"Phó đoàn đại biểu Quốc hội can thiệp hoãn thi hành án là không đúng thẩm quyền"

(Dân trí) - "Đoàn Đại biểu Quốc hội không hề có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc chỉ đạo công tác thi hành án, đặc biệt là việc yêu cầu hoãn thi hành án. Nếu có việc Đoàn đại biểu Quốc hội gửi công văn đề nghị cơ quan thi hành án hoãn thi hành án thì đây là một việc làm không đúng thẩm quyền", luật sư Trương Quốc Hòe phân tích.

Như báo Dân trí đã thông tin về việc ông Huỳnh Văn Tiếp - Phó đoàn Đại biểu Quốc hội Cần Thơ ký công văn can thiệp hoãn thi hành án và Chi cục thi hành án dân sự quận Ninh Kiều đã ra Quyết định hoãn thi hàng án trong vòng 4 ngày (Từ ngày 2/10 đến ngày 6/10). Theo đơn khiếu nại của bà Trương Thị Xuân Phượng thì việc hoãn thi hành án này đã dẫn đến việc tài sản của bà Phượng bị hư hao, mất mát có giá trị lên tới hơn 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng).

Liên quan đến vấn đề này PV Dân trí đã làm việc với Luật sư Trương Quốc Hòe - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích sự việc dưới góc độ pháp lý.

Thưa luật sư, pháp luật có quy định Đại biểu Quốc hội có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn  chỉ đạo công tác thi hành án hay không?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Theo quy định tại Điều 43 Luật tổ chức Quốc hội, Điều 1 Quy chế hoạt động của Đại biểu quốc hội và Đoàn đại biểu quốc hội, Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cảc; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.

Phó đoàn đại biểu Quốc hội can thiệp hoãn thi hành án là không đúng thẩm quyền
Công văn đề nghị tạm hoãn cưỡng chế thi hành án trong vòng 48 giờ đồng hồ do ông Huỳnh Văn Tiếp ký. (ảnh: Hoàng Tùng)

Theo quy định tại Điều 48, 49, 50, 53, 54, 55 Luật tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của Đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội thì ĐBQH và Đoàn ĐBQH có quyền hạn: “Quyền trình dự án luật; Quyền chất vấn; Quyền bất khả xâm phạm; Quyền được cung cấp thông tin; Quyền tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp

Như vậy, theo các quy định trên đây thì Đại biểu Quốc hội không có thẩm quyền chỉ đạo công tác thi hành án

Vậy thưa luật sư những ai là người có thẩm quyền chỉ đạo công tác thi hành án?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Theo Điều 173 và Điều 174 Luật Thi hành án dân sự thì  Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có  nhiệm vụ, quyền hạn rất quan trọng là: “Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn và giúp Ủy ban nhân dân chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.”

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự để tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp.

Điều này cũng đã được quy định cụ thể tại Điều 4, 5, 6 Thông tư liên tịch số 14/2011/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC.

Ngoài ra, công tác THADS được tổ chức thực hiện theo ngành dọc từ trung ương đến địa phương. Cơ quan THADS trung ương là Tổng cục THADS trực thuộc Bộ Tư Pháp. Cơ quan THADS địa phương gồm: Cục THADS tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương, Chi cục THADS quận, huyện, cơ quan THADS trung ương chỉ đạo hoạt động THADS đối với các cơ quan THADS địa phương, cơ quan THADS cấp tỉnh chỉ đạo hoạt động THADS đối với cơ quan THADS cấp huyện.

Theo Điều 3, Điều 14 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP thì những người có thẩm quyền trong việc chỉ đạo công tác THADS gồm Ban chỉ đạo THA (ngành ngang) và Thủ trưởng cơ quan THA cấp tỉnh, trung ương (ngành dọc).

Thưa luật sư những trường hợp nào được phép hoãn thi hành án và ai có thẩm quyền ban hành quyết định hoãn thi hành án?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Quyết định hoãn thi hành án chỉ được cơ quan thi hành án ban hành khi có những trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 48 Luật thi hành án dân sự năm 2008.

 “Điều 48. Hoãn thi hành án

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định;

Lu
Luật sư Trương Quốc Hòe: "Phó đoàn đại biểu Quốc hội can thiệp hoãn thi hành án là không đúng thẩm quyền".

b) Người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án. Việc đồng ý hoãn phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của các bên. Trong thời gian hoãn thi hành án do có sự đồng ý của người được thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án;

c) Người phải thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên;

d) Tài sản kê biên có tranh chấp đã được Tòa án thụ lý để giải quyết;

đ) Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 179 của Luật này”.

Khi có những trường hợp trên đây thì, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật thi hành án dân sự Thủ trưởng cơ quan thi hành án là người có thẩm quyền ra Quyết định hoãn thi hành án.

Luật có thể cho bạn đọc biết có Quy chế phối kết hợp trong công việc giữa các cơ quan với nhau hay không? Quy chế độc lập của ngành tư pháp?

Luật sư Trương Quốc Hòe: đến nay vẫn chưa có quy chế cụ thể phối kết hợp trong công việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội và Cơ quan thi hành án.

Trong quy chế làm việc của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định 1685/QĐ-BTP ngày 05/07/2013 và Quy chế làm việc của Tổng Cục thi hành án dân sự ban hành kèm theo quyết định số 328/QĐ-THA ngày 02/03/2010 đu không có quy định cụ thể về quy chế phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội mà chỉ quy định mang tính nguyên tắc là có quan hệ công tác với các cơ quan của Quốc hội và thực hiện theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, các văn bản pháp luật và quy định có liên quan.

Trong Nghị quyết số 08/2002/QH11 về việc ban hành quy chế hoạt động của Đại biểu Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự xem xét và giải quyết về việc tạm hoãn cưỡng chế thi hành án theo Điu 27 như sau:

 Điều 27: Đoàn đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân ở đa phương cung cấp thông tin về những vấn đ mà Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm; xem xét và giải quyết những vấn đ có liên quan đến việc thi hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân hoặc những vấn đ khác liên quan đến đời sống, kinh tế - xã hội của nhân dân đa phương.”

Như vậy, từ những căn cứ trên đây cho thấy rằng Đoàn Đại biểu Quốc hội không hề có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc chỉ đạo công tác thi hành án, đặc biệt là việc yêu cầu hoãn thi hành án. Nếu có việc Đoàn đại biểu Quốc hội gửi công văn đề nghị cơ quan thi hành án hoãn thi hành án thì đây là một việc làm không đúng thẩm quyền.

Xin cảm ơn luật sư!

Anh Thế (thực hiện)