Phiên tòa xét xử Chủ tịch AIC: Quyền bào chữa thực hiện như thế nào?

Thế Hưng

(Dân trí) - Với bị cáo bỏ trốn, bị truy nã và bị xét xử vắng mặt thì trong một số trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng bắt buộc phải chỉ định người bào chữa.

Dự kiến ngày 21/12 tới, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa sơ thẩm vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan, đưa ra xét xử 36 bị cáo.

Trong đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC) và Trần Mạnh Hà (Phó Tổng giám đốc Công ty AIC) bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ".

Phiên tòa xét xử Chủ tịch AIC: Quyền bào chữa thực hiện như thế nào? - 1

Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC.

Độc giả Dân trí thắc mắc, bà Nhàn đang bỏ trốn thì việc xét xử thế nào? quyền bào chữa sẽ được thực hiện ra sao?

Giải đáp thắc mắc trên, TS LS Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng luật Chính Pháp phân tích, cần có văn bản hướng dẫn để làm rõ các trường hợp kết luận điều tra, truy tố vắng mặt đối với bị can đang bị truy nã. Cũng cần ghi nhận và đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo đang bị truy nã trong một số trường hợp (chỉ định người bào chữa), quy định cụ thể về quyền kháng cáo, hiệu lực của bản án đối với trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo.

Quy định về các biện pháp ngăn chặn đối với tài sản, xử lý tài sản của bị cáo đang bị truy nã, quy định về hiệu lực của bản án để phục vụ cho việc dẫn độ tội phạm.

Nếu theo quy định pháp luật hiện nay bị cáo bị xét xử vắng mặt đến khi nhận được bản án thì phần bản án đó mới có hiệu lực pháp luật. Nếu không tống đạt được bản án cho bị cáo thì phần bản án sơ thẩm đó sẽ chưa thể có hiệu lực pháp luật và chưa thể được thực thi.

Phần dân sự trong vụ án hình sự đối với bị cáo đó cũng chưa thể thực hiện được. Đó là điểm vướng cũng cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể để xét xử đối với các bị cáo đặc biệt là đối với các bị cáo thuộc nhóm tội tham nhũng chức vụ trong giai đoạn hiện nay.

Đảm bảo quyền bào chữa với bị can, bị cáo

Một điều đáng chú ý là quyền bào chữa đối với các bị can, bị cáo trong vụ án hình sự trong vụ án này vẫn cần phải được đảm bảo theo quy định của pháp luật. Theo quy định của hiến pháp và pháp luật Việt Nam thì bị can, bị cáo có quyền tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Trong một số trường hợp thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ chỉ định người bào chữa cho bị can, bị cáo.

Quyền tự bào chữa của bị can, bị cáo là một trong những quyền cơ bản bắt đầu từ khi bị buộc tội cho đến khi vụ án hình sự kết thúc. Quyền bào chữa là quyền được đưa ra quan điểm, ý kiến của mình đối với các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, được quyền khai, trình bày ý kiến của mình đối với các vấn đề phải tình tiết của vụ án, được quyền cung cấp chứng cứ, được quyền khiếu nại đối với các quyết định tố tụng.

Về quyền của bị can, tại khoản 2, Điều 60 bộ luật tố tụng hình sự đã có quy định rõ.

Khi "bị can" bị truy nã và có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì sẽ gọi là "bị cáo". Theo đó khoản 2, Điều 61 của bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định rất nhiều quyền của bị can, bị cáo.

Trong đó, mặc dù pháp luật quy định bị can, bị cáo không có nghĩa vụ phải đưa ra chứng cứ để chống lại mình, không có nghĩa vụ buộc phải nhận mình có tội nhưng pháp luật về tố tụng hình sự Việt Nam cũng quy định rất rõ về việc bị can, bị cáo có quyền trình bày, tranh luận tại phiên tòa; có quyền nói lời sau cùng; có quyền đưa ra các ý kiến, yêu cầu, xuất trình cứ, tài liệu, đồ vật để chứng minh mình không phạm tội hoặc chứng minh các yếu tố quyết định đến mức hình phạt...

Nếu bị can, bị cáo bỏ trốn và bị truy nã thì gần như không thực hiện được các quyền mà pháp luật đã ghi nhận trong đó có quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa. Quyền tự bào chữa là phải thực hiện trực tiếp, phải liên hệ trực tiếp đưa ra ý kiến quan điểm, xuất trình tài liệu đồ vật với các cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu bị can, bị cáo bỏ trốn và bị truy nã phải bị xét xử vắng mặt thì không thể thực hiện được quyền này.

Còn đối với quyền nhờ người khác bào chữa thì bị cáo cũng phải thể hiện ý chí của mình với người bào chữa hoặc thông qua người thân để mời người bào chữa. Người bào chữa có thể là luật sư hoặc người khác đủ điều kiện làm người bào chữa theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Nếu không xác định được bị cáo đang ở đâu thì bản thân bị cáo và người thân bị cáo không thể thực hiện được quyền nhờ người khác bào chữa theo quy định pháp luật.

Cử người bào chữa cho các bị can, bị cáo

Pháp luật Việt Nam còn quy định về trường hợp "cử người bào chữa" cho bị can, bị cáo trong một số trường hợp đặc biệt. Với những bị can bị cáo là người chưa thành niên, có nhược điểm về thể chất tinh thần mà không thể tự bào chữa hoặc là người bị xét xử ở khung hình phạt có hình phạt cao nhất mà 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình thì pháp luật quy định bắt buộc phải có người bào chữa. Khi đó nếu bị can, bị cáo hoặc người thân của bị can bị cáo không nhờ người khác bào chữa thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ cử người bào chữa cho bị can, bị cáo và Nhà nước sẽ chi trả thù lao và chi phí cho những người bào chữa này theo quy định của pháp luật.

Theo nội dung cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì rất nhiều bị cáo trong vụ án này bị truy tố ở khung hình phạt có mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Với tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 222 và tội đưa hối lộ theo Điều 364 BLHS thì mức hình phạt cao nhất của các tội danh này là 20 năm tù, các bị can bị truy tố với khung hình phạt này nên thuộc trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa. Với tội nhận hối lộ theo Điều 354 bộ luật hình sự thì mức hình phạt cao nhất của là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Bởi vậy các bị cáo này đều thuộc trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và phải có người bào chữa buộc tại phiên tòa. Nếu quá trình điều tra, truy tố, xét xử các bị can, bị cáo hoặc người thân thích của bị can, bị cáo không nhờ người khác bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng phải cử người bào chữa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị can bị cáo theo quy định của pháp luật.

Chính vì vậy, trong vụ án này đối với các bị cáo đang bị truy nã thì tòa án sẽ cử người bào chữa cho tất cả các bị cáo này để đảm bảo quyền được bào chữa theo quy định tại Điều 61 và Điều 76 bộ luật tố tụng hình sự.