Bạn đọc viết:
Qua chiếu dời đô nghĩ về hậu duệ vương triều Lý
Trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Điều đó không chỉ là mục đích của Lý Công Uẩn mà còn là ước nguyện của dân Đại Việt lúc bấy giờ.
Chắc chắn một điều, ai cũng thấy, cũng hiểu giản đơn về một triều đại suy vong là bởi hậu duệ của triều đại đó không hành xử đúng theo mong ước của các bậc tiên đế. Và hậu duệ vương triều Lý cũng vậy. Bởi họ theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, [...], khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tốn, muôn vật không được thích nghi.
Sống theo ý riêng mình là không nghe lời trung chính của quần thần, của người có đạo học ; là không hiểu ước vọng của dân chúng muốn có cuộc sống bình an, hạnh phúc ; là không sống với cái khốn khó, cái đau, cái thất tình của dân chúng. Sống như thế thì làm sao có thể nắm vận mệnh quốc gia, dân tộc.
Không những thế, họ còn khinh thường mệnh trời. Ở đây, khinh thường mệnh trời có thể hiểu theo quan niệm hiện nay là duy ý chí, là bảo thủ, là mông muội, là khinh thường quy luật tạo hoá. Bởi đã là quy luật tạo hoá thì không thể không dời đổi. Quy luật ấy khách quan biến dời, đổi thay sao cho phù hợp với lòng người. Chỉ có sự dời đổi theo ý nguyện của dân thì mới có thể trường tồn, bất diệt.
Muốn mưu toan nghiệp lớn, tính kế lâu dài cho con chúa ắt phải có vua tài đức. Nhà Lý đến đời vua Nhân Tông (1072 - 1127) đã đạt đến đỉnh cao của sự thịnh trị.
Có được vận nước lâu dài phồn thịnh vì vua Nhân Tông “là người sáng suốt khôn ngoan, nhân hiền, hiếu nghĩa. Vua nghe lời can ngăn, cầu kẻ hiền tài, ít tạp dịch, thuế khoá nhẹ. Bấy giờ nước lớn phải sợ ; nước nhỏ phải mến, thần giúp người theo, dân thì đông giàu, mình thì thái bình. Thực là ông vua giỏi ở triều Lý” (Phan Huy Chú, “Lịch triều hiến chương loại chí”, bản dịch Nxb Sử học HN, 1960).
Còn đi ngược lại ý dân, khinh thường mệnh trời tất bị diệt vong. Từ đời Anh Tông (1138 – 1175) trở về sau thì chính sự triều Lý dần sút kém.
Đó là bởi vua bất tài nhu nhược, bởi quyền hành nằm trong tay ngoại thích, trong tay bọn mọt nước hại dân, lộng hành tham bạo. Dẫu sau đó có sám hối thì sự đã rồi.
Sử cũ có chép năm 1207, vua Cao Tông thấy giặc cướp nổi lên như ong, bèn hối lại lỗi xưa, nhân đó tự trách mình hèn kém ở tận nơi cửu trùng không biết cảnh khó khăn của dân chúng, nghe lời bọn tiểu nhân mà gây nên oán với kẻ dưới. Nhưng triều Lý vẫn suy vong, bởi sau khi Cao Tông chết, con là Sảm lên thay, hiệu là Huệ Tông, cũng là một ông vua hèn yếu, để cơ đồ phải mất.
Là hậu duệ của vương triều Lý, có kẻ nên, người hư. Việc định đô của Lý Công Uẩn ở Thăng Long tưởng là triều Lý vững bền muôn thuở. Thế nhưng, việc chọn định đô không bằng việc ổn định lòng dân.
Ổn định lòng dân là theo ý dân. Theo ý dân là vâng mệnh trời, thấy thuận tiện thì thay đổi. Lịch sử nước ta từng nhiều lần bỏ Thăng Long khi thế giặc ngoại xâm mạnh, nhưng lòng dân còn thì trước sau gì cũng lấy lại được.
Thuận lòng dân, ý dân thì dẫu không đế đô, không thành trì vẫn cứ vững bền. Không thuận lòng dân, ý dân thì dẫu có xây đô, xây thành vững chắc theo thời gian như Tây đô, Hồ Quý Ly vẫn cứ không giữ được thành, được nước.
Mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngẫm Chiếu dời đô là chiếu nguyện của Lý Thái Tổ, hợp với ý chí tự cường của nhân dân Đại Việt lúc bấy giờ. Có phải chiếu nguyện ấy là khát vọng của dân tộc Việt hôm nay?
Phan Trang Hy
Ghi chú: Những từ ngữ in nghiêng được trích từ Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô) của Lý Công Uẩn, bản dịch của Nguyễn Đức Vân, trong Thơ văn Lý Trần, tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977.