Phú Thọ: Luật sư phân tích vụ án hình sự về kinh tế phải 3 lần ban hành cáo trạng

(Dân trí) - TAND tỉnh Phú Thọ đã quyết định hoãn xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với bị cáo Nguyễn Văn Thuyết. Trước đó, ngày 28/3/2016, Viện KSND tỉnh Phú Thọ đã ban hành cáo trạng (lần 3) truy tố Nguyễn Văn Thuyết. Tuy nhiên, gia đình bị cáo kêu oan trong khi luật sư nhận định rằng có dấu hiệu hình sự hoá quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế trong vụ việc.

Liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gây chấn động tỉnh Phú Thọ bởi xuất phát từ một vụ giao dịch vàng với sô lượng “khủng”, PV Dân trí đã có buổi làm việc với luật sư Đặng Văn Cường, luật sư Nguyễn Công Thành - Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) để nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý.

Đây là vụ án mà cơ quan điều tra bị trả hồ sơ đến 3 lần vẫn để tìm căn cứ buộc tội. Hồ sơ vụ án có tới hơn 600 bút lục, tạm giam bị cáo ngót 2 năm để chứng minh bị cáo Thuyết có thủ đoạn gian dối, nhằm chiếm đoạt tài sản như theo mô tả của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, đến lịch xử, TAND tỉnh Phú Thọ lại quyết định hoãn xét xử.


Luật sư Đặng Văn Cường: Vụ án có dấu hiệu oan sai, cơ quan công tố đã có sự nhầm lẫn trong việc xác định quan hệ pháp luật để dẫn đến vụ án hình sự trên cơ sở đơn đòi nợ của người được cho là “bị hại”.

Luật sư Đặng Văn Cường: Vụ án có dấu hiệu oan sai, cơ quan công tố đã có sự nhầm lẫn trong việc xác định quan hệ pháp luật để dẫn đến vụ án hình sự trên cơ sở đơn đòi nợ của người được cho là “bị hại”.

Luật sư Đặng Văn Cường và luật sư Nguyễn Công Thành bày tỏ quan điểm: “Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, gặp gỡ bị cáo và các nhân chứng thì chúng tôi nhận đinh vụ án có dấu hiệu oan sai, cơ quan công tố đã có sự nhầm lẫn trong việc xác định quan hệ pháp luật để dẫn đến vụ án hình sự trên cơ sở đơn đòi nợ của người được cho là “bị hại”. Việc gia đình bị cáo kêu cứu cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng đã “hình sự hóa” quan hệ dân sự giữa các bên trong vụ án là hoàn toàn có căn cứ. Bản chất của vụ việc này là hợp đồng mua bán hàng hóa đã được ký kết và đang thực hiện, bên mua hàng đã trả một phần tiền, còn thiếu một phần tiền. Nếu các bên có tranh chấp về việc chậm trả tiền thì thẩm quyền thuộc về TAND quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội (nơi bị đơn là công ty của anh Nguyễn Văn Thuyết đóng trụ sở) theo thủ tục tố tụng dân sự chứ không thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra.

Vụ án này, cơ quan điều tra có dấu hiệu vội vàng trong việc khởi tố vụ án này: Sau khi ký kết hợp đồng mua bán vàng giữa hai pháp nhân, Doanh nghiệp Nam Thành đã giao đủ hàng hóa (vàng) cho Công ty Minh Ngọc do anh Thuyết làm chủ, đồng thời anh Thuyết đã thanh toán được 24,5 tỷ đồng, số tiền còn thiếu là 19,5 tỷ đồng. Ngày 20/7/2014 anh Thuyết trả thêm 500.000.000 đồng cho ông Thành thì ngày 21/7 và ngày 22/7 vợ chồng ông Thành bà Băng đã lao đơn tố cáo anh Thuyết lừa đảo để đòi nợ. Đến từ khi nhận đơn của vợ chồng ông Thành (22/7) đến ngày 28/7/2015 (trong vòng 4 ngày làm việc và 2 ngày nghỉ), cơ quan điều tra không triệu tập, tìm hiểu thông tin từ phía anh Thuyết mà lại vội vàng ban hành các quyết định khởi tố, phê chuẩn, bắt người… đồng thời trong ngày hôm đó Viện kiểm sát tỉnh Phú Thọ cũng ban hành một loạt văn bản, quyết định để phê chuẩn quyết định của cơ quan điều tra.

Chính sự vội vàng gần như bỏ qua giai đoạn xác minh tin báo tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự và Thông tư số 06/2013/TTLT (thông thường những vụ việc thế này thì trong thời hạn 2 tháng xác minh, điều tra liên tục cũng chưa chắc đã có đủ căn cứ để trả lời tin báo cho người tố cáo là vụ việc có dấu hiệu tội phạm hay không). Sau 1 tuần, kể từ ngày ông Thành có đơn tố cáo thì anh Thuyết bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt giam (ngày 28/7), đó là ngày đầu tiên anh Thuyết biết về việc mình bị ông Thành, bà Băng tố cáo và lần đầu tiên gặp cán bộ điều tra giải quyết tin báo, tố giác của vụ việc này.

Nếu gian dối trong quan hệ dân sự thì có thể làm giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 132 quy định “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu). Còn thủ đoạn gian dối trong giao dịch dân sự gắn với mục đích chiếm đoạt tài sản thì mới là hành vi lừa đảo theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.

Phú Thọ: Luật sư phân tích vụ án hình sự về kinh tế phải 3 lần ban hành cáo trạng - 2
Phú Thọ: Luật sư phân tích vụ án hình sự về kinh tế phải 3 lần ban hành cáo trạng - 3
Phú Thọ: Luật sư phân tích vụ án hình sự về kinh tế phải 3 lần ban hành cáo trạng - 4

Bản cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Văn Thuyết được VKSND tỉnh Phú Thọ ban hành.

Bản cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Văn Thuyết được VKSND tỉnh Phú Thọ ban hành.

Cơ quan điều tra cho rằng anh Thuyết gian dối vì nói là có tiền mua vàng nhưng thực chất không có để quy kết anh Thuyết có “thủ đoạn gian dối” là chưa đủ cơ sở, bởi mua bán trong dân sự, thương mại là tự do, tự nguyện. Việc mua bán có thể trả chậm, nợ… Nếu thời điểm giao hàng mà bên mua không thanh toán thì bên bán có quyền đòi lại hàng hoặc đình chỉ việc giao hàng (hủy hợp đồng), không bán nữa. Còn nếu bên bán đã đồng ý giao hàng, đồng ý nhận một phần tiền (phần tiền còn lại cho nợ) thì đó là quan hệ dân sự, thương mại đã được xác lập. Khi đó, nếu bên mua không trả tiền theo đúng thời hạn cam kết thì bên bán có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự để đòi nợ. Trong vụ việc này, anh Thuyết trả trước 2 tỷ, sau đó trả nhiều lần được 24,5 tỷ, số tiền còn nợ là 19,5 tỷ đồng và cam kết trả tới năm 2022 (bản cam kết, đối chiếu công nợ có chữ ký của cả hai bên)… Vì vậy, rõ ràng là quan hệ dân sự, quan hệ thương mại chứ không có dấu hiệu lừa đảo.

Điều kiện cần để xử lý về tội lừa đảo là “thủ đoạn gian dối”, còn điều kiện đủ để xử lý về tội danh này là thủ đoạn gian dối phải gắn liền với mục đích “nhằm chiếm đoạt tài sản”, mục đích này phải thể hiện ở hành vi chiếm đoạt. Mà theo từ điển tiếng việt, từ điển luật học thì “chiếm đoạt” là không có ý định trả lại. Tuy nhiên, trong vụ án này anh Thuyết đã trả tiền, là luôn 2 tỷ và trả dần trong vòng 1 tháng được 24,5 tỷ đồng, trước khi bị cơ quan điều tra bắt tạm giam thì anh Thuyết không hề bỏ trốn và vẫn đang trà tiền theo thỏa thuận (chậm trả) bằng văn bản giữa các bên.

Có thể nói rằng, cho đến nay, đã trải qua gần 2 năm điều tra, tạm giam, xây dựng một bộ hồ sơ “khổng lồ” với hơn 600 bút lục… mà cơ quan tiến hành tố tụng vẫn không thể kết tội anh Nguyễn Văn Thuyết vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bởi đây là quan hệ dân sự, thương mại rất rõ ràng. Các luật sư bào chữa cho anh Thuyết đều cho rằng tòa án sẽ chỉ còn một cách là tuyên bố anh Thuyết không phạm tội và trả tự do cho anh Thuyết ngay tại phiên tòa.

Ngoài ra, vụ án này cũng cần làm rõ chức năng kinh doanh vàng miếng của doanh nghiệp Nam Thành và nguồn gốc số vàng này, bởi đến nay trong hồ sơ vụ án chưa có tài liệu nào chứng minh nguồn gốc hợp pháp của 50 lượng vàng mà Doanh nghiệp Nam Thành đem bán cho Công ty Minh Ngọc. Hi vọng phiên tòa xử ngày 31/5 tới đây mọi việc sẽ được làm sáng tỏ và trả lại công bằng, tự do cho anh Thuyết.

Vụ án này không khác gì vụ “Xin Chào” tại Bình Chánh. Việc “hình sự hóa” quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế sẽ ảnh hưởng lớn tới chính sách đầu tư của nước ta, ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội. Vì vậy, vụ án hình sự này cần sớm được kết thúc có hậu theo đúng bản chất của quan hệ pháp luật mà hai bên đã xác lập: Quan hệ pháp luật dân sự, thương mại: Hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai pháp nhân”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm