Hà Nội:

Quận Hoàn Kiếm nói một đằng, làm một nẻo

(Dân trí) - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoa từng khẳng định sẽ xử lý dứt điểm vụ tranh chấp kéo dài ở 18 Ngô Quyền. Nhưng đã 2 tháng trôi qua, lời cam kết này chưa được thực hiện, các hạng mục sai phạm vẫn ngang nhiên thách thức chính quyền.

Liên quan đến việc thực hiện ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 68/TB-UBND ngày 17/3/2010 của UBND TP. Hà Nội về việc xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, kinh doanh ăn uống trái phép mất vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh doanh rượu bia, thuốc lá tại vỉa hè tồn tại kéo dài ở số nhà 18 Ngô Quyền. Trao đổi với PV Dân trí vào ngày 18/8/2012, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Quốc Hoa khẳng định: Sau khi UBND thành phố có ý kiến chỉ đạo, UBND quận đang nỗ lực tập trung xử lý dứt điểm, triệt để khiếu nại ở số nhà 18 phố Ngô Quyền trên cơ sở đúng pháp luật, đảm bảo tính công bằng và khách quan các hộ liên quan. Ông Hoa cho biết, UBND quận Hoàn Kiếm đã thống nhất xử lý dứt điểm 4 vấn đề sai phạm ở số nhà 18 theo đúng ý kiến chỉ đạo của thông báo số 68/TB-UBND của TP. Hà Nội.
 
Công trình sai phạm ở 18 Ngô Quyền thách thức UBND quận Hoàn Kiếm
Công trình sai phạm ở 18 Ngô Quyền" thách thức" UBND quận Hoàn Kiếm
 (Ảnh: Ngọc Cương)

1, Thực hiện nghiêm quyết định xử phạt số 4382/QĐ-CTUBND của Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm với các nội dung: Khôi phục tay vịn cầu thang cho đúng hiện trạng ban đầu; xây dựng lại bức tường ngăn hành lang tầng 2 diện tích sử dụng, thay thế cho bức tường thạch cao mà nhà bà Hồng dựng lên để tách phần diện tích sử dụng; Bịt lỗ lên thăm trần đang nằm ở vị trí không đúng hiện trạng ban đầu.

2, UBND quận Hoàn Kiếm quyết định điều chỉnh và thay thế khoản 7, Điều 1 của Quyết định 4382/QĐ-CTUBND. Cụ thể sẽ tiến hành phá dỡ hạng mục trần bê tông đúc sẵn để thay bằng trần vôi rơm theo đề nghị của ông Trịnh Tuấn Tòng.

3, UBND quận Hoàn Kiếm đã kiểm tra xử lý việc kinh doanh trên tầng 2 và có biện pháp xử lý. Cụ thể, chủ cửa hàng kinh doanh Hoàng Thị Minh Phượng đã kinh doanh không có giấy phép, không đảm bảo VSAT thực phẩm. Tổng cộng hình phạt hành chính đưa ra trong quyết định xử lý số 1483/QĐ-UBND ngày 5/7/2012 của UBND quận Hoàn Kiếm là 12,9 triệu đồng.
 
Phần cơi xây dựng sai phép rõ như ban ngày vẫn chưa bị xử lý
Phần cơi xây dựng sai phép rõ như ban ngày vẫn chưa bị xử lý
(Ảnh: Ngọc Cương)

4, Ra quyết định tháo dỡ cửa ngăn cách hành lang lối di chung, tháo dỡ lan can tầng 2 nhà bà Hồng, đảm bảo cho các hộc dân cùng được sử dụng hành lang chung theo đúng quy định của nhà nước. UBND quận đề nghị bà Hồng thực hiện nghiêm quyết định xử lý, tự giác tháo dỡ những hạng mục sai quy định.

Về việc chưa thực hiện việc cưỡng chế các hạng mục sai phạm của hộ nhà bà Vũ Thị Hồng (tháng 8/2012), Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hoa cho biết bà Vũ Thị Hồng đang làm đơn khiếu nại Sở Xây dựng, UBND quận Hoàn Kiếm đã bán cho nhà ông Tòng cả diện tích hàng lang chung. Sau khi cơ quan chức năng ra trả lời đơn khiếu nại của bà Hồng, quận Hoàn Kiếm sẽ phối hợp với phường Tràng Tiền tháo dỡ những hạng mục sai phép đã được nêu ra trong bản thông báo số 85/TB-UBND ngày 12/7/2012. Ông Hoa còn khẳng định, UBND quận đã mời các đơn vị tư vấn tham gia ý kiến việc gia cố hệ chịu lực mới (phục vụ cho việc xây tường ngăn cách tầng 2), đảm bảo việc phá dỡ trần bê tông được thực hiện an toàn tuyệt đối.
 
Khu sân chơi chung biến thành bếp ăn phục vụ kinh doanh
Khu sân chơi chung biến thành bếp ăn phục vụ kinh doanh
(Ảnh: Ngọc Cương)

Tròn 2 tháng kể từ sau cuộc trao đổi với PV Dân trí, kế hoạch tháo dỡ những hạng mục sai phạm kéo dài nhiều năm ở số nhà 18 Ngô Quyền của lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm vẫn “giậm chân tại chỗ” gây bức xúc dư luận. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy UBND quận Hoàn Kiếm sẽ tiến hành tháo dỡ, trong khi đó gia đình nhà ông Trịnh Tuấn Tòng vẫn phải chịu đựng cảnh xuống cấp và những rủi ro tiềm ẩn. Theo ghi nhận thực tế chiều 17/10/2012, phần trần tường rơm ở khu phụ giáp phố Tràng Tiền đe dọa sập bất cứ lúc nào do tác động của trần bê tông của hộ gia đình nhà bà Hồng, toàn bộ phần tường hậu đã nghiêng hẳn ra đường Tràng Tiền mà gia đình không thể tu sửa.

Ngày 17/10/2012, ông Trịnh Tuấn Tòng tiếp lục làm đơn khiếu nại yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện đúng theo ý kiến chỉ đạo thể hiện trong Thông báo số 68/TB-UBND ngày 17/3/2010 của UBND TP. Hà Nội. Sớm thực hiện việc cưỡng chế theo kế hoạch mà UBND quận Hoàn Kiếm đã công bố trước đó.
 
Lối đi chung biến thành kho hàng (Ảnh: Ngọc Cương)
Lối đi chung biến thành kho hàng (Ảnh: Ngọc Cương)

Không chỉ có vậy, UBND quận Hoàn Kiếm còn bị “tố” bỏ qua 9 hạng mục không xử lý theo nội dung nêu ra Thông báo số 68/TB-UBND ngày 17/3/2010 bao gồm: Chưa khôi phục lại nguyên trạng cửa thông ra phố Ngô Quyền; Chưa dỡ bỏ phần lồng sắt sau nhà tắm trên diện tích sân chơi chung; Chưa yêu cầu phá dỡ tầng 3 kinh doanh trái phép; Chưa xây bịt cửa sổ; Chiếm toàn bộ diện tích chung tầng 1 làm kho chứa hàng kinh doanh trái phép; Chiếm toàn bộ sân phơi chung làm bếp ăn kinh doanh trái phép; Chiếm 10m2 chiếu nghỉ tầng 2 làm kho để hàng; Lợp trần mái che sai quy định; Làm khung thép lợp mái chiếm 16m2 ngõ đi chung làm kho để hàng.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương