Phút nói thật số 12.2009

(Dân trí) - …Còn GS Hoàng Tuỵ thì cho rằng bản chiến lược giáo dục “chỉ là bản kế hoạch dài hạn được soạn thảo theo lối làm kế hoạch hoá thời bao cấp mà mọi cái đều được áp đặt từ trên xuống, trong khi đó, đáng lý phải làm ngược lại, từ dưới lên...”.

(Bài “Nổi loạn” trong tư duy giáo dục, báo NB&CL số 11 ngày 13-19/3/2009).

Những công trình như thế này được gọi là những công trình “luôn đi... sau thời đại”.

- “Quyết định nhục nhã” và “vô nhân đạo” của Toà án tối cao Mỹ. “Với chín chánh án bác bỏ đề nghị nghe lại mà không hề đưa ra bất cứ lý do gì đó không chỉ là sự sỉ nhục với các nạn nhân, mà rõ ràng quyết định đưa ra của họ là dựa trên lý do chính trị thay vì trên cơ sở luật pháp. Kể từ khi vụ kiện bắt đầu từ năm 2004, hàng trăm nạn nhân đã chết do các bệnh tật liên quan tới chất độc da cam, thực tế hai nhân chứng từng xuất hiện trước toà án ở Mỹ cũng đã chết nhanh chóng sau khi họ trở về VN. Phán quyết của Toà tối cao sẽ làm tức giận gia đình họ và hàng triệu nạn nhân nhiễm độc da cam khác”. (Tổng thư ký Hội Hữu nghị Anh - Việt Len Aldis - Bài Phản ứng quốc tế: “Quyết định nhục nhã”, báo Tuổi trẻ TPHCM, thứ năm ngày 5/3/2009).

Đúng là “một quyết định nhục nhã”!

- “Ông” nhà máy điện PVN cho rằng không thể định giá bán dưới mức giá thành sản xuất ra. Còn “ông” EVN thì “lý luận” rằng, “ông” là người đi mua để kinh doanh, ai lại đi mua giá đắt hơn cả giá bán? Hơn nữa người mua có quyền mua, hoặc không cần mua chứ, ai bắt buộc được? (Đình Lương - bài Gà cùng một mẹ, báo Tài Chính Việt Nam, số 31, thứ 6 ngày 13/3/2009).

Chỉ có một điều cả hai “ông lớn” đều không nhắc đến: Các ông là công ty Nhà nước, sử dụng tiền đóng thuế của dân.

- “Tham nhũng ở Việt Nam khó đánh giá và định lượng. Vì để xác định tham nhũng luôn phải đòi hỏi bằng chứng, nhưng lấy đâu ra? Ông Huỳnh Ngọc Sĩ trong nghi án hối lộ PCI cuối cùng lại bị bắt vì một tội không liên quan đến số tiền 850 nghìn đôla” - Bà Phạm Chi Lan bình luận về kết quả nghiên cứu “Hành chính nhà nước, chống tham nhũng và phát triển kinh tế” do Chương trình phát triển LHQ (UNDP) thực hiện - VNN ngày 13/3 - Bài Còn lợi ích cục bộ, còn tham nhũng.

Ơ, người Nhật họ xử lâu rồi mà chả lẽ cũng... không có bằng chứng?

BĐC