Hà Nội:

Phó Chủ tịch nước chỉ đạo 1 năm, đơn khiếu nại của công dân vẫn bị “ngâm”

(Dân trí) - Về Quyết định kháng nghị bất thường số 750/2011/KN- DS của TAND tối cao, tháng 12/2012, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã có ý kiến chỉ đạo TAND tối cao xem xét đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Cát nhưng đến nay quyền lợi của công dân vẫn chưa được giải quyết.

Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan
Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan
 
Cho rằng Quyết định kháng nghị số 750/2011/KN-DS ngày 22/12/2011 do ông Tống Anh Hào - Phó Chánh án TAND tối cao ký đối với bản án dân sự phúc thẩm số 155/2008/DSPT ngày 22, 24/12/2008 của TAND TP Hà Nội có dấu hiệu bất thường, đe dọa quyền lợi hợp pháp của gia đình, ông Nguyễn Văn Cát, trú tại thôn 8, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội đã gửi đơn lên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan kêu cứu.

Sau khi xem xét hồ sơ và tài liệu liên quan, Văn phòng Chủ tịch nước ban hành văn bản số 1767/VPCTN-PL đề ngày 5/12/2012 gửi TAND tối cao, truyền đạt ý kiến chỉ đạo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan yêu cầu xem xét nội dung đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Cát. Nội dung văn bản số 1767/VPCTN-PL nêu rõ: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước chuyển đến TAND tối cao bản sao đơn của ông Nguyễn Văn Cát, trú tại thôn 8, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội gửi đến Phó Chủ tịch nước, đơn không đề ngày.

Nội dung đơn: Ông Nguyễn Văn Cát khiếu nại Quyết định kháng nghị số 750/2011/KN-DS ngày 22/12/2011 của TAND tối cao, vì cho rằng căn cứ để kháng nghị là không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án. Đồng thời đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xem xét bác Quyết định kháng nghị trên và giữ nguyên Bản án, Quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Văn phòng Chủ tịch nước trân trọng chuyển đến TAND tối cao để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, trả lời đương sự và thông báo cho Văn phòng Chủ tịch nước biết kết quả trước ngày 25/1/2013 để báo cáo Phó Chủ tịch nước”.
 
Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật từ năm 2008
Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật từ năm 2008

Chỉ còn 2 ngày nữa là tròn một năm kể từ khi Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan có ý kiến chỉ đạo, đến nay đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Cát chưa được TAND tối cao xem xét, giải quyết theo tinh thần chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước tại văn bản số 1767/VPCTN-PL ngày 5/12/2012. Đồng nghĩa, những quyền và lợi ích hợp pháp của ông Cát (đã được Chi cục THADS huyện Đan Phương thực thi theo nội dung bản án dân sự phúc thẩm số 155/2008/DSPT) sẽ tiếp tục bị đe dọa, ông Cát cũng chưa nhận được văn bản hồi âm nào của TAND tối cao.

Như thông tin đã đưa, Vụ tranh chấp đất đai ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội xảy ra từ năm 2006, khi ông Nguyễn Văn Cát, trú tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất yêu cầu em trai là Nguyễn Sinh Tập giao lại một phần đất ông Tập đang ở nhờ để ông Cát xây nhà thờ nhưng ông Tập không trả lại và có hành vi đe dọa ông Cát.

Dựa trên những tài liệu thu thập được, vào năm 1966, mẹ ông Cát là cụ Phạm Thị Dậu cho vợ chồng ông Cát sử dụng mảnh đất rộng 480m2 tại xã Hồng Hà ở khu vực ven đê, nằm trước cửa đình. Trên phần đất này, vợ chồng ông Cát làm 3 gian nhà tranh, bếp và công trình phụ. Sau đó HTX cấp thêm cho vợ chồng ông Cát 100m2, nâng tổng số diện tích gia đình ông Cát sử dụng là 580m2. Năm 1972 ông Cát ly hôn với bà Hảo, TAND huyện Đan Phượng đã công nhận sự thỏa thuận: Ông Cát thanh toán cho bà Hảo 100đ giá trị 2 gian bếp, chuồng lợn để ông sở hữu toàn bộ tài sản.

Năm 1980, vợ chồng em trai ông Cát là ông Nguyễn Sinh Tập và bà Phạm Thị Thắng xảy ra mâu thuẫn với cụ Dậu, ông Cát đồng ý để vợ chồng ông Tập ra ở nhờ trên phần đất thuộc quyền sở hữu của ông Cát. Trên phần đất này, ông Tập tự ý xây dựng nhà, dỡ bỏ nhà cũ của ông Cát mà không hỏi ý kiến. Năm 2006, ông Cát yêu cầu em trai giao lại một phần đất để ông xây nhà nhưng ông Tập không đồng ý, buộc ông Cát phải làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Đan Phượng.
 
Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật từ năm 2008
Chi cục THADS huyện Đan Phượng đã có văn bản báo cáo việc thực thi xong bản án vào tháng 4/2009

Trải qua 2 phiên xét xử, tại phiên xử phúc thẩm ngày 22, 24/12/2008, TAND TP Hà Nội tuyên ông Nguyễn Văn Cát là chủ sở hữu hợp pháp 480m2 nằm trong diện tích 817m2 đất ở thửa số 115, tờ bản đồ số 2 lập năm 1996 tại thôn Bá Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Giao ông Cát sử dụng 267m2 đất nằm trong phần diện tích 480m2, buộc ông Tập và bà Thắng trả lại 267m2 cho ông Cát.

Sau khi bản án số 155/2008/DSPT ngày 22, 24/12/2008 có hiệu lực pháp luật, ngày 2/4/2009, Chi cục THADS huyện Đan Phượng đã áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với gia đình ông Nguyễn Sinh Tập và vợ Phạm Thị Thắng để giao lại cho ông Cát sử dụng phần đất 267m2.

Gần 3 năm sau khi bản án số 155/2008/DSPT ngày 22, 24/12/2008 của TAND TP Hà Nội được thực thi. Tháng 3/2012, ông Nguyễn Văn Cát nhận được Quyết định kháng nghị số 750/2011/KN- DS ngày 22/12/2011 do ông Tống Anh Hào - Phó Chánh án TAND tối cao ký đối với bản án dân sự phúc thẩm số 155/2008/DSPT ngày22, 24/12/2008 của Tòa án TP Hà Nội.

Ông Tống Anh Hào đề nghị Tòa Dân sự TAND tối cao xét xử Giám đốc thẩm, hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số 01/2008/DSST ngày 08/08/2008 của TAND huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội để xét xử sơ thẩm lại theo trình tự.

Nhận được Quyết định kháng nghị số 750/2011/KN- DS ngày 22/12/2011, ông Nguyễn Văn Cát không giấu nổi bức xúc, ông Cát đã làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng đề nghị xem xét và hủy bỏ Quyết định kháng nghị số 750/2011/KN- DS. Ông Cát cho rằng TAND tối cao đã xem xét vụ việc thiếu khách quan, xâm hại quyền lợi hợp pháp của công dân, vi phạm nghiêm trọng trình tự tố tụng.

Ông Cát cho rằng việc TAND tối cao nhận định: “Theo biên bản thu thập chứng cứ ngày 22/5/2008 tại phòng Tài nguyên và môi trường huyện Đan Phượng có nội dung: Tại sổ tổng hợp tình hình ruộng đất sai chính sách lập năm 1976 có sao chép từ tờ bản đồ lập năm 1967 và số mục kê năm 1967… thể hiện bà Lê Thị Hảo sử dụng 7 thước đất ở thổ cư, 10 thước đất ở thổ canh, 3 thước đất ở 5%, 10 thước đất sử dụng sai chính sách. Do đó, cần thu thập chứng cứ để xác định bà Hảo đứng tên trong sổ tổng hợp tình hình sai chính sách là chép lại năm 1967 hay là sổ lập năm 1976, bởi lẽ năm 1972, ông Cát và bà Hảo đã ly hôn”. Để từ đó xác định có hay không việc ông Cát kê khai đất năm 1976 là không chính xác.

Trong vụ án này, bà Hảo không có tranh chấp gì, theo nguyên tắc quyền tự định của đương sự, việc thu thập các chứng cứ này không có ý nghĩa với việc giải quyết vụ án. Kế tiếp, hồ sơ vụ án đều thể hiện nguồn gốc diện tích đất tranh chấp và việc xác lập quyền sử dụng đất hợp pháp của ông Cát.
 
Quyết định kháng nghị có nhiều điểm bất thường của Tòa tối cao
Quyết định kháng nghị có nhiều điểm bất thường của Tòa tối cao

Cụ thể, theo sổ tổng hợp tình hình ruộng đất năm 1976 thì chủ sử dụng đất là bà Lê Thị Hảo. Tại bản án ly hôn số 03 ngày 27/3/1972 khẳng định nhà đất trên thuộc quyền quản lý của ông Cát và bà Hảo. Do đã thanh toán 100đ nên ông Cát được hưởng toàn bộ 480m2 tại xã Hồng Hà. Điều này cũng phù hợp với nhận định của TAND tối cao tại Quyết định kháng nghị số 750/2011/KN - DS: “Ông Cát, bà Hảo đã sử dụng đất từ năm 1965 đến năm 1972; năm 1972 đã giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình thì có quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất. Do đó có căn cứ xác định có việc cụ Dậu tặng cho nhà và quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông Cát và việc tặng cho đã hoàn thành”.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Cát cũng cho rằng, trong mọi trường hợp đều không có cơ sở xác định “Nếu có căn cứ xác định vợ chồng ông Tập đã ở trên đất tranh chấp từ năm 1974 đến nay đã sử dụng đất hơn 30 năm (ông Cát khởi kiện ngày 24/5/2006) để bác yêu cầu đòi đất”.

Liên quan đến Quyết định kháng nghị số 750/2011/KN - DS, sau khi nhận được Quyết định của TAND tối cao vào ngày 19/3/2012 (gần 4 tháng sau khi TAND tối cao ra kháng nghị), Chi cục THADS huyện Đan Phượng có văn bản báo cáo số 22/TB/CCTHADS đề ngày 21/3/2012 gửi TAND tối cao, thông báo việc đã thi hành xong bản án phúc thẩm số 155/2008/DSPT ngày 22, 24/12/2008 của TAND TP Hà Nội vào tháng 4/2009 theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, ông Nguyễn Văn Cát khẩn thiết đề nghị ông Chánh án TAND tối cao xem xét lại Quyết định kháng nghị số 750/2011/KN - DS; giữ nguyên nội dung bản án phúc thẩm số 155/2008/DSPT ngày 22, 24/12/2008 của TAND TP Hà Nội.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương