Shark "thả thính thí sinh" và định kiến giới
Mê sắc và khen đẹp không phải vấn đề, nhưng phải đúng lúc đúng chỗ. Thật khó ở khi thấy đàn ông ỡm ờ đùa cợt với phụ nữ trong môi trường chuyên môn và không gian công cộng
Tôi đọc một bài báo về chương trình Shark Tank ở Việt Nam, trong đó nói chuyện các "shark" "thả thính" thí sinh. Sau đó tôi xem lại toàn bộ clip. Chuyện cợt nhả về giới tính lâu nay được nhiều người xem là bình thường, nhưng xuất hiện ở những người được coi là văn minh và lên truyền hình quốc gia, thì hơi khó chấp nhận.
Theo như diễn biến trong clip, shark Phú và shark Hưng cùng muốn đầu tư. Khi shark Phú giành được sự tin tưởng của thí sinh, shark Hưng buông ra một số lời nhận xét như sau:
"Tôi lên đây xem cho vui chứ lúc nãy cô ấy vào đây, thấy shark Phú cười thì tôi biết deal này sẽ diễn ra nhanh thôi. Tức là giải pháp thì xanh, start-up thì xinh. Shark Phú cười rồi thì thôi anh em mình về".
Những lời nhận xét về dung mạo thường chỉ nên xuất hiện ở quanh bạn bè và gia đình, những cuộc hẹn hò, những cuộc thi thố tài năng giải trí, hoặc ở những ở những cuộc thi hoa hậu mà đáng ra cũng nên xếp xó cho rồi. Thật ngạc nhiên khi nó xuất hiện trên TV, trong những chương trình đại chúng về kinh doanh.
Tất nhiên, được khen ai cũng thích. Đó là một cách công nhận kẻ khác. Song ở đây có vài vấn đề.
Thứ nhất, những thứ được khen là do thực lực và cố gắng hay do trời sinh ra thế. Nếu ta khen một người tài giỏi, thành công, tự tin, tiến bộ, đó là cả một quá trình cố gắng.
Còn khen ngợi dựa trên những thứ trời sinh ra thì không những thiếu công bằng cho kẻ khác, mà còn là một lời khen thừa. Nếu mà không cố gắng cũng có được thì có gì đáng khen?
Tương tự, trong ba chữ mà shark Hưng đúc kết để đánh giá thí sinh nào đáng được đầu tư, chỉ có Xanh và Sạch là về chất lượng của doanh nghiệp, còn chữ XINH là tiêu chuẩn gì vậy?
Thứ hai, những thứ được khen không liên quan đến chuyên môn.
Chúng ta có thể khen bất kỳ bạn nam hay bạn nữ nào là xinh đẹp. Đó là một lời khen dễ chịu, ai cũng muốn nghe. Nhưng khi ta coi trẻ đẹp là một tiêu chí đứng ngang hàng với tự tin, thành công, tiến bộ hay trí tuệ, để đánh giá phẩm chất của một người, thì lời khen đó có vấn đề.
Vấn đề không phải là khen. Vấn đề là khen đúng lúc đúng chỗ.
Trong chương trình này, các anh đang đóng vai trò giám khảo một cuộc thi phát sóng toàn quốc với số lượng đông người xem, tham gia vào một cuộc đàm phán kinh tế thực sự. Xinh đẹp hoàn toàn không nên liên quan đến cả ngữ cảnh lẫn tính chất của cuộc mặc cả kinh doanh này.
Hãy tưởng tượng đoạn đối thoại này trong một cuộc phỏng vấn xin việc thì mới thấy sự lố bịch của nó. Trên tư cách là người được phỏng vấn, bạn chắc cũng không thể cười nổi khi biết mình vì ngoại hình mà được chọn.
Hẳn nhiên, đẹp có lợi thế. Nhưng điều đó chỉ nên là một suy nghĩ riêng tư hoặc định kiến vô thức. Một kẻ có trách nhiệm, tri thức, và sâu sắc sẽ luôn tự vấn bản thân, để định kiến đó không tạo bất công cho số đông người đời không được trời phú cho sắc đẹp. Cuộc sống này đâu phải sàn diễn thời trang hay những cuộc thi hoa hậu nơi tiêu chí đánh giá công khai dựa trên sắc đẹp của phù du thịt da?
Thứ ba, những lời nhận xét dựa trên vẻ ngoài tạo ra cả hai hệ quả, tích cực và tiêu cực. Sắc đẹp càng được tôn vinh công khai thì thì sự xấu xí càng bị dè bỉu công khai.
Ngày càng nhiều người trở thành nạn nhân của body shaming (nhận xét chê bai về cơ thể). Không ai hoàn hảo cả. Đến Ngọc Trinh khi cong lưng cũng sẽ có mỡ bụng. Đến vương nam sáu múi rồi cũng sẽ có lúc già cả sáu múi chập lại làm một.
Xã hội sẽ ngày càng văn minh hơn khi ta có thể dần dần hạn chế những lời bình phẩm chú trọng vào ngoại hình và tập trung vào tinh chất cũng như năng lực của mỗi cá nhân - nhất là khi các cá nhân đó không chỉ đơn thuần là bạn bè gia đình, mà là những yếu nhân có vai trò lãnh đạo, chuyển biến xã hội, đối tác làm ăn, đồng nghiệp, và nhất là môi trường chuyên môn, công việc.
Vậy ta có nên hạn chế lời khen không? Không nên. Khen thích mà. Nhưng ta nên hiểu rõ khen thế nào để không tạo ra sự phản cảm và thiếu chuyên môn trong môi trường công việc, tạo ra sức ép cho người được/ bị khen, thậm chí tạo ra sức ép cho chính bản thân chúng ta.
Ví dụ, khen đàn ông tài hoa kiếm tiền giỏi là một lời khen có thể tạo ra sức ép cho cả một nửa thế giới, là đàn ông đồng nghĩa với kiếm nhiều tiền, không kiếm ra tiền không phải đàn ông. Lời khen nào cũng là tấm huy chương hai mặt.
Cuối cùng, đó là việc các yếu tố "dục" và "giới" xuất hiện một cách phản cảm. Sau khi xem toàn bộ clip, tôi thấy tiếc là VTV đã biên tập theo cách không bỏ câu "Xanh- Sạch - Xinh" của shark Hưng, và một số câu ỡm ờ khác của shark Phú Những câu này chưa chắc đã làm cho chương trình thú vị hoặc tăng tính giải trí. Ngược lại, một số người xem có thể cảm thấy khá là khó chịu, trong đó có tôi.
Báo viết cũng vậy, Những bài về sự kiện này cũng được viết theo cách tung hô như thể các shark này nói những lời dễ nghe phải đạo vậy. Chữ "xinh đẹp" luôn đi kèm với cách các bảo nói về thí sinh T.H. để tăng tính "dục" và tính "giới" cho câu chuyện. Có báo còn cố tình miêu tả theo hướng tán tỉnh cưa cẩm: "Vừa thấy T.H. xuất hiện, shark Phú đã tít mắt".
Một tờ báo khác thì giật tít: "Nữ CEO công nghệ Xinh - Xanh - Sạch làm "nóng" Shark Tank, "cá mập" tranh giành".
Thậm chí các comment mà bài báo trích lại cũng là những comment ủng hộ theo chiều hướng "dục" và "giới":
- "tán thế em con trai cũng đổ";
- "Shark P. thả thính "Anh chỉ cần em", nghe xong chị ấy muốn rụng tim";
- "Thích nhất đoạn Shark Hưng nói với Shark Bình: "Giải pháp thì xanh, start up thì xinh, deal này nhanh thôi".
Xin nhắc lại, mê sắc và khen đẹp không phải vấn đề. Nhưng phải đúng lúc đúng chỗ. Thật khó ở khi thấy đàn ông ỡm ờ đùa cợt với phụ nữ trong môi trường chuyên môn và không gian công cộng. Để tưởng tượng, chúng ta hãy hoán đổi giới tính để nhận ra định kiến giới - điều mà tôi hướng đến khi thành lập page Gioi viec nuoc dam viec nha
Ta nghĩ sao khi một shark nữ nhìn thấy một bạn trai và phát ngôn rằng: "Nhìn em chị đã muốn đầu tư rồi. Chị mải nhìn em, chả thấy gì ở sản phẩm cả. Chị không quan tâm đến sản phẩm, chị chỉ quan tâm đến em thôi".
Có đúng là nghe rất chối tai không? Một người phụ nữ mà nói vậy chắc cô ta sẽ bị thóa mạ không tiếc lời.
Shark Phú nghe nói thích nhân tướng học nên mới có những phát biểu như trên. Tuy nhiên, đây là một chương trình đàm phán kinh doanh trên đài quốc gia. Có lẽ anh nên cẩn trọng hơn khi phát ngôn, nhất là khi anh đã nói những câu thế này với một vài thí sinh nữ được cho là có nhan sắc. Như vậy để tránh gây cảm giác ỡm ờ vừa phản cảm, vừa không cần thiết kiểu: "Nhìn em là anh thích đầu tư rồi" hay " Anh chỉ mải nhìn em, nên chả thấy gì đặc biệt ở sàn phẩm cả".
Xin nhắc lại, mê sắc và khen đẹp không phải vấn đề. Nhưng phải đúng lúc đúng chỗ. Ở một xã hội khác, chắc shark nọ với vụ Xanh - Sạch -Xinh này đã bị phê cho nhừ nát, từ cá mập biến thành cá muối hay cá ... ươn không biết chừng.
Theo Nguyễn Phương Mai (*)
Dân Việt
(*) PGS.TS Nguyễn Phương Mai giảng dạy và nghiên cứu Giao tiếp/ Quản Trị đa văn hóa tại Khoa Kinh tế thuộc ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan.