Sao nỡ đổ lỗi cho người ký?
Khi còn bé, cũng như bao bạn bè khác, chúng tôi thường đi dọc đường làng và nghêu ngao hát: “Phan, Lâm mại quốc. Triều đình khí dân...”. Khi đó, chúng tôi làm ra vẻ “hiểu biết sâu sắc lắm” về những vấn đề lịch sử. Thật khôi hài và rõ thật là trẻ con...
Tôi không đồng ý với PGS.TS Phạm Xanh về những đánh giá mà ông đã sử dụng cho Phan Thanh Giản.
Cùng với thời gian, tôi hiểu được việc rằng: Cái tội “bán nước” là cái tội tày đình, trời không dung, đất không tha... Có lẽ tôi không dùng lời lẽ để mô tả hết sự xấu xa của cái tội này. Tôi hiểu điều đó, và bây giờ, tôi chắc rằng TS Phan Thanh Giản còn hiểu sâu sắc hơn tôi về điều đó.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: buihoangtam.khdt@gmail.com.
Giấy trắng, mực đen rõ ràng, Phan Thanh Giản là người ký tên trong tờ Hòa ước... (tôi không cần phải chi tiết hơn), tuy nhiên, điều mà tôi băn khoăn là TS Phan Thanh Giản đã “bán” được bao nhiêu tiền? Nếu không phải là “tự thưởng cho mình một chén thuốc độc” và dặn dò con cháu, không bao giờ được ra làm quan...
Nếu là tôi, tôi sẽ chẳng bán... và như vậy, có khi tên tuổi lại được ghi danh, có kém gì Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, hay Trương Định.
Chết, thì rồi rốt cục đằng nào ông cũng chết (nếu chẳng phải thuốc độc, thì cũng là súng đạn của giặc Pháp), ở cái trình độ của bậc đại học sỹ, sao ông lại lựa chọn cho mình cái chết khổ sở như vậy? Nếu chẳng phải là ông nghĩ về tính mạng của quân - dân 6 tỉnh Nam Kỳ!?
Chấp nhận cái chết, chấp nhận mang tiếng xấu nghìn đời vì sự sống của vạn người... Tôi không làm được như TS Phan Thanh Giản.
Rốt cục, nhân dân sẽ là người viết lịch sử, và lưu giữ nó.
Và giải thích làm sao, tình yêu của nhân dân Nam Bộ với cụ Phan? Trung Quốc cũng có ông Lý Hồng Chương, ký tên vào hòa ước với Liên minh. Đánh giá về việc đó, đến nay, người Trung Quốc đã có cái nhìn rộng rãi và thấu hiểu... Đầu hàng - là triều đình đầu hàng, hèn kém - là do cái ”cơ chế” quản lý gây ra cái “khí lực quốc gia” hèn kém... Sao đổ lỗi cho riêng người ký vào giấy tờ?
Người ta rộng rãi thế, mà sao mình hẹp hòi thế?
Tôi không đồng ý với ông Phạm Xanh
Ông Phạm Xanh nên hiểu rằng thời ấy Pháp quá mạnh, còn xã hội ta khi ấy xuống cấp trầm trọng, không thể đoàn kết lại thành lực lượng mạnh nhất. Nếu phát động chống lại thì dân ta sẽ thương vong vô kể, chí căm hờn cao nhưng làm gì khác được. Phan Thanh Giản cũng đã cân nhắc thiệt hơn và căn cứ thời cuộc nên đã ký hòa ước mong ngày khôi phục. Nhưng dân ta lúc ấy nhận thức chưa cao, rời rạc về xã hội nên cảnh mất nước kéo dài. Đánh nhau chết chóc rồi mất nước hay ký hòa hoãn rồi chuẩn bị lực lượng, cái nào tốt hơn đây? Dân tộc ta cũng khí khái hào hùng từ xưa đến nay, nhưng thảm họa thực dân thế kỷ 18-19 mấy nước trên thế giới tránh khỏi?
Ai dám nói cụ Phan Thanh Giản không yêu nước thương dân, ai dám nói cụ bạc nhược khiếp sợ trước thế mạnh quân thù? Nếu vậy cụ được gì từ ký hòa ước, không yêu nước thương dân sao thanh liêm khảng khái. Âu cũng là nhân vật lịch sử, họa quốc gia khi ấy thì phải oằn mình gánh chịu theo.
LTS Dân trí - Có lẽ hiếm có nhân vật lịch sử nào lại gây nhiều tranh cãi giữa công và tội như Tiến sỹ Phan Thanh Giản. Người yêu ông muốn tạc tượng, ghi công. Người căm ghét ông muốn đào mồ, đốt mả. Câu nói “Phan, Lâm mãi quốc…” đã lưu truyền trong nhân dân hàng trăm năm qua là bia miệng khó mòn.
Và vì vậy, việc nhìn nhận, đánh giá khoa học, chân xác về ông là điều hết sức cần thiết. Đây cũng là một trong những “nhiệm vụ” của công cuộc đổi mới.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đăng tải những ý kiến gửi về tranh luận trên tinh thần khách quan, khoa học, văn hóa và tôn trọng những quan niệm khác nhau.
* (Đầu đề bài viết do BBT Dân trí đặt)