Hà Nội:

Sân chơi cho trẻ em Thủ đô: Nơi thiếu, nơi bỏ hoang

(Dân trí) - Trẻ em đá bóng giữa hè phố, quảng trường; vườn hoa chen chúc người tập thể dục, chơi thể thao. Trong khi hàng loạt sân chơi tại các khu dân cư lại trong tình trạng phủ bụi, “đắp chiếu”.

Sân chơi cho trẻ em Thủ đô: Nơi thiếu, nơi bỏ hoang
Sân chơi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội với diện tích “khiêm tốn” nằm “phủ bụi” ven Hồ Tây, ghế đá, đèn điện đều đã hư hỏng

Muôn đời chuyện thiếu sân chơi

Không phải chỉ đến khi các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin rầm rộ người ta mới thấy được cái thiếu nơi Thủ đô này, chỉ là không thể tin được một nơi như Thủ đô Hà Nội mà tình trạng thiếu sân chơi thể thao cũng ở mức "báo động" như vậy.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 2.200 điểm vui chơi dành cho trẻ em, trong đó có 1.700 điểm vui chơi cấp phường, xã. Thế nhưng, gần 40% các điểm vui chơi này, hệ thống trang thiết bị đã quá cũ kỹ mà vẫn chưa được đầu tư cải tạo.

Sân chơi khu dân cư số 9 phường Bưởi trở thành nơi tập kết phế thải, chỗ để ôtô, xe máy
Sân chơi khu dân cư số 9 phường Bưởi trở thành nơi tập kết phế thải, chỗ để ôtô, xe máy

Khảo sát tại những sân chơi ở các phường Yên Hoà, Nghĩa Tân, Nghĩa Đô, Bưởi, Thành Công... có thể dễ dàng nhận thấy rằng: hầu hết các sân chơi đều vắng bóng trẻ em. Không những vậy, vài sân chơi xưa cũ cũng đã bị chiếm dụng làm chỗ trông xe, bán hàng ăn, phơi quần áo...

Sân chơi khu tập thể phường Thành Công bị biến thành nơi để xe máy, hàng ăn, chỗ phơi quần áo
Sân chơi khu tập thể phường Thành Công bị biến thành nơi để xe máy, hàng ăn, chỗ phơi quần áo

Trong khi đó, các địa điểm quen thuộc như quảng trường Lê-nin, khu vực tượng đài Lý Thái Tổ những ngày nghỉ lại chen chúc người lớn, trẻ nhỏ. Mặc dù Hà Nội hiện có rất nhiều công viên có không gian rộng, thoáng mát nhưng lại nghèo nàn trò chơi, đặc biệt là các trò chơi mang tính sáng tạo, giáo dục.

Vườn hoa Lý Thái Tổ chiều chiều đông nghẹt các em bé được bố mẹ đưa đến chơi, hóng mát
Vườn hoa Lý Thái Tổ chiều chiều đông nghẹt các em bé được bố mẹ đưa đến chơi, hóng mát

Theo ý kiến của nhiều người dân, trong những năm gần đây nhiều công viên như công viên Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ,.. đã không còn thu hút được các bậc phụ huynh đưa trẻ đến vui chơi. Các khu vui chơi trong công viên không những không đổi mới mà còn bị han gỉ và hư hỏng nặng.

Hậu quả khôn lường

Việc thiếu những sân chơi “chất” mà lại thừa “lượng” sân bãi cũ kĩ dẫn tới thực trạng trẻ em phải ra giữa đường đá bóng, chơi cầu lông; trẻ em ngoại thành thì ra tắm sông, ao, hồ. Và hàng năm, cứ mỗi độ hè về, nước lên, ta lại thấy trên khắp các mặt báo nhan nhản tin trẻ em, thanh thiếu niên chết đuối.

Các em học sinh “tận dụng” vòng xuyến rộng rãi tại ngã tư Nguyễn Khánh Toàn để đá bóng
Các em học sinh “tận dụng” vòng xuyến rộng rãi tại ngã tư Nguyễn Khánh Toàn để đá bóng

Thiếu các sân chơi công cộng, thanh thiếu niên rất ít vận động, xa dần cộng đồng, tự khép mình trong nhà, quanh quẩn chỉ học, xem ti vi và chơi điện tử. Cùng với đó, việc học quá tải khiến vài năm gần đây số trẻ em mắc bệnh trầm cảm ngày một gia tăng.

Trẻ em thì tìm đến các quán game, đắm mình trong thế giới ảo, không ít em đi vào con đường phạm tội từ đây. Không ít thanh thiếu niên đã tự tìm đến những hoạt động vui chơi giải trí không lành mạnh dẫn đến việc vi phạm pháp luật như cờ bạc, trộm cắp, hiếp dâm, bạo hành… Sự phát triển không cân bằng dẫn đến sự lệch lạc về nhân cách, đất nước sẽ ra sao với những công dân như thế?
 
Các em nhỏ “dán” mắt vào các thiết bị điện tử
Các em nhỏ “dán” mắt vào các thiết bị điện tử

Thiếu sân chơi, đừng quan tâm bằng khẩu hiệu

Nhiều năm qua các phương tiện truyền thông đã kêu "rát cổ" chuyện thiếu sân chơi cho mọi người; nhiều trẻ em thủ đô đang bị bỏ rơi giữa thành phố đông đúc, còn các sân golf, nhà hàng, nhà nghỉ, chung cư... hoành tráng mọc lên như một nghịch lý đau lòng. Các tháng hành động, những sự kiện nhất thời không thể giải quyết được nhu cầu vận động lâu dài của xã hội.

Kết quả thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001-2010 đã cho thấy, rất nhiều chỉ tiêu được đưa ra nhưng lại không hoàn thành, trong đó có chỉ tiêu đảm bảo quyền vui chơi, giải trí cho trẻ em.

Hiện tại, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 45% xã, phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em; 40% huyện và 100% tỉnh có nhà văn hóa thiếu nhi; quy hoạch mạng lưới các trung tâm vui chơi, giải trí, các nhà thiếu nhi cấp tỉnh và cấp huyện, điểm vui chơi giải trí cấp xã hoặc liên xã dành cho trẻ em… Mục tiêu đưa ra không cao, nhưng không rõ đến bao giờ những sân chơi khang trang, bổ ích mới bắt đầu xuất hiện?

Cần nhiều hơn nữa những hành động thiết thực từ các cơ quan chức năng để có được những sân chơi hợp lý cho tất cả người dân. Và sớm có sự điều chỉnh hợp lý từ sân chơi đến các loại hình trò chơi thật sự bổ ích và sâu rộng nơi Thủ đô để người dân nói chung và trẻ em nói riêng được phát triển toàn diện và là tấm gương đi đầu cho cả nước.

Bài, ảnh: Nguyễn Thu Trang