Nỗi lo tăng học phí của sinh viên

Trong đời sống sinh viên có biết bao nhiêu điều phải lo, từ chuyện học hành thi cử đến chuyện thiếu tiền ăn, tiền nhà trọ… Nhưng hiện nay còn nổi lên nỗi lo: Tăng học phí!

Theo như “Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014” mà Chính phủ trình Quốc hội thì mức học phí sẽ tăng. Và riêng năm học 2009-2010, trong khi chưa thực hiện việc thay đổi cách đóng học phí theo đề án từ năm 2010-2014 thì học phí đại học tăng từ 180.000 đồng/tháng lên 255.000 đồng/tháng, học phí học nghề tăng từ 120.000 đồng/tháng lên 170.000 đồng/tháng. Điều này đã khiến nhiều sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học, các trường dạy nghề hết sức lo lắng.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Tất cả các sinh viên khi bước vào cánh cửa giảng đường ai cũng có mong muốn có đời sống ổn định để có điều kiện học tập tốt. Cũng là một người trong cuộc, nên tôi rất hiểu nỗi lo của nhiều sinh viên. Trong thời đại “vật giá tăng cao” đời sống của sinh viên gặp vô vàn khó khăn, tất cả mọi thứ liên quan từ thực phẩm, tiền điện, tiền nước, tiền nhà trọ… đều tăng giá. Lo cái cũ chưa xong nay lại có nỗi lo mới…

 

Sinh viên đang theo học ở các trường cao đẳng, đại học... không phải ai cũng có hoàn cảnh khá giả để có thể quên đi những trăn trở trên, hầu hết đều xuất thân từ những gia đình ở nông thôn, có nhiều khó khăn. Tôi cũng như nhiều sinh viên khác, để có tiền theo học, bố mẹ tôi phải “một nắng hai sương” với việc đồng áng, chăn nuôi…, cũng không ít ông bố bà mẹ phải vất vả trên những công trường, trong những nhà máy để kiếm tiền “nuôi chữ” cho con.

 

Hàng ngày ngoài việc học, để đủ trang trải cho cuộc sống, nhiều sinh viên luôn phải đi làm thêm. Người đi dạy học, dạy kèm, người làm ở nhà hàng khách sạn… để kiếm những đồng lương ít ỏi. Học phí sẽ tăng như khung Bộ Giáo dục đưa ra và tăng cao nhất là nhóm nhành Y dược. Để có tấm bằng đại học, có được một nghề cho tương lai, sinh viên sẽ phải chi tăng lên một khoản tiền so với trước đây. Khi mới biết điều này, không ít sinh viên đã bị “sốc”, nhất là những ai chọn con đường Y dược để vào đời. Không chỉ riêng ngành Y mà nhiều sinh viên ngành khác cũng tự đặt câu hỏi: “Không biết có đủ khả năng để học tiếp nữa không?”.

 

Sinh viên Trần Văn Chung (năm thứ nhất - Đại học Y dựoc Huế) nói: “Năm thứ nhất sắp qua đi nhưng vẫn còn 5 năm nữa... Không biết những năm tới bố mẹ phải làm sao để có tiền cho tôi học, vì ngoài tôi con hai em nữa cũng đang tuổi đi học khi tuổi tác bố mẹ ngày càng cao. Có nuôi nổi đến lúc ra trường...”

 

Cùng tâm trạng: “Bố mẹ cung cấp cho tôi được chưa đầy một triệu đồng mỗi tháng nên tôi phải đi thêm ở các Trung tâm gia sư có thêm 350.000 đồng mới đủ cho chi tiền mua sách vở và chi tiêu hàng ngày, nếu học phí tăng tôi chưa biết xoay xở thế nào, muốn xin thêm nhưng biết gia đình cũng thiếu thốn lấy đâu mà cho…” - sinh viên Nguyễn Kim Huệ (năm thứ hai - Đại học Khoa học Huế) tâm sự.

 

Nhiều sinh viên vì hoàn cảnh gia đình nên để giảm bớt gánh nặng học phí đã thi vào ngành sư phạm. Thế nhưng theo như “dự kiến” thì sinh viên ngành sư phạm cũng sẽ phải đóng học phí. Một số sinh viên học xong vì không thích nghề đi dạy hoặc vì một số lí do khác nên ra trường  không làm nghề mà mình đã học. Theo như kiến nghị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có thể thay chính sách “miễn học phí” bằng chính sách cho “vay ưu đãi tín dụng”. Cụ thể, cho sinh viên ngành sư phạm vay tín dụng, khi ra trường đi dạy học trong 3 năm thì Nhà nước sẽ xoá nợ đối với khoản học phí (cả gốc và lãi) nếu không sẽ phải hoàn trả lại số tiền này.

 

Đây là chính sách nhằm “ràng buộc” để tránh tình trạng rẽ ngang của nhiều sinh viên sư phạm. Điều này khiến các sinh viên theo học ngành này cũng hết sức âu lo. “Tôi đang học ngành sư phạm nhưng ra trường thì cũng chưa biết sẽ làm gì và không biết có xin được việc không? Nhiều người ở quê tôi học ngành sư phạm ra trường đang thất nghiệp và phải đi làm việc không đúng với chuyên môn của mình…” - sinh viên Nguyễn Thị Hằng (năm thứ nhất - Đại học Sư phạm Huế) bộc bạch.

 

Tăng học phí đang là vấn đề nóng bỏng không chỉ của sinh viên và các bậc phụ huynh mà là vấn đề của xã hội. Với mức tăng từ 180.000 đồng/tháng lên 255.000 đồng/tháng có ý kiến nhiều người cho rằng đây là mức tăng quá cao. Hiện nay để hoàn thành một bằng kỹ sư, cử nhân, học phí là từ 7,2 - 8 triệu đồng/năm. Nhưng tính toàn bộ mọi chi phí của một sinh viên xa nhà thì số tiền để có tấm bằng ấy thì phải mất 40 - 80 triệu đồng/năm. Nhưng ra trường có việc làm hay không vẫn là một “mối lo” của sinh viên khi nước ta đang trong tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.

 

Biết rằng tăng học phí là một vấn đề bức thiết nhưng mong rằng nhà nước sẽ có cân nhắc kĩ và có những chính sách hợp lí để giúp sinh viên có điều kiện tiếp tục học tập để ngày mai trở thành những người có ích cho xã hội, cho đất nước.

 

Phan Ngọc Quyên
(Lớp Báo Chí K32 - Trường ĐH Khoa học Huế)

 

LTS Dân trí - Tăng học phí là điều cần thiết để thêm nguồn kinh phí nhằm tạo điều kiện nâng cao chất lượng và mở rông quy mô đào tạo, nhưng tăng ở mức nào là thích hợp và có nên tăng đồng loạt với mọi đối tượng không ? Đấy là điều cần cân nhắc để cho sinh viên con nhà nghèo, nhất là ở nông thôn, vẫn tiếp tục theo học được hoặc đi đôi với việc tăng học phí, cần thực hiện đồng thời chính sách học bổng hoặc chính sách tín dụng ưu đãi để tạo điều kiện cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vẫn tiếp tục theo học được.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm