“Quan” dựng nhà sàn, dân “trồng” xưởng gạch trên đất nông nghiệp

Quan xã xẻo thịt đất nông nghiệp dựng nhà sàn. Dân cũng “trồng” xưởng gạch trên ruộng lúa. Ở một địa phương mà cán bộ không gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật thì người dân vi phạm cũng là điều dễ đoán.

Người dân vây quanh ngôi nhà sàn của cán bộ bị tố xây dựng trên đất nông nghiệp.
Người dân vây quanh ngôi nhà sàn của cán bộ bị tố xây dựng trên đất nông nghiệp.

Tố cáo của người dân về việc quan chức vi phạm luật đất đai ở Đồng Tâm (Mỹ Đức) đã được UBND TP.Hà Nội xác minh là có cơ sở,  hé lộ những vi phạm nghiêm trọng về đất đai ở địa phương này.  

Quan xã xẻo thịt đất nông nghiệp dựng nhà sàn
Theo tố cáo của một số người dân xã Đồng Tâm, trong thời gian từ năm 2005-2006, các thành viên trong Ban chấp hành đảng ủy xã Đồng Tâm đã chia nhau mỗi người 01 suất đất có diện tích trên 1.000m2 tại khu vực trước cổng trường bắn Miếu Môn, cạnh tỉnh lộ 429. Trong danh sách này, có bà Lê Thị Huệ, vợ ông Nguyễn Văn Sơn, đương kim Phó Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Mỹ Đức, ông Lê Đình Tuyến (thời điểm đó là phó Bí thư xã). Ngoài ra, Chủ tịch hội nông dân ông Lê Đinh Cư, ông Nguyễn Văn Đức, Kế toán trưởng xã và những người thân cũng có phần.

Về sai phạm trong việc sử dụng đất đai ở Đồng Tâm mà người dân tố cáo, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc để làm rõ việc xây dựng nhà sàn trên đất nông nghiệp. Trước đó, ông Nguyễn Văn Sơn cũng từng “căng giọng” với báo chí về việc dựng ngôi nhà sàn trên thửa đất này rằng “Nhà sàn này tôi mua ở Hòa Bình từ lâu, giá chỉ 50 triệu đồng. Tôi chỉ dựng chứ không xây”.  

Theo đoàn thanh tra của UBND huyện Mỹ Đức, năm 2005, thực hiện dồn điền đổi thửa, UBND xã Đồng Tâm thực hiện dồn ô, đổi thửa. Trong số 12 hộ nộp đơn xin chuyển đổi ruộng đất quỹ đất cơ bản về khu vực xã Đồng Đồn, có đến 11 cán bộ, người nhà của cán bộ thuộc thường vụ xã. 
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp tác xã và UBND xã đã buông lỏng quản lý, tổ chức chia và dồn ruộng thiếu công bằng, giao thừa đất cho 1 số hộ này. Đặc biệt, trong các hộ sử dụng đất tại khu vực Cổng Đồn, giáp với tỉnh lộ 429, có 1 số cán bộ xã đã tự ý xây nhà, chuồng trại trên đất nông nghiệp làm thay đổi hiện trạng. Đây cũng là hậu quả của việc UBND xã đã buông lỏng công tác quản lý đất đai, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời để các hộ vi phạm. 
 
Công trình nhà ông Lê Đình Tuyến đang xây dựng.
Công trình nhà ông Lê Đình Tuyến đang xây dựng.

Dân cũng “trồng” xưởng gạch trên ruộng lúa
Theo tố cáo vi phạm pháp luật đất đai thì ngoài quan chức, người dân cũng có phần không nhỏ. Trong đó, ông Nguyễn Văn Sự, chủ Công ty  TNHH sản xuất vật liệu Huy Toản, đã sử dụng gần một hecta đất trong khu vực đất trồng lúa để xây dựng nhà máy gạch ở thông Đồng Chằm. Qua tìm hiểu của phóng viên về nguồn gốc lô đất này thì được biết, năm 2005, ông Sự có nhận hợp đồng của xã về việc giao khoán, cải tạo, khơi sâu, mở rộng lòng đất đầm Cái với tổng diện tích trong hợp đồng là gần 4 hecta, trong đó có gần 1 hecta  đất nông nghiệp để làm nơi tập kết vật liệu xây dựng.  

Ngày 25/8/2014, UBND huyện Mỹ Đức có văn bản cho phép Công ty  Huy Toản của ông Sự  được xây dựng lò gạch nung trên phần diện tích gần 1 hecta đất lúa hai vụ này. Tuy nhiên, quá trình sử dụng đất ông Sự tự ý mở rộng lò gạch và nhà mái che trên phần diện tích đất gần 2 hecta  liền kề cũng là đất nông nghiệp trồng lúa. Ngày 15/7, huyện đã phạt hành chính công ty này 10 triệu đồng, yêu cầu công ty buộc khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm.

Theo ông Hoàng Mạnh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, việc công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Huy Toản tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trên phần diện tích gần 2 hecta này mà chưa được cơ quan nhà nước thẩm quyền cho phép là vi phạm pháp luật. UBND xã Đồng Tâm đã buông lỏng quản lý đất đai để công ty Huy Toản tự ý xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp là trái quy định pháp luật. 

Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cũng cho biết, việc để cán bộ xã tự ý xây dựng chuồng trại, nhà sàn là do UBND xã Đồng Tâm buông lỏng công tác quản lý đất đai không có biện pháp ngăn chặn kịp thời để các hộ vi phạm. Ông Hoàng Mạnh Sơn yêu cầu xã Đồng Tâm tháo dỡ toàn bộ các công trình, nhà xây dựng trái phép, trả lại hiện trạng đất nông nghiệp, thu hồi toàn bộ diện tích đất trên, xây dựng phương án giao, chia lại đất nông nghiệp cho các hộ theo quy định. 

Ở một địa phương mà cán bộ, đảng viên không gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật đất đai thì người dân vi phạm cũng là điều dễ đoán. Những vi phạm pháp luật này cần phải xử lý nghiêm khắc để vãn hồi tình trạng vi phạm pháp luật đất đai nghiêm trọng tại địa phương này.

Theo Duy Tuấn
Pháp luật Việt Nam