Phạt giáo viên như vậy có nên không?

Báo Dân trí ngày 22/9/2008 dẫn lời ông Trần Bá Giao, Phó Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết: Năm học 2008-2009, Bộ GD-ĐT có quy định “những giáo viên nào vi phạm dạy không đủ số tiết hoặc nội dung kiến thức (tính quy thành số tiết) sẽ bị phạt.

Vi phạm từ 5 đến 10 tiết sẽ phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng; phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với vi phạm từ 21 tiết học trở lên một lớp trong một năm học”. Và “sẽ phạt tiền đối với hành vi giảng dạy hoặc phổ biến những nội dung không có trong chương trình, sách giáo khoa, giáo trình đã quy định nhằm mục đích xuyên tạc nội dung giáo dục”.

 

Thông thường, đối với cán bộ công chức có thành tích sẽ được khen thưởng, và có những sai phạm sẽ bị xử lý kỉ luật. Việc Bộ GD-ĐT bổ sung hình thức phạt tiền đối với các hành vi GV “dạy thiếu giờ” và “xuyên tạc nội dung giáo dục” chứng tỏ rằng đây là hai biểu hiện phổ biến, hoặc có tác hại nghiêm trọng mà những hình thức kỉ luật “truyền thống” khác không đủ sức ngăn chặn. Như vậy, lại thêm một tín hiệu không hay cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, thực tiễn giáo dục cho thấy không hẳn như vậy.         

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Đối với hành vi GV “dạy thiếu giờ” theo chúng tôi hầu như không xẩy ra đối với giáo dục phổ thông và giáo dục theo hình thức chính quy tập trung, nếu có cũng không đáng kể. Bởi vì, giáo viên lên lớp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, của tổ chuyên môn (khoa), theo thời khóa biểu rất cụ thể và được theo dõi rất chặt chẽ.     

 

Nếu có những lí do cá nhân hay lí do khách quan khác (ví dụ thiên tai), GV phải nhờ người dạy thay hoặc có kế hoạch tổ chức dạy bù. Vì vậy, nếu như có thiếu một số tiết, ban giám hiệu và khoa, tổ chuyên môn đã nắm rất rõ và sẽ có kế hoạch để GV dạy thay, dạy bù. Vì vậy khả năng để cho GV dạy thiếu từ 5 tiết đến 21 tiết là không thể xẩy ra, mà nếu có, thì ban giám hiệu, tổ chuyên môn (hay khoa) phải chịu trách nhiệm đầu tiên.       

 

Còn việc GV dạy thiếu nội dung để quy thành tiết thì hầu như không thể kiểm soát được bằng các biện pháp hành chính. Nếu muốn có bằng chứng về sự vi phạm này thì cơ quan quản lý giáo dục phải quay camera hay ghi âm tất cả giờ dạy của GV đó, rồi để cho tổ chuyên môn hay tổ bộ môn của khoa xem xét, đánh giá tỷ lệ “thiếu hụt” kiến thức là bao nhiêu % so với chương trình quy định. Việc này trong thực tế hầu như không thể thực hiện được.                                                   

 

Việc GV dạy thiếu giờ với số lượng lớn nếu có chỉ có thể xẩy ra ở các lớp thuộc loại hình không chính quy do điều kiện tổ chức, quản lý lỏng lẻo hơn, với các GV thỉnh giảng phải “chạy sô” nhiều lớp. Đối với các lớp học này, cần phải siết chặt khâu quản lý, chú trọng các biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục.                                                                                           

 

Mặt khác, việc buộc GV phải dạy đủ 100% kiến thức theo chương trình một cách máy móc liệu có mâu thuẫn với chủ trương đổi mới phương pháp dạy học? Việc GV tùy tiện cắt xén chương trình là không thể chấp nhận, song GV cũng cần có một sự chủ động nhất định đối với nội dung giảng dạy: có phần có thể dạy lướt qua, có phần dạy kĩ, có phần có thể hướng dẫn học sinh, sinh viên (HS, SV) tự học, tự nghiên cứu…    

 

Việc tìm bằng chứng để xử phạt hành vi GV “xuyên tạc nội dung giáo dục” cũng hết sức khó khăn. Hiện tượng này nếu có cũng rất cá biệt, và nếu như GV biết bị “để ý” thì rất khó tìm được bằng chứng. Việc đánh giá biểu hiện “xuyên tạc nội dung giáo dục” cũng chưa có một quy chuẩn nào, hầu như dựa vào cảm tính là chính. Câu hỏi: Thế nào là hành vi “xuyên tạc nội dung giáo dục” vẫn chưa có một câu trả lời cụ thể, chính xác. Trong một số trường hợp, cảm thấy GV đã “đi chệch khỏi quỹ đạo”, chỉ cần một ý kiến góp ý của HS, SV hay một lời nhắc nhở của tổ, của khoa, của ban giám hiệu cũng đã khắc phục được, không cần phải dùng các biện pháp hành chính. Và có lẽ không có GV nào lợi dụng bục giảng để thực hiện những mục đích không trong sáng. Quan trọng nhất là ý thức tự giác, sự tỉnh táo và cái tâm của nhà giáo.    

 

Nhân đây, chúng tôi nhận thấy việc một số GV có những câu nói thiếu chuẩn xác trong một vài giờ học không nguy hại bằng rất nhiều hành vi cụ thể của các trường, của các GV ở ngoài đời đang từng ngày từng giờ xói mòn nguyên lý giáo dục, phải chăng cũng là một biểu hiện “xuyên tạc nội dung giáo dục”?                                 

 

Ví dụ hành vi “lạm thu, loạn thu” của các trường vừa là sự vi phạm Luật giáo dục( luật pháp), vừa trái với nguyên lý nhân văn, vì HS của nhà trường XHCN (đạo lý). Hành vi này đang diễn ra rất phổ biến, khiến cho mục tiêu giáo dục đạo đức, ý thức tôn trọng luật pháp trong nhà trường bị phương hại nghiêm trọng. Rồi biết bao hành vi khác đang làm xấu đi hình ảnh người thầy, khiến cho HS không còn niềm tin vào sự trung thực, vào lẽ công bằng và những điều tốt đẹp ở đời: bạo lực, trù dập HS; cho điểm, nâng điểm khống; lập các lớp chọn trong trường bình thường khi Bộ GD-ĐT đã cấm; bao che, dung túng cho GV và các HS vi phạm kỉ luật; chạy điểm, chạy trường, chạy lớp; thiếu chăm lo cho HS (không có nước uống, không có nhà vệ sinh…); bệnh thành tích, hình thức nặng nề…                                                                  

Có người cho rằng, chỉ cần nhìn vào nhà vệ sinh trường học, đủ biết trường ấy đã “vì HS thân yêu” như thế nào. Tất cả đang từng ngày từng giờ làm cho nguyên lý giáo dục bị “chệch quỹ đạo”, có thể khép vào hành vi “xuyên tạc nội dung  giáo dục” hay “cố ý làm trái nguyên lý giáo dục” được chăng?                 

 

Có không ít GV và giảng viên môn Triết học Mác-Lê nin, GDCD nhưng lại có tâm lý mê tín dị đoan, tin theo những điều như “gọi hồn”, cầu cúng, bói toán, giải hạn, trừ tà, “ma báo oán”…Điều ấy là vô cùng nguy hại, bởi nếu GV làm theo “niềm tin” ấy thì dù khi lên lớp có dạy chính xác theo sách vở bao nhiêu cũng không có sức thuyết phục.                               

 

Đối với người phương Đông và đối với HS Việt Nam nói riêng, một hành động, việc làm trong thực tiễn của thầy cô, của những người có địa vị trong xã hội… có giá trị hơn hàng trăm hàng ngàn lời giáo huấn. Nhân đây, chúng tôi kính đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu phát động một phong trào chống mê tín dị đoan sâu rộng trong ngành giáo dục.                                                                                          

 

Để hạn chế dẫn đến chấm dứt hiện tượng GV dạy thiếu giờ và xuyên tạc nội dung giáo dục, thiết nghĩ Bộ GD-ĐT không cần thiết phải đề ra quy định hình thức phạt tiền đối với những vi phạm này. Bởi vì những hình thức xử lí, kỉ luật đã có cũng đã đủ sức ngăn chặn, răn đe: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, buộc thôi việc. Vấn đề là cần phải đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục (ví dụ nếu GV có những vi phạm nghiêm trọng như dạy thiếu nhiều giờ, xuyên tạc nội dung giáo dục thì cán bộ quản lý phải liên đới chịu trách nhiệm, cũng phải bị xử lý, thậm chí là mức độ nặng hơn); đồng thời có những giải pháp để phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện vi phạm trong công tác giảng dạy của GV.                                                                                                                       

 

Ví dụ: đẩy mạnh cuộc vận động “Mỗi nhà giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, tăng cường vai trò của khoa, tổ chuyên môn, tăng cường công tác thao giảng, dự giờ, thanh tra, phát huy dân chủ trong HS, SV, quan tâm đến đời sống, tâm tư nguyện vọng của GV, chú trọng kênh thông tin phản hồi từ HS, SV về GV để kịp thời có biện pháp giải quyết…  

 

Nếu như tinh thần dân chủ trong HS, SV được phát huy, được các trường thực sự coi trọng thì tiêu cực trong hoat động giảng dạy của GV sẽ được giảm thiểu rất nhiều. Trước đây, có một số trường lấy tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đào tạo HS, SV làm một tiêu chí để đánh giá năng lực công tác của GV nhưng rồi vì chưa có sự thống nhất cao nên chưa được triển khai rộng rãi.                  

 

Chúng tôi cho rằng đây là một biện pháp rất tốt để đánh giá GV, buộc GV phải nỗ lực trong công việc, phải có trách nhiệm với “sản phẩm” của mình. Vấn đề là cần xây dựng được những tiêu chí cụ thể, phù hợp với từng đối tượng và khi áp dụng cũng cần phải có một sự uyển chuyển, tránh cứng nhắc, cực đoan.

 

Các quy định của Bộ GD-ĐT cần dựa trên thực tiễn giáo dục để có tính khả thi cao, thực sự tác động tích cực đến hoạt động giáo dục, không nên ra những quy định “chưa chín” rồi để đấy “làm kỷ niệm”.         

 

Trọng Nghĩa

 

LTS Dân trí - Việc củng cố nền nếp, kỷ cương nói chung của nhà trường và trong công tác giảng dạy nói riêng là rất cần thiết, nhưng dùng hình thức phạt tiền làm biện pháp răn đe giáo viên dạy thiếu giờ hoặc dạy không đúng nội dung quy định (xuyên tạc nội dung) thì không nên.

 

Muốn khắc phục từ gốc tình trạng đó, đìều quan trọng là nâng cao ý thức trách nhiệm của giáo viên đi đôi với việc tăng cường công tác tổ chức, quản lý của nhà trường, của tổ bộ môn và đề cao vai trò của người quản lý.

 

Theo truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta, chúng ta không nên dùng hình thức phạt tiền đối với người thầy. Ngay đối đối với học sinh mắc khuyết điểm, chúng ta còn phải cân nhắc dùng hình thức kỷ luật nào cho phù hợp, không trái với đạo lý và nguyên lý giáo dục, huống chi với người thầy, càng cần thận trọng hơn.