Bài 7:
Phận đời cay đắng, lay lắt của người phụ nữ dành cả tuổi thanh xuân đi đòi đất!
(Dân trí) - Dưới cái nắng gắt của Sài Gòn, bà Phượng lầm lũi bước đi bán vé số, ngày may mắn dư được vài đồng, khi trời mưa gió không đủ 2 bữa no. Người phụ nữ hơn 40 năm đi đòi đất đang cố mưu sinh, gắng gượng chờ đến ngày tìm lại được “mét đất chôn thân”.
Như Báo Dân trí đã phản ánh, trước giải phóng, gia đình bà Lê Thị Hồng Phượng (63 tuổi, ngụ TPHCM) sở hữu 16.000 m2 đất tại Bình Trị Đông, Bình Chánh. Do nằm ở vị trí đắc địa nên nằm 1974, gia đình bà san lấp mặt bằng, xây dựng hàng rào để chuẩn bị xây dựng dự án Khu thương xá. Đến ngày 30/4/1975 Sài Gòn được giải phóng, phần đất này được chính quyền mới tạm giữ nhưng không ra văn bản tịch thu hoặc cải tạo hoặc trưng thu sử dụng. Sau khi đất nước ổn định, từ năm 1978 gia đình bà Phượng liên tục khiếu nại đòi lại phần đất trên nhưng vụ việc này đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.
Chứng kiến cuộc sống lay lắt hiện tại của bà Phượng khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng. 5h sáng mỗi ngày, bà Phượng bắt đầu rong ruổi khắp các ngõ hẻm từ quận 8 qua quận Bình Tân để bán vé số. Bà đi khi trời mờ sáng và trở về căn phòng trọ nhỏ ẩm ướt khi trời đã khuya. Hơn 40 năm qua, không hang cùng ngõ hẻm nào của quận 8 và Bình Tân thiếu dấu chân bà. Ngày nào may mắn thì bà kiếm được 200.000 đồng, khi trời mưa gió bà chỉ bán được vài tờ đủ để mua mấy ổ bánh mì ăn qua bữa.
“Bao nhiêu năm qua tôi cơ cực làm đủ nghề, từ phụ hồ, ve chai, làm giúp việc nhà và giờ là bán vé số. Miễn có thể kiếm được tiền nuôi sống bản thân và dành dụm làm lộ phí đi khiếu nại ở các cấp mong lấy lại được phần đất của gia đình. Bao nhiêu năm qua, hàng trăm lá đơn tôi gửi đến các cấp lãnh đạo nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”, bà Phượng nghẹn ngào.
Bà Phượng cay đắng kể: "Hơn 40 năm qua, không có nỗi khổ nào tôi chưa từng trải qua. Mỗi ngày, dù ở trọ xa nơi đất của gia đình bị chiếm giữ nhưng tôi cũng cố gắng đi bộ đến đó để ngắm nhìn mảnh đất của gia đình. Mỗi ngày nhìn thấy những người chiếm đất của tôi sinh sống, làm ăn và giàu có trên đó tim thắt nghẹn. Tôi đau đớn và bất lực vì không thể giữ lại được miếng đất gia đình để lại. Tôi đang cố mưu sinh, gắng gượng chờ đến ngày tìm lại được mét đất chôn thân”.
Ở tuổi 63 nhưng tài sản bà Phượng còn lại chỉ vài ba bộ đồ cũ kỹ, có những ngày bệnh tật không đi làm được bà đành nằm nhà chịu đựng từng cơn đau dày vò. Nhiều khi đói lả rồi ngủ đi tưởng như bà đã không còn thể gượng dậy.
“Mẹ tôi trước khi mất vẫn còn di nguyện căn dặn phải cố gắng đòi lại phần đất của gia tộc. Chồng tôi mất trên tay vẫn cầm công văn của Văn phòng Thủ tướng Chính phủ yêu cầu vào cuộc tìm hiểu oan ức của gia đình tôi. Đau đớn nhất là khi ông ấy qua đời không có chỗ làm lễ tang vì chủ nhà không đồng ý. Tôi phải chạy vạy khắp nơi mới có người mượn chỗ để lo hậu sự cho chồng. Những nỗi đau của tôi có mấy ai hiểu", bà Phượng nói trong nước mắt.
Đầu tháng 8 vừa qua, sau khi nghe thông tin một gia đình thuê lại căn nhà nằm trong diện tích đất của gia đình, bà Phượng đến xin làm giúp việc để trang trải kinh phí cuộc sống. Bà cũng mong muốn được sống ở trên mảnh đất của mình để đỡ day dứt dù có phải làm gì đi chăng nữa. Tuy vậy, khi biết bà Phượng có mặt tại đây, chủ nhà đã tự hủy hợp đồng đối với người thuê nhà (nơi bà Phượng xin làm giúp việc). Lần thứ 3 trong cuộc đời bà bị đẩy ra đường từ chính mảnh đất của gia đình.
Khi nhắc đến cuộc sống hiện tại, bà Phượng chua chát nói: "Tôi giờ già rồi, bệnh tật liên miên mà tiền thì không có để mua thuốc. Đau nhức khắp người, huyết áp lên xuống liên tục. Nhiều người nói tôi cứ sống thế này thì có ngày đột quỵ chết lúc nào không hay. Tôi chấp nhận hết. Nếu không đòi được mảnh đất của gia đình theo di nguyện của mẹ, của chồng thì tôi sống cũng không còn ý nghĩa nữa. Nếu không đòi được 16.000m2 đất của gia đình thì tôi chỉ xin 2m đất làm chỗ chôn thân”.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 12/7, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp đã trực tiếp có buổi làm việc với bà Phượng, ông Điệp khẳng định, TTCP sẽ quyết liệt xử lý sự việc và không ngại va chạm để giải quyết khiếu nại cho người dân. Theo ông Điệp, nguyên nhân dẫn đến sự việc kéo dài hơn 40 năm qua có lỗi chủ quan và khách quan. Nhiều sự việc còn thiếu sự đồng bộ giữa các ban ngành. Tuy vậy, TTCP sẽ đôn đốc xử lý nhanh hơn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhằm giải quyết bức xúc cho gia đình bà Phượng.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Xuân Hinh - Trung Kiên