Phiếm đàm về đồng tiền
Sinh thời, mẹ tôi thường nói: “Đồng tiền nó là Đồng chuyền các con ạ”. Tôi hiểu, Mẹ tôi muốn nhắc nhở anh chị em chúng tôi rằng, đồng tiền là thứ không “ở lâu bền” với người ta, nay nằm trên tay người này, mai đã sang túi người khác.
Người có thu nhập thấp, cảm nhận điều này rõ lắm: tiền lĩnh về, chưa kịp “nóng” túi, đã rủ rê nhau sang túi mấy bà bán gạo, bán rau ngoài chợ gần hết! Đồng tiền cũng còn được gọi là “đồng bạc”, một phần vì thế chăng?
Cũng vì cái sự “chuyền tay” nhau như thế, cho nên đồng tiền “rất bẩn”. Có lẽ trên đời này, đồng tiền là thứ bẩn thỉu nhất, bởi nó vương đủ các mùi vị, từ mùi thịt cá tanh tưởi, đến mùi hoa quả “thum thủm” do ế, bị ủng; từ hương thơm thoang thoảng của gánh hàng hoa, đến mùi phấn son hảo hạng của các bậc “phu nhân”, “mệnh phụ”… Nhưng vì nó là “đồng chuyền”, cho nên đồng tiền luôn luôn mang trong mình nó “sự tổng hợp vĩ đại nhất” của tất thảy các mùi vị, không thiếu một thứ gì!
Chính vì đặc điểm này, mà mặc dù quý đồng tiền đến mấy, người ta cũng chỉ mân mê chứ rất ít khi thấy một ai đó đưa nó đặt lên mũi, lên môi để ngửi hay để hôn! Không ngửi, không hôn vì nó rất bẩn; nhưng bẩn đến mấy người ta vẫn phải trân trọng đồng tiền. Ví dụ: khi “bề dưới” muốn biếu tặng ai tiền, người đó phải cho nó vào phong bì, đưa bằng hai tay (thậm chí còn phải cung kính “DÂNG” lên). Ngược lại, khi được “bề trên” ban tặng thì bề dưới phải đưa cả hai bàn tay ra đón nhận, đồng thời cất tiếng “xin cảm ơn” (thêm chữ “ạ” nữa thì càng tốt).
Đồng tiền bẩn, nên nó chứa rất nhiều vi trùng; chứa nhiều vi trùng nên nó cũng là nguồn lây đủ mọi thứ bệnh. Lây bệnh mặc lây bệnh, chả ai dại đến mức đem vứt nó đi như vứt một tờ giấy lộn. Tờ giấy lộn, đôi khi chỉ bị nhàu nát, chứ chưa giây bẩn, rơi giữa đường, chẳng mấy ai nhặt lên, dù chỉ để ném nó vào đúng vị trí dành cho nó - cái thùng rác để chứng tỏ mình là một người sống có văn hóa! Nhưng một đồng tiền bẩn, có nằm cạnh rãnh nước thối, ai trông thấy cũng sáng mắt lên, rồi nhìn trước nhìn sau, nhặt vội, để bỏ ngay vào túi áo hoặc túi quần (của mình!), nơi nó được đăng kí chính thức quyền tự do cư ngụ. Cũng là cách thể hiện mình rất biết giá trị của đồng tiền vậy!
Tiền bẩn thì rửa. Rửa tiền “cành cạch” liệu có sợ rỉ không? - Không sợ, Ngân hàng đã nói thế mà; còn việc một số đồng tiền kim loại không may bị mất màu là do bị ẩm chứ không phải do rửa; tức là do khâu bảo quản chưa làm đúng quy trình công nghệ. Còn tiền giấy pô-ly-me thì sao? Pô-ly-me càng rửa tốt! Các vị còn nhớ không? Nguyên thống đốc Ngân hàng đã từng trực tiếp rửa thử bằng nước xà phòng hẳn hoi, có sao đâu?!. Còn gần đây có một ít tờ bị biến màu, thì Ngân hàng sẵn sàng đổi, đó chỉ là chuyện hi hữu, bất khả kháng, bà con đừng hoang mang!
Nhưng có thứ tiền không bẩn, thậm chí còn “nguyên đai nguyên kiện”, thơm phức mùi mực in; mà người ta vẫn đem đi… rửa. Sự rửa như thế không được khen mà lại gọi là một thứ… “TỆ”, vâng ”TỆ RỬA TIỀN”! Nghe nói gần đây, Nhà nước ta cũng mới thành lập Ban chỉ đạo phòng chống nạn này! Quốc tế người ta làm cái công việc chống này từ lâu lắm rồi. Bây giờ chúng ta mới làm, nhưng cũng trên tinh thần “phòng” là chính, chứ không phải “chống” là chính. Phòng tốt sẽ chống tốt. Phòng hiệu quả, tốt bằng mấy chống qua loa. Đương nhiên!
Tuy nhiên có điều này, Mẹ tôi không dạy. Không dạy có lẽ vì Người không muốn con cái mình hư hỏng do lạm dụng vị thế của đồng tiền, làm dơ bẩn sự cao quý sạch sẽ vốn có của nó? Ấy là Đồng tiền cũng có sự KHÔN, DẠI! Bà con ta vẫn thường nhắc nhau: “Đồng tiền ĐI trước là đồng tiền KHÔN” là gì? Tiền đi đâu mà được gọi là khôn vậy? Thời nào chứ thời buổi này, có lẽ ngay đến trẻ con nước mình cũng cảm nhận được điều đó. Xin không bàn thêm. Có điều, dân gian đã dự báo cái này từ rất sớm: Ai từng sống trong thời “bao cấp”, hẳn đều biết bài vè dưới đây:
“Đồng tiền là Tiên là Phật
Là sức bật của lò xò
Là thước đo lòng người
Là tiếng cười của tuổi trẻ
Là sức khỏe của người già
Là đà của danh vọng
Là cái lọng che thân
Là cán cân công lý
Đồng tiền thật hết ý!”
Bài vè nói khí hơi quá chỉ ở chỗ ví nó với Tiên với Phật, chứ còn các cái khác, thảy đều… đúng! Bây giờ đi đâu, làm gì mà có sự đưa đường chỉ lối của đồng tiền (nhất là tiền ngoại), thì khó mấy cũng dễ vượt qua. Có Tiền, mua gì cũng được, ai chưa tin thì hãy chép vào sổ tay câu này: “cái gì không mua được bằng tiền, thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”.
Sống đã vậy, chết thì sao? Có người nói, khi “hai tay buông xuôi”, đồng tiền chả có nghĩa gì nữa cả. Nói thế là “xạo”. Chết không kịp mang, nhưng chết rồi thì vẫn cần. Ngay lúc vừa “ngậm hàm”, người trong gia đình đã phải nghĩ ngay đến việc bỏ vào cái miệng vô hồn ấy một chút vẩy vàng. Rồi trên dọc đường tiễn đưa người quá cố, nhất là khi qua cầu, lại phải rải tiền xuống đường, xuống sông, cả tiền thật lẫn tiền âm phủ.. Đó là tiền “làm luật” đối với bọn ma quỷ cản đường. “Trần sao âm vậy mà”! Ngoài ra, thử hỏi có nhà nào ngày giỗ, ngày Tết không mua tiền, vàng đốt cúng cho người chết. Vậy người chết không cần tiền là cái gì? Hiển nhiên là cần quá đi rồi còn gì!
Vâng! Thế đấy, đồng tiền là “đồng chuyền”, rất bẩn, rất có nguy cơ truyền bệnh. Nhưng nó là một thứ thiêng liêng và quý giá vô cùng. Sống là phải lo kiếm tiền, kiếm bằng mọi giá, kiếm càng nhiều càng tốt. Kiếm đến đâu, cất ngay vào ví, vào két hoặc gửi ra ngân hàng các nước trung lập. Nếu trót để bẩn quá, hoặc nghi… bẩn, phải RỬA ngay. Rửa kín đáo, chớ để Ban phòng chống rửa tiền phát hiện! Còn khi chết? Yên tâm, đã có con cháu lo!... Tuy nhiên cũng cần nhắc điều này: đồng tiền là rất BẠC đấy. Không “kín đáo”, không có “thế lực”, dễ bị nó đưa tay vào còng, có ngày!
Trần Huy Thuận
(Nam Định)
LTS Dân trí - Gọi là “phiếm đàm” về đồng tiền hay “bình luận” châm biếm về “mặt trái” đồng tiền có lẽ cũng đều đúng với chủ đề của bài viết trên đây.
Nói cho khách quan và công bằng, đồng tiền nào do mồ hôi, nước mắt, do tài năng và công sức lao động làm ra đều rất sạch sẽ và đáng trân trọng. Còn những đồng tiền do lường gạt và chiếm đoạt - dưới nhiều hình thức - mà có thì dù có mới cứng, nguyên đai nguyên kiện, vẫn là những đồng bẩn thỉu (ít ra là dưới con mắt của người lương thiện).
Đồng tiền thật ra chỉ là phương tiện dùng để trao đổi, mua bán. Nó sinh ra cũng giống như con người - “vốn bản thiện” - Còn sạch hay bẩn về sau này là do con người sử dụng nó. Cho nên “phiếm đàm” về đồng tiền chính là “phiếm đàm” về chính con người sử dụng nó.