Nỗi lo...nước mía vỉa hè

(Dân trí) - Trong các loại nước giải khát thường được bày bán ở vỉa hè, nước mía là loại đồ uống được nhiều người lựa chọn, bởi vừa dễ uống, làm dịu ngay cơn khát và giá cả khá “bình dân”.

Nghề dễ làm...
 
Tuy nhiên, với cách thức chế biến của nhiều hàng nước mía vỉa hè hiện nay, nỗi lo về tình trạng mất vệ sinh, ảnh hưởng tới sức khỏe con người không phải là không có căn cứ.

 

Với phương tiện hành nghề khá gọn nhẹ, gồm một chiếc xe ép nước mía di động và một số chiếc bàn, ghế nhựa loại nhỏ, không khó để có thể nhận ra ngày càng có nhiều cửa hàng nước mía mọc lên ở các vỉa hè trên hầu khắp các tuyến đường từ thành phố đến các thị xã, thị trấn.

Vào những ngày hè, các hàng nước mía thường thu hút được một lượng lớn khách tìm đến “hạ nhiệt”. Có người ghé vào chỉ để uống nhanh một cốc nước mía nhằm giải ngay cơn khát. Cũng có những nhóm người trẻ tuổi có thói quen thích tụ tập bạn bè xung quanh chiếc bàn nhỏ ở quán nước mía vỉa hè, vừa nhâm nhi cốc nước mía vừa trò chuyện và hóng mát.
 
Song dường như các vị khách ghé vào hàng nước mía đều có một điểm chung đó là chủ quan, không mấy để ý, quan tâm đến khâu chế biến của những người bán nước mía.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Trong khi đó, nhiều hàng nước mía đều treo biển: “nước mía sạch”. Không biết “sạch” đến chừng nào, nhưng tất cả các công đoạn chế biến ra một cốc nước mía đều được người bán hàng làm với đôi bàn tay trần, rất hiếm người sử dụng găng tay vệ sinh.
 
Đầu tiên là dùng tay trần bào, róc vỏ mía dựng sẵn bên máy ép cạnh lề đường. Ruồi nhặng và bụi đường có cơ hội để tìm “bến đỗ”. Khi có khách vào, người bán hàng hầu hết dùng tay trần cầm dao chặt cây mía đã được róc sẵn ra từng khúc, rồi cho vào máy ép, cán ra nước. Mía ép xong, bã được vứt bừa bãi ngay phía trước chân máy ép. Vị ngọt còn sót lại trên đám bã mía lại có sức hút mạnh đối với lũ ruồi.

 

Xong đâu đấy, người bán hàng lại tay trần vốc đá xay nhỏ cho vào cốc rồi rót nước mía vào mang ra cho khách uống. Đá được sử dụng trong các quán nước mía thường là loại đá cây, vốn thường sử dụng để ướp lạnh đối với thực phẩm. Do không đảm bảo về nguồn nước làm đá, nguy cơ mất vệ sinh và bị nhiễm khuẩn là rất cao.

Cũng dễ mất vệ sinh

Từng đám bã mía ngổn ngang xung quanh chiếc máy ép, kéo theo cả đám ruồi nhặng bay quanh. Ngay trên chỗ chiếc máy đang ép mía, đám ruồi cũng bay loạn xạ như thách thức người bán hàng. Nước mía sau khi ép sẽ chảy vào một chiếc ca lớn rồi được đổ vào những chiếc cốc đã có sẵn đá. Đám ruồi lại vo ve bay đến đậu lên các thành cốc, người bán hàng cũng chỉ huơ tay xua đuổi lấy lệ rồi mang ra cho khách.

 

Chị Hanh, chủ một hàng nước mía cho biết: “Khách đông nên phải thao tác nhanh mới có đồng ra đồng vô”. Giúp việc cho chị là cậu con trai trạc 15, 16 tuổi. Quan sát thấy em luôn để tay trần khi làm nước mía phục vụ khách. Sau khi bào vỏ mía xong, dù tay đang còn lem luốc nhưng em vẫn tiếp tục công đoạn vốc đá bỏ vào cốc trước khi rót nước mía vào để mẹ bê ra cho khách. Khoảng 30 phút, cũng với hai bàn tay không em còn kiêm luôn việc dọn đống bã mía đầy ruồi nhặng xung quanh chân máy ép cho vào bao tải.

Do vốn đầu tư ban đầu ít, quay vòng vốn nhanh, không phải nộp thuế, không cần giấy phép kinh doanh, các hàng nước mía vỉa hè đang mọc lên ngày càng nhiều. Cùng với đó là những nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người ngày càng cao từ cung cách chế biến rất thủ công, sơ sài, không đảm bảo vệ sinh.

 

Đáng lưu tâm là những quán nước mía vỉa hè lại rất ít khi nằm trong “tầm ngắm” của các lực lượng chức năng, đặc biệt là cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, rất nhiều thực khách của các quán nước mía vỉa hè vẫn còn mang nặng tâm lý chủ quan, không mấy quan tâm tới những ảnh hưởng xấu từ những cốc nước mía không đảm bảo vệ sinh tới sức khỏe của chính bản thân mình.  

 

Bùi Minh Tuấn

(Nghệ An) 

 

LTS Dân trí - Tình trạng mất vệ sinh của các quán nước mía vỉa hè không chỉ diễn ra ở thành phố Vinh, mà còn trông thấy nhan nhản trên nhiều đường phố có bóng cây của Hà Nội. Quả thật thứ nước giải khát có nguồn gốc thiên nhiên này vừa dễ uống vừa hợp với “túi tiền” của nhiều người lao động cũng như học sinh, sinh viên.

 

Trời càng nóng bức thì càng có nhiều người uống nước mía vỉa hè và nguy cơ mắc phải các bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là bệnh tả do bị nhiễm khuẩn qua cách chế biến mất vệ sinh và lây lan qua ruồi nhặng là có thật.
 
Các ngành chức năng, nhất là cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cần quan tâm kiểm tra tình trạng giữ gìn vệ sinh của  cả các cửa hàng nước mía ven đường.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm