Ba phút cùng luật sư:

Sát thủ nếu mắc bệnh tâm thần có thể thoát án hình sự?

(Dân trí) - Với quy định người mắc bệnh tâm thần giết người không chịu trách nhiệm hình sự, bệnh án tâm thần cứ như tấm “kim bài miễn tử” dành cho các tay giết người man rợ. Vậy làm sao để cách ly những người tâm thần nặng có khả năng giết người khỏi cộng đồng?

Việc nhiều vụ giết người dã man phải ngừng khởi tố hình sự vì hung thủ bị tâm thần khiến cộng đồng lo lắng. Bởi tên giết người không phải đền tội, nạn nhân chết oan và cộng đồng xung quanh thì lo lắng không biết khi nào tên giết người ra khỏi trại chữa bệnh bắt buộc, tiếp tục tái bệnh và gây án.

Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” kỳ này của báo điện tử Dân trí, luật sư Nguyễn Đức Chánh, cộng tác viên Thư Viện Pháp Luật sẽ làm rõ vấn đề trên.

Làm sao cách ly đối tượng tâm thần từng giết người?

Vụ việc nghi can Nguyễn Quang Huy (21 tuổi) có pháp danh Thiện Huy tập tu trong chùa Bửu Quang (P. Bình Chiểu, Q. Thủ Đức) đã dùng dao tấn công một sư thầy, chém chết một cụ bà hơn 100 tuổi và làm 3 người khác bị thương. Theo thông tin ban đầu từ Cơ quan điều tra thì nghi can Huy khi thực hiện hành vi có dấu hiệu tâm thần nặng. Nếu đúng như như vậy thì sẽ xử lý như thế nào thưa luật sư?

Nếu nghi can có dấu hiệu tâm thần thì Cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần theo quy định.

Nếu kết quả trưng cầu pháp y tâm thần xác định nghi can Huy bị bệnh tâm thần khi thực hiện hành vi thì Huy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 13 BLHS hiện hành thì người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần; hoặc một bệnh khác làm mất nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Theo luật sư, đối tượng mắc bệnh tâm thần giết người cũng không chịu trách nhiệm hình sự. Để cách ly đối tượng này khỏi cộng đồng phải đưa đi chữa bệnh bắt buộc.
Theo luật sư, đối tượng mắc bệnh tâm thần giết người cũng không chịu trách nhiệm hình sự. Để cách ly đối tượng này khỏi cộng đồng phải đưa đi chữa bệnh bắt buộc.

Cộng đồng chắc chắn sẽ rất lo ngại nếu để 1 tên giết người vì bệnh tâm thần như thế sinh sống xung quanh mình. Vậy thủ tục để áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với những người như trên được quy định như thế nào thưa ông? Và thời hạn là bao lâu?

Về trình tự và thủ tục bắt buộc chữa bệnh được quy định tại điều 43 Bộ luật hình sự hiện hành.

Theo đó, đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại khoản 1, Điều 13 của Bộ luật Hình sự, thì tùy theo giai đoạn tố tụng, VKS hoặc TAND căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh; nếu chưa đến mức đưa vào cơ sở y tế thì có thể giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền.

Về thời gian bắt buộc chữa bệnh thì sẽ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cho đến khi khỏi bệnh. Căn cứ vào kết luận của cơ sở điều trị, nếu người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh, thì tùy theo giai đoạn tố tụng, Viện kiểm sát hoặc Tòa án xét và quyết định đình chỉ việc thi hành biện pháp này.

Còn trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội không bị bệnh tâm thần mà dùng chất kích thích nên không kiểm soát được hành vi thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không thưa luật sư?

Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội không bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình theo quy định Bộ luật Hình sự hiện hành.

Còn trường hợp người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 14 BLHS hiện hành.

Xin cảm ơn luật sư!

Tùng Nguyên – Phạm Nguyễn – Thiên Thanh (thực hiện)