu quả kinh tế thì bên cơ quan thuế họ thu thôi”.
Hiện nay, loại hình xe ô tô điện chưa được xếp vào các loại xe được phép lưu hành trên đường theo Luật GT đường bộ. Bởi vậy, đối với những chiếc xe không nằm trong danh sách được phép hoạt động thuộc dự án thí điểm thì thị xã đề nghị lực lượng CSGT xử lý. Nếu các xe này lưu thông ngoài đường sẽ bị xử lý về hành vi “cản trở giao thông”. “Sắp tới, những xe ngoài diện thí điểm nếu hoạt động trong khu vực nội thị sẽ bị xử phạt tiền từ 800.000 - 1.200.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong vòng 1 tháng”, ông Đối cho hay.
Trước những khó khăn của người dân đã “trót” đầu tư vào hoạt động kinh doanh xe điện, ông Đối cho hay, ngay từ đầu, thị xã đã tuyên truyền người dân không mua xe điện để hoạt động kinh doanh vận tải hành khách nhưng người dân không nghe mà vẫn ồ ạt mua. Đây là lỗi của người dân. “Nếu người dân có nhu cầu chuyển đổi nghề thì sẽ được hưởng theo chính sách chuyển đổi của thị xã. Nói thật là sau 2-3 năm hoạt động thì chẳng ai lỗ đâu, tính sơ sơ thì mỗi mùa du lịch họ cũng thu 60-70 triệu đồng, hòa vốn từ lâu rồi”, ông trưởng phòng quản lý đô thị cho biết.
“Lách luật” để siết chặt quản lý
Để đảm bảo chỉ có những chiếc xe thuộc đơn vị thực hiện dự án thực hiện việc vận chuyển hành khách, thị xã Cửa Lò đã có “sáng kiến” cấp cho mỗi xe một logo riêng. Trên logo này, đích thân Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò Doãn Tiến Dũng và ông Phan Công Đối ký “tươi”, đóng dấu UBND thị xã và Phòng quản lý đô thị vào. Theo lý giải của ông Trưởng phòng quản lý đô thị thì đây chỉ là giải pháp tình thế để siết chặt quản lý đối với hoạt động xe điện. Đóng dấu, ký “tươi” vào logo từng xe thì các xe ngoài diện thí điểm sẽ hết đường hoạt động “chui”.
Trong Quyết định của UBND tỉnh Nghệ An thì chỉ có 110 xe điện thuộc Công ty TM Cửa Lò được phép hoạt động. Thế nhưng theo danh sách của Phòng QLĐT thị xã cung cấp thì hiện có 150 xe điện đang hoạt động và được cấp logo của thị xã. Như vậy số xe thực tế hoạt động đã vượt quá số xe cho phép thực hiện dự án thí điểm.
Ông Phan Công Đối giải thích: “Trước ngày 30/6/2011, thị xã đã cho phép 30 xe điện chạy thử. Sau khi xin ý kiến và được Phó Thủ tướng chấp thuận về mặt chủ trương, UBND tỉnh Nghệ An cho phép 110 xe hoạt động. Số 30 xe này là của người dân nhưng thị xã đã đề nghị Công ty TM Cửa Lò sáp nhập để hoạt động và dễ quản lý”.
Như vậy, ngoài 30 xe chạy thử này vẫn có 10 chiếc khác không nằm trong diện thí điểm? Ông trưởng phòng đô thị vẫn một mực: “đây là số xe chạy thử trước thời điểm thực hiện dự án thí điểm”.
Với 150 chiếc xe đang thuộc sự quản lý của thị xã Cửa Lò hiện nay, theo ông Phan Công Đối thì vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch khi vào mùa. Tuy nhiên, vì thương hiệu du lịch Cửa Lò và tránh các hệ lụy khác, việc cấm các xe ngoài diện thí điểm hoạt động là việc cần thiết cần thiết. “Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, tương lai gần, chúng tôi sẽ kiến nghị tăng số lượng xe điện thí điểm. Tuy nhiên, giờ thì vẫn phải bắt buộc các xe ngoài thí điểm ngừng hoạt động”, ông Đối cho biết.
Số lượng xe chưa đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi đó hơn 300 chiếc xe điện sẽ phải đắp chiếu, đồng nghĩa với đó là trên dưới 600 lao động sẽ không có việc làm và hàng chục tỷ đồng của người dân sẽ không phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, bài toán khó này vẫn chưa có cách giải quyết.
Hoàng Lam