Quá vô lý khi phụ huynh phải nộp tiền học qua app trung gian thanh toán!
(Dân trí) - Mỗi lần nộp tiền học cho con là một lần các bậc phụ huynh "rước" thêm bực bội bởi những khoản phụ phí "trời ơi đất hỡi" phát sinh từ các app trung gian thanh toán.
Như Dân trí phản ánh, thời gian qua, nhiều phụ huynh tại TPHCM bức xúc vì phải nộp học phí cho con qua các ứng dụng (app) trung gian và làm phát sinh thêm phụ phí. Chị Huyền (có con học ở quận Bình Thạnh) cho biết không thể chuyển khoản trực tiếp học phí cho nhà trường mà phải thông qua các app trung gian và mất thêm từ 2.000 đồng đến gần 20.000 đồng tiền phụ phí, tùy từng khoản thanh toán.
Tương tự, anh K. (ở quận 12) cho biết mỗi tháng đều phải đóng tiền học phí cho con qua app và bị thu 7.500 - 15.000 đồng với mỗi giao dịch.
Đó là 2 trường hợp tiêu biểu trong vô số các vị phụ huynh bức xúc vì phải mất thêm tiền học phí cho con. Họ cho rằng con số mỗi lần đóng không quá nhiều, song nếu bị thu theo kiểu "lắt nhắt" nhiều lần như vậy sẽ gây tốn kém, đặc biệt với các gia đình đông con.
Làm phép tính đơn giản, với hơn 1,7 triệu học sinh các cấp tại TPHCM, nếu mỗi lần học sinh nộp học phí mất thêm 2.000 đồng thì tổng số tiền các bậc phụ huynh phải đóng thêm đã lên tới 3,4 tỷ đồng/tháng và 34 tỷ đồng với một năm học kéo dài 10 tháng.
Bình luận dưới bài viết Mất thêm 2.000-20.000 đồng mỗi lần nộp học phí, gộp lại thành tiền tỷ của Dân trí, nhiều người chia sẻ chung cảm nhận bất bình cùng các vị phụ huynh. Cũng có con theo học tại quận Bình Thạnh, độc giả Phan Kim Long viết: "Đúng như chị Huyền nói, con tôi cũng học ở Bình Thạnh. Cứ mỗi lần đóng tiền qua app SSC là bực bội, tiền phí 13.000-19.000 đồng rất vô lý. Mới 1 trường thôi mà bao nhiêu tiền cho cả năm học".
Đồng cảnh ngộ, người dùng có nickname Citizen chia sẻ: "Con tôi học trường cấp 3 ở TPHCM, mỗi lần đóng tiền học phí, bán trú phải qua ứng dụng Z.p và mất phí mười mấy nghìn, 2.000 đồng là còn ít. Mà ngoài ứng dụng Z.p ra, trường không nhận bất kỳ hình thức thanh toán chuyển khoản nào khác trong khi hình thức thanh toán chuyển khoản của ngân hàng thương mại hiện nay không mất phí, hoặc có thì cũng rất ít. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cần có biện pháp phòng chống tiêu cực có thể xảy ra".
"Quá vô lý luôn, tôi nộp tiền học cho con, có khoản có 200.000 đồng thôi mà mất tới 5.000 phí", chị Nguyễn Mai Liên bức xúc.
"Chính sách của Chính Phủ đề ra không tiền mặt là đúng, nhưng Ngân hàng và các app chuyển tiền thì lại lợi dụng mà thu phí. 2.000 và 20.000 đồng không là bao nhiêu với một lần chuyển nhưng với gần 100 triệu dân thì số tiền khủng cỡ nào?", chủ tài khoản Pha Sil Nguyen viết.
"Đa dạng kênh thanh toán cho phụ huynh là rất tốt, rất tiện, nhưng vô lý ở chỗ là mất phí cao hơn. Tại sao phải chuyển tiền vào tài khoản trung gian rồi mới vào tài khoản của nhà trường?", anh Minh Hoàng đặt câu hỏi.
Tương tự, nhiều người cũng bày tỏ thái độ nghi ngờ trước động thái "ép buộc" phụ huynh phải nộp học phí qua trung gian của các nhà trường và đặt nghi vấn về việc có hay không sự móc nối để cùng thu lợi trong trường hợp này.
"Chuyện này đâu có gì lạ. Thời nay người ta kinh doanh giáo dục mà. Môi trường giáo dục là nơi kinh doanh, thu lợi nhuận nhanh nhất, nhiều nhất. Tất cả đều do hiệu trưởng quyết định nên dư luận luôn đặt dấu hỏi có hay không lợi ích nhóm trong đó?", độc giả Trương Thanh Bình nêu quan điểm.
Tiếp lời, chủ tài khoản Hùng viết: "Bây giờ các trường đều coi trọng kinh tế, tìm đủ mọi cách để thu thêm rất nhiều thứ mà chỉ khi vào học mới biết được. Có những trường khá lâu đời, lãnh đạo đời đầu rất tâm huyết với giáo dục, đặt mục tiêu đạo đức, tri thức lên hàng đầu nhưng đến thế hệ sau thì thôi rồi, chỉ có tiền và tiền (như đã nói ở trên, nhiều khoản chỉ khi đang theo học mới biết)".
"Đúng là miếng mồi béo bở! Cần làm rõ về số tiền trung gian này. Nghe thì ít nhưng kỳ thực học sinh cả thành phố thì rất lớn", "Số tiền trung gian đó sẽ đi đâu? Hàng chục tỷ có thể làm được nhiều việc?", "Cần làm rõ các cơ sở giáo dục có ăn chia hoa hồng với các app thu tiền không", "Sao thời này vẫn bị mấy cái phí như vậy nhỉ? Phải điều tra xem phí này đi về đâu, do tổ chức nào thu?"... hàng loạt bình luận thể hiện sự băn khoăn, nghi ngờ được độc giả Dân trí để lại về tính minh bạch trong hoạt động thu chi của các nhà trường.
Hoàng Diệu (tổng hợp)