Nỗi lo thường trực

Đã thành thông lệ, sau Tết Nguyên đán, số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) tăng đột biến. Cứ sau mỗi vụ TNGT thảm khốc, cả xã hội lại giật mình thảng thốt.

Những người có trách nhiệm của ngành GTVT luôn cho rằng, mục tiêu kiềm chế TNGT đã đạt được. Nhưng, dường như con số trên 30 người chết mỗi ngày vì TNGT vẫn là nỗi lo thường trực với người dân.

Lý giải về việc nhiều giải pháp mạnh đã được đưa ra trong các năm qua như tăng nặng mức xử phạt, tăng cường tuần tra kiểm soát... nhưng số vụ TNGT giảm chưa nhiều, một quan chức Bộ GTVT nói: “Số vụ TNGT và số người chết giảm như vậy trong những năm qua là tín hiệu tốt. Trong khi mật độ các phương tiện giao thông liên tục tăng. Xe máy tăng 13%, ô tô tăng 10%”.

Theo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, hầu hết các vụ TNGT xảy ra trên quốc lộ (48%), tỉnh lộ (16%) và đường đô thị (20%), nơi luôn có lưu lượng xe lớn. Nhóm tuổi thanh niên từ 20 tuổi đến 34 chiếm tỷ lệ TNGT cao (trên 43%). Trên 80% số vụ TNGT xảy ra do lỗi của người tham gia giao thông.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 10-2, một vị lãnh đạo Bộ GTVT nói: “Rượu bia là tác nhân lớn dẫn đến TNGT. Tôi ngạc nhiên khi có doanh nghiệp rượu bia tổ chức lễ kỷ niệm tiêu thụ được 1 tỷ lít bia/năm”.

Phó Chủ tịch Trung tâm Quốc tế về Chính sách chất có cồn (ICAP) Brett Bivans cũng khẳng định trong một cuộc hội thảo tổ chức tại Việt Nam: “Điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây ra TNGT”. Không biết, trong 1 tỷ lít bia hoan hỷ đó có bao nhiêu lít gây nên những cái chết thương tâm cho thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, chính Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cũng đã chỉ ra một trong những nguyên nhân gây nên hiện trạng giao thông đường bộ hiện nay, đó là: Cơ quan quản lý về ATGT chưa đủ mạnh, quản lý giao thông tại các khu vực đô thị chưa tốt...

Ở những bệnh viện lớn như Việt Đức, trước Tết Nguyên đán, các y bác sỹ hối hả chuẩn bị các nẹp xương, băng đầu. Bởi vì, đã quá quen thuộc với những ca thương tích vì TNGT trong dịp Tết. Hình ảnh ken dày giường bệnh của những người bị thương hay dày đặc những người chấn thương sọ não nằm bất động thở máy không xa lạ ở các bệnh viện những ngày hậu nghỉ Tết.

Thực tế những chuyến xe lèn chặt cứng người vô tư vượt qua CSGT giữa ban ngày bao nhiêu năm rồi vẫn thế. Tàu hỏa chạy trên đường sắt cũng không yên vì bị đủ loại phương tiện khác lấn chiếm hành lang, tranh đường.

Cục CSGT Đường bộ-Đường sắt năm nào cũng chăm chỉ thống kê số vụ tai nạn, số người chết sau Tết nhưng trước đó, nhiều người đã biết có 2 cán bộ của cục này bị xử lý vì say rượu lái ô tô phóng bạt mạng gây TNGT.

Năm 2010, cả nước xảy ra 14.442 vụ TNGT làm chết 11.449 người. Nỗi lo thường trực, dai dẳng này biết đến bao giờ mới chấm dứt?
Theo Đình Thắng
Tiền Phong