Phí vệ sinh thu đều mỗi tháng, tại sao lại nợ lương công nhân môi trường?
(Dân trí) - Ai cũng thắc mắc, gia đình mình đóng tiền phí vệ sinh môi trường đều đặn hàng quý, không hiểu tại sao tiền lương công nhân môi trường bị nợ. Vậy tiền phí vệ sinh môi trường đó đi đâu, về đâu?
Gần một tháng nay, vụ việc hơn 200 công nhân môi trường của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân (nay là Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội, trụ sở tại quận Hà Đông, Hà Nội) bị nợ lương nửa năm, luôn nhận được sự quan tâm theo dõi của độc giả.
Theo những công nhân này cho biết, thu nhập của họ chỉ khoảng 4 đến 5 triệu đồng/tháng, có những người đã bị nợ từ 20-40 triệu đồng. Công việc vất vả, hít thở đủ các loại mùi xú uế trên đời... cũng chỉ mong mỗi tháng nhận được tiền công để lo toan cuộc sống.
Chưa kể đến những tai nạn nghề nghiệp có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi thu gom rác đến từ nhiều mối nguy hại như an toàn giao thông, đứt tay, chảy máu khi thu gom rác gặp phải những vật thể sắc nhọn. Nhiều người phải tranh thủ nhặt nhạnh ve chai để bán kiếm thêm chút thu nhập mỗi ngày. Không nhận được lương mỗi tháng, nhiều công nhân rơi vào cảnh cùng quẫn phải đi vay nợ khắp nơi để có tiền đóng học cho con và trang trải cuộc sống suốt thời gian dài vừa qua.
Rất nhiều độc giả quan tâm theo dõi vụ việc, thậm chí họ còn đứng lên kêu gọi được một số tiền không nhỏ từ những tấm lòng hảo tâm để ủng hộ cho những công nhân môi trường không may bị nợ lương. Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là "Tại sao nhà tôi tháng nào cũng đóng tiền vệ sinh môi trường đều đặn mà những công nhân môi trường này lại bị nợ lương gần một năm trời nay?".
Độc giả có Nickname Doxuantuan đặt câu hỏi: "Tiền vệ sinh môi trường nhân dân vẫn đóng đều hàng tháng thì tại sao công nhân không được trả lương? Nợ đến nửa năm thì gia đình người ta sống bằng cái gì?".
Cùng quan điểm này, độc giả Lê Thị Mai bình luận: "Tôi không hiểu tại sao gia đình tôi tháng nào cũng đóng tiền rác nghiêm chỉnh đúng ngày mà những công nhân vệ sinh này lại không nhận được lương? Tại sao có nghịch lý này? Đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ để mang lại công bằng cho người lao động".
Độc giả tên Minh bày tỏ: "Tiền rác vẫn thu đều, người dân ai dám nợ tiền vệ sinh, môi trường, sao công ty lại nợ lương công nhân thế. Đề nghị điều tra thật rõ, vi phạm phải bị xử lý nghiêm, công nhân vệ sinh môi trường ngày nào cũng nai lưng đi dọn rác, có phải ăn xin đâu mà quỵt lương người ta".
Độc giả Nhung Trần bức xúc: "Nhân viên thu gom rác, nhân viên môi trường là công việc vất vả. Dù vì bất cứ lý do gì thì doanh nghiệp không được nợ lương nhân viên trong thời gian dài như thế. Rất mong cơ quan ban ngành vào cuộc và bảo vệ quyền lợi của người lao động".
Độc giả có Nickname Aipha nhận xét: "Công nhân vệ sinh là người lao động nghèo khó nhất trong các nghề mưu sinh, họ trực tiếp thu dọn rác thải và thường tiếp xúc hít thở không khí đặc quánh rác các loại, nghèo khổ đeo bám triền miên ngày này qua ngày khác, họ chỉ mong nhận lương mỗi tháng để còn sống. Đâu phải chỉ có mình họ, phía sau họ còn là gia đình, con cái nữa. Lương về tháng nào là xào tháng đó, chắc gì đã tích cóp được đồng nào, nay công ty nợ lương, họ đã khổ còn thêm khổ".
Độc giả Hùng Võ: "Thương các anh chị quá, cái nghề vất vả, làm đẹp cho xã hội, nhưng lương lại thấp rồi còn bị nợ lương nữa thì đúng là... cạn lời. Gia đình tôi luôn nộp đầy đủ phí thu gom rác. Đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra kỹ và xử lý thấu đáo cho các anh chị em. Thật bức xúc!".
Độc giả Nam Nguyễn nêu ý kiến: "Nợ một năm lương mà giờ mới kiến nghị, sức chịu đựng của anh chị em công nhân công ty thật đáng nể. Cần có văn bản pháp luật cụ thể về các công ty nợ lương, bùng lương công nhân. Trong thời Covid-19 không nói vì khó khăn nhưng kể cả thời chưa Covid-19 thì cũng rất nhiều công ty nợ lương công nhân, thành thói quen xấu của doanh nghiệp".
Độc giả có tên Thảo cho rằng: "Theo tôi vệ sinh môi trường phải là Doanh nghiệp Công ích do Nhà nước quản lý và trả lương, không để các doanh nghiệp tư nhân hay Công ty cổ phần làm sẽ không bảo đảm quyền lợi người lao động và không bảo đảm vệ sinh môi trường cho xã hội được. Gần một năm, công nhân môi trường làm quần quật ra thế mà không có lương thì không biết họ sống bằng gì để tồn tại chứ đừng nói đến phải đi làm hàng ngày trong điều kiện độc hại".