Quy định mới “cắt” đi quyền lợi chính đáng của giáo viên?
Vừa qua, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 28 (thay cho Thông tư 49) đã “cắt” bỏ chế độ chấm bài tính thêm giờ mà giáo viên đã được hưởng từ 30 năm qua, làm giảm thu nhập của nhiều giáo viên.
Ngày 21/10/2009 vừa qua, Bộ GD-ĐT có Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT “Ban hành Quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông” (gọi tắt là Thông tư 28).Văn bản này quy định chế độ làm việc đối với giáo viên (GV) giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm: nhiệm vụ của GV; thời gian làm việc trong một năm; định mức tiết dạy; chế độ giảm định mức tiết dạy và quy đổi các hoạt động khác ra tiết dạy. Về cơ bản, nội dung Thông tư 28 không có gì mới, chỉ là hệ thống hóa lại những quy định liên quan về chế độ làm việc của GV phổ thông.
Thông tư số 28 này thay thế Thông tư số 49/TT ngày 29 tháng 11 năm 1979 của Bộ Giáo dục (Thông tư 49). Tuy nhiên, điều đáng nói là Thông tư số 28 đã bỏ qua quy định về chế độ chấm bài của GV được quy định trong Thông tư 49.
Thông tư 49 quy định:
“Mỗi tháng, giáo viên ngữ văn trường phổ thông trung học phải chấm số bài kiểm tra loại 15 phút và loại từ 1 tiết trở lên, không quá 90 bài cho mỗi loại.
Nếu chấm số bài quá số quy định trên thì cứ 45 bài loại 15 phút, tính là 3 tiết tiêu chuẩn, 45 bài loại từ 1 tiết trở lên, tính 7 tiết tiêu chuẩn.
Giáo viên dạy các bộ môn còn lại thuộc các cấp học, mỗi tháng phải chấm số bài kiểm tra không quá 135 bài, cho mỗi loại. Nếu quá số quy định đó, cứ 45 bài loại 15 phút, tính 2 tiết tiêu chuẩn, 45 bài loại từ 1 tiết trở lên, tính 4 tiết tiêu chuẩn”.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Chấm bài là một công việc hết sức vất vả, tốn thời gian. Nhất là đối với những GV dạy nhiều lớp, nhiều HS. Đành rằng đây là nhiệm vụ của GV nhưng nếu như vượt quá mức thời gian quy định thì GV được hưởng chế độ làm việc thêm giờ là hợp lý. Thực tế có những GV định mức giờ lên lớp đủ theo quy định nhưng được hưởng chế độ làm thêm giờ do chấm bài vượt định mức. Quy định của Thông tư 49 về chế độ này chắc chắn phải dựa trên những cơ sở hợp lý, và quá trình thực hiện 30 năm qua đã cho thấy điều đó.
Trong Thông tư liên tịch số 50/2008/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 09 tháng 9 năm 2008 của Liên bộGD-ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính “Hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập” vẫn có quy định căn cứ vào Thông tư số 49/TT ngày 29 tháng 11 năm 1979 của Bộ Giáo dục. Nghĩa là trong văn bản mới nhất hướng dẫn về chế độ làm thêm giờ của liên Bộ vẫn công nhận những quy định trong Thông tư 49 về chế độ chấm bài.
Nhưng nay Bộ GD-ĐT với Thông tư 28 đã cắt quy định nói trên mà không hề có một lời giải thích, không hiểu Bộ GD-ĐT dựa trên căn cứ nào? Thiết nghĩ chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo thì trước hết đừng ra những quy định gây thiệt thòi quyền lợi chính đáng của GV. Là GV, chúng tôi không đồng tình với quy định mới của Bộ GD-ĐT vì thiếu có căn cứ thực tiễn và gây ra sư thiệt thòi vô lý đối với đội ngũ giáo viên phổ thông.
Chúng tôi trân trọng đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại Thông tư 28, nếu thấy bất hợp lý như chúng tôi đóng góp ý kiến thì cần điều chỉnh cho phù hợp. Nếu có căn cứ thực tiễn nào khác để đưa ra quy định mới gây ra hậu quả cắt bớt thu nhập chính đáng của giáo viên thì xin Bộ GD-ĐT trả lời trước công luận.
Trần Quang Đại
Giáo viên trường THPT Trần Phú, Đức Thọ, Hà Tĩnh
LTS Dân trí - Nâng cao chất lượng giáo dục là đòi hỏi khách quan của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa nước nhà cũng như hội nhập quốc tế. Nhiệm vụ trọng đại đó đòi hỏi chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến việc chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên, nhân tố hàng đầu có ý nghĩa quyết định chất lương giáo dục. Vì vậy, trong tình hình hiện nay nếu chưa có điều kiện thực hiện chế độ đãi ngộ tốt hơn đối với đội ngũ giáo viên thì nên giữ nguyên những chế độ, những phụ cấp mà giáo viên đã được hưởng từ trước đến nay.
Bài viết trên của một giáo viên phản ảnh về điều không hợp lý của Thông tư 28 do Bộ GD-ĐT mới ban hành đã cắt bỏ chế độ chấm bài tính thêm giờ mà giáo viên đã được hưởng 30 năm qua.
Chúng tôi trân trọng chuyển ý kiến phản ảnh này tới Bộ GD-ĐT xem xét và xử lý đúng với tinh thần nhất quán chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên - lực lượng chủ chốt hoạt động trong lĩnh vực quốc sách hàng đầu.