Nỗi niềm của những thầy cô…"dự bị"

(Dân trí) - Con đường để trở thành nhà giáo vốn nhỏ hẹp nay lại càng gian nan hơn khi trên nó bị dựng lên những rào cản bất công của tiền và “mối quan hệ”. Bục giảng vốn là nơi cao quý nhưng không thể vươn tới bằng chính năng lực của mình!

Giấc mơ “kỹ sư tâm hồn” bị dang dở

Trong tiết trời se lạnh, không khí Ngày nhà giáo Việt Nam đang tràn về khắp các giảng đường, các lớp học. Truyền thống “ tôn sự trọng đạo” lại sống dậy, tươi mới hơn trong mỗi chúng ta. Tình thầy - trò càng trở nên ấm áp bởi lời ca, tiếng nhạc và những bó hoa tươi thắm. Thế nhưng, ở đâu đó, trong một số người lại gợn lên đôi chút chạnh lòng và tủi thân. Đó là những bạn trẻ còn dang dở giấc mơ trở thành thầy giáo, cô giáo.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Nguyễn Thị Hiền sau khi tốt nghiệp trường Đại học sư phạm Hà Nội, cô hăm hở về quê đi tìm việc, nhưng đi đến đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu nguầy nguẩy. Hơn một  năm, thời gian chờ đợi càng trở nên xa vời đối với cô khi khoản tiền để được nhận dạy hợp đồng, rồi vào biên chế là quá lớn mà tiền lương “trong sạch” của một cô giáo quê sẽ không biết đến bao giờ mới trả được. Giấc mơ, lòng nhiệt thành được ấp ủ trong bao năm ăn học giờ đây đã vỡ tan tành, Hiền ngao ngán: “ Bao hi vọng, hoài bão, ham muốn đều đặt vào mấy năm học. Hao hức ra trường, háo hức đi xin việc và hồi hộp chờ đợi…nhưng rồi lại thất vọng. Nhiều bạn bè mình trong thời gian chờ đợi đã lên thành phố, các khu công nghiệp để tìm việc kiếm sống. Thực tế xã hội bây giờ ai có quyền, có tiền mới xin được việc”.

Còn với  Thuỷ, niềm yêu thích trẻ thơ, ước muốn được “gõ đầu trẻ” chính là động lực giúp cô theo học khoa Giáo dục Tiểu học trường Cao Đẳng sư phạm Hải Dương. Vậy mà giờ đây, sau một năm trầy trật xin việc khắp nơi, Thuỷ phải tạm gác giấc mơ trở  thành “ kỹ sư tâm hồn” để làm công nhân của một công ty may. Cô tâm sự: “Bây giờ xin việc ở đâu cũng phải có tiền. Với lại con ông cháu cha thì có nhiều. Dù họ không có bằng cấp, trình độ như mình nhưng vẫn được nhận. Nhiều lúc cũng thấy tủi thân vì bàn tay đáng lẽ cầm phấn thì giờ lại phải làm công việc lao động đơn giản để kiếm sống hằng ngày”.

Cũng tốt nghiệp một trường cao đẳng sư phạm, nhưng hiện nay Nguyễn Văn Sỹ đành từ bỏ ước muốn được đứng lớp để xin vào làm lễ tân khách sạn. Sỹ chia sẻ: “ Thực sự mình rất muốn được đứng lớp nhưng lại không có tiền và người quen để “chạy”. Công việc hiện tại không vất vả nhưng mình thấy rất chán vì không phải là việc mà mình yêu thích”.

Lối đi nào cho sinh viên sự phạm?

Trước đây, các trường đại học, cao đẳng sư phạm đào tạo theo sát nhu cầu thực tế của từng địa phương nên sinh viên ra trường nhanh chóng có việc làm. Khi đó để theo học sư phạm, sinh viên phải có niềm đam mê và năng lực học thực sự. Nhưng hiện nay, các trường mở rộng chỉ tiêu  tuyển sinh và đào tạo theo lối “đem con bỏ chợ”nên đã tạo một số lượng thầy, cô giáo lớn hơn nhiều so với nhu cầu của xã hội. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên đều tự mình loay hoay, luồn lách để tìm việc. Cùng với  đó, một bộ phận bạn trẻ với tâm lý “…cùng sào mới vào sư phạm”, tức là  học sư phạm chỉ để làm sinh viên, khiến cho chất lượng người thầy trong tương lai bị giảm sút. 

Vẫn biết rằng, trong nhiều năm qua, thực trang sinh viên ra trường không có việc làm, hoặc phải làm trái nghề đang dần trở thành điều…bình thường ở nước ta. Nhưng đối với sinh viên sư phạm, những khó khăn mà họ gặp phải còn lớn hơn gấp nhiều lần. Bởi nghề giáo là một nghề đặc biệt, với những đặc trưng nghề nghiệp, nếu những kiến thức sinh viên thu nhận được nếu không được thực hành trên bục giảng, không được truyền thụ cho học sinh thì nó sẽ nhanh chóng bị mai một. Và họ cũng khó có một chỗ đứng khác trong xã hội xứng đáng với công sức học tập của mình. Nếu sinh viên các ngành khác có thể xoay sở để tìm cho mình một nghề tay trái thì sinh viên sư phạm dường như không có nhiều sự lựa chọn. Có một thực tế, đó là dù có bằng đại học hay cao đẳng, loại khá hay loại giỏi…nhưng sinh viên sư phạm thường không được các công ty, các doanh nghiệp tin tưởng, hào hứng chào đón. Vì vậy địa chỉ dừng chân của họ thường là các khu công nghiệp, các cửa hàng tạp vụ và những công việc phổ thông không đòi hỏi bằng cấp…Vậy là bao nhiêu năm ăn học đành để làm kỷ niệm, tấm bằng sư phạm kỳ công phấn đấu cũng trở nên…vô giá trị.

Cơ hội để trở thành giáo viên vốn hiếm hoi càng trở nên vô vọng khi nó không còn là sự cạnh tranh công bằng của kiến thức, năng lực mà là cuộc chạy đua của tiền, quyền và “quan hệ”. Như các bạn trẻ trên đã  tâm sự. Nỗi buồn của sinh viên sau khi ra trường không chỉ vì công việc khó khăn mà còn vì những bất công mà họ gặp phải: “Thực tế xã hội bây giờ ai có quyền, có tiền mới xin được việc”. Đáng buồn nhất là thực trạng này đang dần trở thành điều hiển nhiên trong xã hội chúng ta. Chúng ta biết đó là sai trái, là vô liêm sỉ, băng hoại đạo đức nhưng chúng ta vẫn phải “vui vẻ” cắm đầu chạy theo xu thế chung. Những người vốn ấp ủ niềm đam mê, lòng nhiệt tình, cống hiến cho giáo dục giờ đây cũng thất vọng vì mình không có ô dù, không có tiền để có thể chui vào bục giảng dễ dàng hơn. Con đường để trở thành nhà giáo vốn nhỏ hẹp nay lại càng gian nan hơn khi nó bị dựng lên những rào cản của tiền và “quan hệ”. Bục giảng vốn là nơi cao quý nhưng không  thể bén mảng tới nếu chỉ bằng năng lực thực sự của mình. Phải chăng lời khuyên cho những ai muốn trở thành giáo viên là phải quen biết thật nhiều quan chức và gối đầu lên một xấp tiền rồi hãy mơ tưởng? Câu hỏi này có lẽ không còn mới và đã được nhiều người hỏi nhưng xem ra vẫn chưa có ai…thèm trả lời! Và những câu hỏi bức xúc và có tính xã hội như thế còn bị bỏ ngỏ thì tương lai nền giáo dục nước ta chắc chắn còn chịu những hệ luỵ khôn lường!

Khi viết bài, tác giả không dám có tham vọng thay đổi được thực trạng đáng buồn này, chỉ xin bày tỏ sự chia sẻ đến những người thầy, cô vẫn còn đang đứng ở vị trí…người dự bị. Trong không khí của những ngày ghi ân các Nhà giáo, chúc cho các “nhà giáo dự bị” có nhiều sức khoẻ để bươn trải mưu sinh và gắng mình chờ đợi. Dù niềm tin có mong manh nhường nào thì các bạn hãy giữ lấy niềm tin như một “phép màu” để vươt qua mọi khó khăn và cả những bất công đang còn tồn tại trong xã hội..

                                                                                                   

                                                   Hoàng Biên

 

LTS Dân trí - Nhà giáo hiện nay còn nhiều khó khăn cả về điều kiện hành nghề cũng như sự thiếu thiếu thốn trong đời sống. Nhưng nghề giáo vẫn tạo ra “sức hút” và còn là niềm mơ ước của nhiều bạn trẻ. Chính vì yêu nghề làm Thầy mà nhiều học sinh tốt nghiệp THPT đã thi vào ngành sư phạm, bất luận chuyên ngành nào và không biết ngành đó đang thừa thiếu ra sao; cũng vì vậy khi tốt nghiệp rất khó tìm được việc làm theo đúng chuyên ngành mình học.

Tựu trung vì nguyên nhân cung vượt cầu và mặt khác vì sự tuyển dụng giáo viên ở các địa phương thiếu công bằng, không lấy năng lực chuyên môn làm chính, mà dựa vào “phong bì” nặng hay nhẹ và các mối “quan hệ” quen biết, có “ô dù” nào không?. Đấy là tệ nạn khá phổ biến trong ngành giáo dục cũng như nhiều ngành khác. 

Các cấp chính quyền địa phương cũng như các cấp quản lý ngành giáo dục cần kiên quyết đẩy lùi tệ nạn này để tuyển chọn đúng những người có đủ các tiêu chuẩn cần thiết về năng lực chuyên môn cũng như về đạo đức làm nhiệm vụ “trồng người”. ở mọi bậc học và cấp học. Chỉ có như vậy mới tạo tiền đề quan trọng nhất cho việc phấn đấu nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.