Nghệ An:
Nuôi bò sữa “án ngữ” trong khu dân cư, cả xóm kêu trời vì ô nhiễm
(Dân trí) - Mặc dù chính quyền đã yêu cầu di dời nhưng đến nay các hộ chăn nuôi bò sữa vẫn "án ngữ" trong khu dân cư khiến môi trường, nguồn nước sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Người dân sống trong sợ hãi vì môi trường, nước sinh hoạt... bị ô nhiễm
Theo đơn thư phản ánh của một số hộ gia đình ở thôn 3, xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết, vào năm 2011, Hợp tác xã (HTX) bò sữa xã Quỳnh Thắng được thành lập tại khu dân cư xóm 7, Tiến Thành (nay là thôn 3, xã Quỳnh Thắng). Tuy nhiên việc chăn nuôi bò sữa đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương.
"Nhà ở của họ nằm gần vườn cỏ (vườn trồng cỏ dùng để cung cấp lương thực cho bò sữa) của các hộ chăn nuôi. Mỗi ngày, các hộ chăn nuôi ở đây xả trực tiếp lượng nước thải từ việc chăn nuôi bò sữa (bao gồm nước rửa chuồng để vắt sữa, nước phân…) chưa qua xử lý ra thẳng các bể chứa dung tích lớn, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc", đơn thư người dân cho biết.
Điều đáng nói, hàng này các hộ chăn nuôi lại dùng máy bơm lấy nước phân từ các bể chứa này tưới lên các vườn cỏ, gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp tới tài nguyên đất và nguồn nước ngầm. Nguồn nước bị biến đổi màu từ trắng sang vàng lục giống nước phân bò và bốc mùi hôi thối khiến nhiều gia đình không thể dùng nguồn nước ngầm sinh hoạt.
“Trước đây, các hộ chăn nuôi bò chỉ nhỏ lẻ 1-2 con nhưng bây giờ quy mô được tăng lên, 1 hộ có ít nhất 9-10 con bò sữa. Chúng tôi đã lên tiếng nhưng vẫn phải chịu sự ô nhiễm này trong suốt 10 năm nay. Mặc dù đã nhiều lần tiếp xúc cử tri và gửi đơn kiến nghị lên UBND xã nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”, người dân kiến nghị.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1956) cho biết, mỗi ngày khoảng 2 lần họ tiến hành xả thải nước phân ra rồi tưới trực tiếp lên cỏ mà không qua xử lý gây mùi hôi thối đến tận sáng hôm sau, nhiều năm rồi nước phân này còn thẩm thấu vào đất nữa nên ở đây có những hộ từ lâu đã không dám dùng nước giếng.
“Chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý. Gia đình tôi đã thuê người về khoan giếng sâu từ 80-100m cũng không thể có nguồn nước sạch để sử dụng mà phải làm bể cạn, đi xin nước sinh hoạt, cuộc sống của dân chúng tôi khổ lắm. Gia đình rất sợ nguồn nước ô nhiễm này sẽ gieo rắc mầm bệnh cho cả nhà”, bà Tuyết lo lắng.
Từ phản ánh của người dân, qua tìm hiểu hiện nay tại khu dân cư xóm 3 (xã Quỳnh Thắng) có 3 hộ gia đình đang chăn nuôi bò sữa gồm hộ ông: Mai Văn Thống, Hồ Vĩnh Thìn và Hoàng Văn Tính, với số lượng khoảng gần 30 con. Số hộ dân bị ảnh hưởng, giếng nước không thể dùng được từ 7 - 8 hộ.
Anh Hoàng Văn Tính (SN 1976) cho biết, gia đình anh chăn nuôi bò sữa từ năm 2015, số lượng khoảng 10 con, để phục vụ cho việc chăn nuôi thì có trồng 5 sào cỏ xung quanh khu vực vườn nhà.
“Mỗi ngày tôi tiến hành rửa chuồng bò 3 lần (sáng, trưa, tối), tưới cỏ 1 lần. Nguồn nước thải được cho vào bể chứa, còn bã thì được đưa đi nơi khác. Gia đình cũng đã làm hầm bioga, đôi lúc cũng có bơm tưới hơi đậm một chút nên ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống người dân”, anh Tính thừa nhận.
Xã yêu cầu di dời, đàn bò vẫn “án ngữ” trong khu dân cư
Tại buổi làm việc với PV, ông Hoàng Văn Công – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu) xác nhận, việc ô nhiễm môi trường, nguồn nước sinh hoạt do các hộ chăn nuôi bò sữa ở xóm 3 là có thật.
“Trước đây có chủ trương thành lập hợp tác xã bò sữa nên vận động nhân dân để chăn nuôi bò. Việc ô nhiễm này người dân cũng đã phản ánh cách đây 2-3 năm rồi, UBND xã cũng đã có đề án di dời nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được”, ông Công nói.
Qua tìm hiểu của PV, vào ngày 8/10/2018, UBND xã Quỳnh Thắng đã tổ chức buổi làm việc với các hộ chăn nuôi bò sữa tại xóm 3 và đã có kết luận về việc ô nhiễm môi trường nước sinh hoạt (giếng) tại một số hộ gia đình trong khu dân cư là do các hộ chăn nuôi bò sữa xả thải trực tiếp ra môi trường.
UBND xã Quỳnh Thắng đã yêu cầu các hộ chăn nuôi phải xây bể chứa nước thải, bioga dùng chế phẩm sinh học xử lý trước khi bơm tưới ra khu vực trồng cỏ; nghiêm cấm việc xả thải tưới phân tươi trực tiếp ra khu vực trồng cỏ và cây cối khác…
Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi căn cứ vào quỹ đất trồng cỏ của gia đình mình để lựa chọn số bò nuôi cho phù hợp, hạn chế phát triển số lượng bò sữa trong khu dân cư. Các hộ chăn nuôi phải có kế hoạch di dời chuồng trại ra khỏi khu dân cư trước ngày 30/6/2019 để đảm bảo phát triển kinh tế và môi trường theo quy định.