Ranh giới nào giữa loại pháo bị cấm và pháo được tự do đốt chơi Tết?

(Dân trí) - Pháo nổ vẫn tuyệt đối cấm. Quy định người dân được sử dụng pháo hoa được nới lỏng, mở rộng nhưng kèm theo những điều kiện nhất định.

Tôi được biết năm nay Chính phủ đã nới quy định về việc sử dụng pháo, và trên mạng xã hội tôi đã thấy nhiều người rao bán các loại pháo nổ để đốt vào đêm giao thừa.  Tôi có thể hiểu quy định mới này như thế nào? Và có thể mua pháo về đốt như xưa được không?

Ranh giới nào giữa loại pháo bị cấm và pháo được tự do đốt chơi Tết? - 1

Luật sư Quách Thành Lực, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết:  Các loại pháo được phép sử dụng như: pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây lên tiếng nổ...  quy định tại điều 5 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP.

Được mở rộng thành: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. (Khoản 1 điều 17 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP)

Hiểu đơn giản là phạm vi mở rộng hơn cụ thể "pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại)" được sửa đổi thành "Pháo hoa".

Pháo hoa được sử dụng dịp tết, dịp tết có thể được xác định theo lịch nghỉ tết của Bộ Lao động và Thương binh, xã hội từ thứ Tư ngày 10/02/2021 đến hết thứ Ba ngày 16/02/2021 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu).

Những hiểu sai về những loại pháo được xác định là pháo hoa.

Khái niệm pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Yếu tố không gây ra tiếng nổ là yếu tố chính phân biệt giữa pháo hoa và pháo nổ, ranh giới giữa việc pháo được sử dụng và pháo bị cấm sử dụng. Đặc biệt lưu ý pháo gây ra tiếng rít khi sử dụng cũng được coi là pháo nổ.

Có thể mua pháo hoa thoải mái từ các nguồn bán chơi tết hay không?

Câu trả lời là Không.

"Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa" (khoản 2 điều 9 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP). Do vậy việc bạn mua hàng từ những người bán hàng trên mạng, giao hàng tận nơi pháo hoa vẫn bị coi là hành vi mua bán pháo trái phép.

Những tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa ở đâu.

Người dân chỉ được mua loại pháo hoa này của các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng. Loại pháo này chỉ Bộ Quốc phòng được phép sản xuất, không bán tràn lan.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hóa chất 21 (Nhà máy Z121) trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng là đơn vị duy nhất được Chính phủ, Bộ Quốc phòng giao sản xuất, cung ứng pháo hoa, pháo hoa nổ

Hậu quả khi sử dụng pháo không đúng quy định ra sao?

Người sử dụng pháo bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép theo điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP .

Hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội "gây rối trật tự công cộng" tại Điều 318 BLHS: Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Xin cảm ơn Luật sư!