Nỗi lo mất an toàn tại nơi giữ trẻ tư nhân

(Dân trí) - Sáng ngày 7/1 vừa qua, TAND huyện Thuận An - Bình Dương đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ “bảo mẫu” Trần Thị Phụng với tội danh: “Hành hạ người khác”. HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo mức án 24 tháng tù giam cho hành vi bạo hành trẻ em.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1643/Tam-bao-hanh.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Tắm bạo hành</b></a>

Cách hành xử vô cảm, tàn nhẫn của bà Phụng đã bị pháp luật xử lý. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sau “hồi kết” của vụ bạo hành gây nhức nhối dư luận này, tình trạng mất an toàn ở các điểm trông giữ trẻ tư nhân có còn tiếp diễn?

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Còn nhớ hơn 2 năm trước, cả nước xôn xao về vụ bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa hành hạ trẻ em. Gần đây nhất là vụ việc bảo mẫu Trần Thị Phụng ở Bình Dương nhẫn tâm hành hạ một em bé lên 3 trong lúc đang tắm cho bé. Đáng nói là cơ sở giữ trẻ này đã hoạt động nhiều năm nay nhưng không được kiểm tra, giám sát; chỉ sau khi clip về hành vi ngược đãi nghiêm trọng trẻ em này được phát tán lên mạng, các cơ quan chức năng mới thực sự vào cuộc và vừa qua đã đưa ra xét xử; kẻ gây ra bạo lực với trẻ em đã bị phạt 2 năm tù giam.

Hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ, chính xác từ các cơ quan chức năng về mức độ an toàn, hợp pháp của các điểm giữ trẻ tư nhân. Mặc dầu vậy, những vụ việc đau lòng, đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua cho thấy, đã đến lúc phải có những hành động cụ thể, mạnh mẽ, thiết thực hơn trong việc chấn chỉnh, kiểm soát việc hoạt động của những điểm giữ trẻ tư nhân.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục chỉ được phép hoạt động khi đảm bảo được các yêu cầu: đội ngũ giáo viên và bảo mẫu phải được đào tạo hoặc qua lớp tập huấn, có chứng chỉ về giáo dục mầm non; cơ sở vật chất, các trang thíêt bị phải đảm bảo an toàn trong chăm sóc, giáo dục trẻ.

Những cơ sở đáp ứng được yêu cầu chăm sóc và đảm bảo an toàn cho trẻ mới được cấp phép và hoạt động. Nơi nào chưa đảm bảo các điều kiện an toàn thì không cấp phép hoặc thu hồi giấy phép đối với những cơ sở đã được cấp phép, khi bổ sung đầy đủ yêu cầu đảm bảo an toàn cho trẻ mới cho phép hoạt động tiếp.

Quy định là vậy nhưng trên thực tế hầu hết điểm giữ trẻ tư nhân hiện nay đều không đảm bảo được những yêu cầu cơ bản theo đúng quy định.

Trong vụ việc xảy ra ở Biên Hoà – Đồng Nai hơn 2 năm về trước, “cô giáo” Quảng Thị Kim Hoa chỉ mới có trình độ văn hoá 10/12 còn bảo mẫu Trần Thị Phụng trong vụ việc gây bức xúc vừa qua cũng chưa từng trải qua một lớp đào tạo nào về kỹ năng nuôi dạy, chăm sóc trẻ.

Các cơ sở giữ trẻ tư nhân tự phát đều trong tình trạng “ba không”: không có giấy phép hoạt động, người trông giữ trẻ không có chứng chỉ, nghiệp vụ hành nghề, không đảm bảo an toàn về các điều kiện chăm sóc trẻ.

Các cơ sở giữ trẻ tư nhân kiểu này hoạt động chủ yếu trên cơ sở thoả thuận, “hợp đồng miệng” giữa người trông giữ trẻ và các bậc phụ huynh có nhu cầu, ngoài ra không có thêm sự ràng buộc mang tính pháp lý nào.

Hầu hết các cơ sở nhận giữ trẻ chủ yếu chỉ để trông trẻ. Vấn đề dinh dưỡng của trẻ, vệ sinh môi trường chưa được chú trọng. Không ít gia đình, cá nhân nhận giữ trẻ chỉ với mục đích kiếm thêm thu nhập, trong khi không mấy quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cũng như các điều kiện chăm sóc trẻ an toàn.

Hệ quả kéo theo là nhiều bé không được ăn ngủ đầy đủ, khoa học dẫn đến suy dinh dưỡng, phát sinh bệnh tật. Thậm chí có những vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra ở các điểm giữ trẻ tư nhân do “cô giáo” thiếu quan tâm, kiểm soát các hoạt động của bé.

Không ít phụ huynh xót xa khi đến đón con nhìn thấy con em trầy xước mặt mày hoặc cơ thể có những vết bầm tím nhưng vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì tìm được một điểm giữ trẻ gần nhà không phải là chuyện dễ.

Đáng nói là phần nhiều điểm giữ trẻ kiển này đang nằm ngoài vòng kiểm soát của ngành giáo dục và chính quyền địa phương, chỉ khi có những sự việc đáng tiếc xảy ra, phụ huynh và dư luận phản ứng gay gắt thì các cơ sở này mới được “sờ” tới.

Trẻ mầm non là đối tượng có khả năng tự vệ kém do độ tuổi còn quá nhỏ, chưa thể nhận thức hết được mọi sự việc xảy ra xung quanh mình. Bạo hành, ngược đãi trẻ mầm non là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, các chế tài xử phạt hiện nay còn quá nhẹ so với hậu quả từ các vụ bạo hành trẻ em gây ra.

Chẳng hạn, khoản 2 của điều 17 nghị định 114/2006/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng đối với hành vi đánh đập hoặc bạo lực, xâm phạm thân thể trẻ em khiến trẻ đau đớn về thể xác và tinh thần.

Đây là mức phạt còn quá nhẹ trong khi các vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em thường lặp đi lặp lại trong một thời gian dài khiến trẻ không những ảnh hưởng về sức khoẻ mà còn gây tổn thương về tinh thần, có khi những ám ảnh về những lần bị bạo hành còn đeo đẳng tâm trí các em đến suốt cuộc đời.

Sau những vụ bạo hành, xâm phạm thân thể trẻ em xảy ra trong thời gian qua, đã đến lúc cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực và quyết liệt trong việc ngăn chặn đi đến chấm dứt tình trạng nhức nhối trên.

Theo đó, chính quyền địa phương kết hợp với ngành giáo dục cần thường xuyên kiểm tra đột xuất hoạt động của các điểm giữ trẻ tư nhân. Cần có biện pháp xử lý kịp thời, chấn chỉnh hoạt động đối với những cơ sở hoạt động “chui” không có giấy phép. Tránh tình trạng khi có sự cố đáng tiếc xảy ra mới bắt tay vào cuộc.

Trong khi các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở một số nơi đang trong tình trạng quá tải, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho các bậc phụ huynh, trước mắt, các ngành chức năng cần mở các khoá đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề nuôi dạy trẻ ngắn hạn cho những người hành nghề tại các cơ sở, điểm trông giữ trẻ tư nhân.

Mục tiêu là trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong chăm sóc trẻ cũng như đảm bảo các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, không gian trông giữ trẻ. Trong tương lai gần, cần quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non sao cho “cung” đáp ứng đủ ‘cầu”.

Công tác xã hội hoá giáo dục ở bậc học mầm non cần được chú trọng có chiều sâu. Với các khu, cụm công nghiệp, nơi có nhiều nhà máy, xí nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh thì việc xây dựng các điểm trông giữ trẻ theo đúng quy chuẩn quy định để công nhân yên tâm gửi con là vấn đề cần phải được tính đến một cách nghiêm túc. Bởi, đó cũng là biện pháp thiết thực để người lao động yên tâm công tác, nâng cao năng suất lao động.

Bùi Minh Tuấn

(Nghệ An)

LTS Dân trí - Bảo vệ và tạo điều kiện cho trẻ em phát triển thuận lợi, nhất là ở tuổi mầm non, là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là gia đình và các trường lớp mầm non. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra khá phổ biến tình trạng trông giữ trẻ thiếu an toàn, không bảo đảm những tiêu chuẩn cần thiết về vệ sinh, phương tiện vui chơi, giải trí cũng như cách thức giáo dục; thậm chí còn gây ra  bạo hành với trẻ làm cho dư luận xã hội phải bất bình và lên án mạnh mẽ.

Khắc phục tình trạng đó, chính quyền các cấp cũng như ngành giáo dục cần  quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng và phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ở các cụm dân cư. Đi đôi với việc coi trọng xây dựng các trường mầm non công lập, nên khuyến khích việc thành lập các trường, lớp mầm non tư  thục, kể cả điểm giữ trẻ tư nhân, nhưng cần có đủ điều kiện hành nghề. Mặt khác, cần có biện pháp kiểm tra, thanh tra những cơ sở này nhằm bảo đảm điều kiện nuôi dạy tốt đối với trẻ em.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm