Nói thẳng và nghe nói thẳng!
“Dân chủ” là tiêu chí hàng đầu để xếp hạng văn minh đối với một đất nước. Nhưng biểu hiện đầu tiên của “Dân chủ” lại chính là “Tự do”. Cho nên có thể nói: Tự do là khát vọng lớn nhất của con người mọi thời đại. Trong đó, tự do nói lên sự thật, nói thẳng sự thật, được bày tỏ suy nghĩ của mình, ước muốn của mình... chính là khát vọng thường trực.
Nhưng, “nói thẳng sự thật” - tưởng dễ mà khó! Đâu phải cứ muốn nói thẳng là ta có thể nói thẳng được? Người “thấy sao nói thế”, người “nghe sao nói vậy”, cứ nghĩ mình là “người thẳng thắn”, hoá ra không phải như vậy! Bởi “thấy” và “nghe” là những hành vi dễ nhất mà mỗi người có thể làm được, ngoại trừ những người “khiếm thị, khiếm thính” (nhưng những người này lại thường có “linh cảm” đặc biệt mà người “sáng mắt, sáng tai” không dễ gì “qua mặt”!).
“Thấy” và “nghe” mới chỉ là nhận ra cái vẻ bề ngoài, cái hình thức của sự vụ - mà ai cũng hiểu, hình thức nhiều khi không phản ảnh đúng bản chất nội dung. “Thấy” phải bằng đôi mắt tinh tường, “nghe” phải được nghe “bằng cả hai tai”!
Ngược với “thấy sao nói thế, nghe sao nói vậy” là loại người “thấy rõ mười mươi” mà không dám nói, “nghe rõ mồn một” mà giả điếc làm ngơ!
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Cho nên, “thấy” và “nghe” chỉ là bước đầu tiên để nhận thức bản chất: bước thu thập thông tin. Bởi vì “nói thẳng” bao giờ cũng đi đôi với “nói thật”, nên vấn đề nhận thức đúng bản chất mới là điều vô cùng quan thiết. Muốn vậy, trước tiên phải có kiến thức về lĩnh vực mình muốn nói.
Cùng với kiến thức, là tư duy khoa học, là biết đánh giá một cách toàn diện, khách quan - đừng như lũ “thầy bói xem voi”; đồng thời phải xuất phát từ một cái “tâm trong sáng” - để “thẳng không thành cong”, để “méo không hoá tròn”, để “bé không xé ra to”, để “to không vo thành bé”!...
Nhận thức đúng bản chất - cần thiết, nhưng chưa đủ! Còn phải có dũng khí dám nói sự thật, đừng để “miếng thịt bịt miệng”! Cần nói thêm rằng, không dám nói sự thật không chỉ là hành vi của kẻ hèn yếu, mà nhiều khi còn đồng nghĩa với “ngậm miệng ăn tiền” - “ngậm hàm thì tiến”! Thực tế cuộc sông không hiếm kẻ tiến thân rất nhanh bằng con đường “ngậm miệng” như thế!
Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, không phải lúc nào cũng được phép... nói đúng sự thật! Một bác sỹ, khi phát hiện ca bệnh hiểm nghèo, bác sỹ đó có nên nói trực tiếp sự thật đó với bệnh nhân không? - “Không” trong trường hợp này, nhiều khi lại là đạo đức nghề nghiệp cần thiết đối với một lương y! Vấn đề là ở chỗ: Không phải “sự thật” nào cũng nên nói; nhưng một khi đã có thể nói, thì phải nói đúng sự thật! Đấy có thể coi là những “tiêu chí” để đánh giá phẩm chất một “người-biết-nói-thẳng”.
Có “người-biết-nói-thẳng” không thôi, chưa đủ, còn cần phải có “người-biết-nghe-nói-thẳng”.
Không phải ai ai cũng muốn nghe lời nói thẳng, bởi “trung ngôn nghịch nhĩ” (tuy bề ngoài, người nào cũng tỏ ra sẵn sàng nghe nói thẳng, nói thật!). Mặt khác, không phải ai đó tuyên bố sẵn sàng nghe nói thẳng nói thật, sẽ lập tức được đáp ứng!
Người muốn nghe người khác nói lên sự thật, mới chỉ là “người-dám-nghe-nói-thẳng” - Vâng! Rất đáng trân trọng! Nhưng chỉ... “dám” không thôi thì chưa đủ. Người muốn nghe lời nói thẳng, trước hết, dù ở cương vị nào, người đó cũng phải có được phẩm chất cần thiết như những “tiêu chí” đã nêu đối với “người-biết-nói-thẳng” (thậm chí còn phải ở mức cao hơn), nhất là sự dũng cảm (đặc biệt là khi điều được nghe lại đụng chạm đến... người thân, đến chính bản thân!) - Để không bị “nhầm’, bị “lừa”, bị “bẫy”... Người nghe còn phải có “kinh nghiệm nghe” lại phải biết đích thân kiểm tra tính đúng đắn của những điều nghe được ấy. Người như thế, có thể đặt cho cái tên là “người-biết-nghe-nói-thẳng” hoặc “người-nghe-nói-thẳng-được”!
Như vậy, thực tế tồn tại một “lô-gic” sau: “người-biết-nói-thẳng”, khi có dịp được nói thẳng, người đó sẽ đủ tự tin để “nói-thẳng-được”! Tương tự, người muốn nghe nói thẳng, chỉ thật sự được nghe, khi người đó... “nghe-nói-thẳng-được”, tức là khi “biết-nghe-nói-thẳng”!
Một đất nước phát triển, một xã hội dân chủ và văn minh, rất cần những “người-biết-nói-thẳng” - được nói thẳng! Càng rất cần những “người-nghe-nói-thẳng-được” - được nghe nói thẳng! Tôi cho rằng, đó chính là mục tiêu hàng đầu của giáo dục. Và đó cũng cần được coi là cái gốc của nền “văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Thật vậy! Làm sao có thể được coi là một nước văn minh, dân chủ, khi trong nước đó, “người-biết-nói-thật” và “người-nghe-nói-thật-được”, chỉ như lá mùa thu?!.
Trần Huy Thuận
LTS Dân trí - Biết “nói thẳng” và biết “nghe nói thẳng” là biểu hiện của một xã hội văn minh. Nhưng việc biết “nói thẳng” và biết “nghe nói thẳng” quả thật không đơn giản mà đòi hỏi cả trình độ và đức độ của người nói và người nghe.
Đúng như tác giả bài viết trên đây đã luận bàn, cái cần “nói thẳng” ở đây chính là “nói thẳng sự thật”. Mà muốn nhìn rõ sự thật và nói đúng sự thật thì luôn phải xem xét sự việc một cách toàn diện, với thái độ khách quan và động cơ đúng đắn.
Muốn nói đúng sự thật, nhiều khi còn đòi hỏi người nói có đức tính cương trực, giám chịu trách nhiệm trước chính kiến của mình, không lo bị thiệt, bị trù úm hoặc bị hãm hại.
Nhìn lại đời xưa, nhiều ông quan thanh liêm, chính trực đã có dũng khí như vậy khi dâng sớ lên vua bày tỏ chính kiến của mình mặc dù biết rằng không đúng ý vua nhưng không sợ bị trị tội. Trong những đời vua thịnh trị, cũng không ít những ông vua biết nghe những lời nói ngược, biết lấy lợi ích của muôn dân làm trọng.
Ngày nay, đất nước ta đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ và toàn diện. Việc biết “nói thẳng” và biết “nghe nói thẳng” có điều kiện thuận lợi để phát huy, trở thành động lực mạnh mẽ phát triển đất nước trong thời kỳ mới, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền văn minh của nhân loại.