Nơi giữ hồn thổ cẩm

Nằm về phía Đông Nam, cách Thị trấn Con Cuông gần 20 km, Bản Yên Thành (xã Lục Dạ) có gàn 100 hộ với trên 300 khẩu, gần 100% là đồng bào dân tộc Thái.

Nơi giữ hồn thổ cẩm - 1
Thi dệt thổ cẩm ngày xuân của phụ nữ Thái
 
 Hơn mười năm trước vì sản xuất thuần nông, tập quán canh tác nương rẫy lạc hậu, ít đầu tư nên cuộc sống của bà con quanh năm thiếu đói. Năm 1996 được dự án OXPAM Hồng Kông đầu tư, để khôi phục nghề dệt thổ cẩm, bởi nơi đây hầu như gia đình nào cũng còn giữ được khung dệt, nhiều chị em vẫn thường xuyên tự tay dệt vải phục vụ cho gia đình. Khi có dự án vào càng thổi bùng thêm phong trào, nhất là khi được tập huấn, trang bị thêm kiến thức đánh tơ, kéo sợi, cách nhuộm màu cho hấp dẫn với thị hiếu của khách hàng trong cơ chế thị trường.
 
Kể từ đó đến nay nghề dệt thổ cẩm trở thành nghề phụ có giá trị của chị em phụ nữ bản Yên Thành, đưa bản này thành làng nghề đầu tiên của huyện Con Cuông (Nghệ An). Ngoài Hợp tác xã nông nghiệp, bản có thêm HTX dệt thổ cẩm, tập hợp được hơn 40 xã viên là hội viên phụ nữ của xã. Chị em tranh thủ lúc nông nhàn, khi rảnh rỗi công việc, buổi tối xe sợi, kéo tơ, nhuộm màu. Khi có đơn đặt hàng nhiều tranh thủ làm suốt ngày đêm, phục vụ nhu cầu của khách.
 
Từ khi có HTX dệt thổ cẩm, nghề dệt được truyền lại cho con cháu, con gái trước đây không ít người quên nghề dệt, gần đây được các bà, các mẹ, các chị bày vẽ, kèm cặp đã học lại được nghề truyền thống của dân tộc mình để lại, nhiều cháu trở thành giáo viên, đi dạy cho các nơi trong huyện, trong tỉnh khi có lớp mở về dệt thổ cẩm. Chị Vi Thị Thu, Vi Thị Hà trở thành giáo viên kỳ cựu đi hướng dẫn khắp huyện, khắp tỉnh cho chị em phụ nữ.
 
Nhờ có nghề dệt thổ cẩm phát triển mà tạo việc làm cho nhiều người cả nam lẫn nữ, tạo thu nhập, để cuộc sống của nhiều hộ nơi đây thoát nghèo, trở thành hộ giàu, có thu nhập quanh năm. Điều quan trọng là giữ lại được nghề tưởng như đã bị mai một.
 
Hiện tại chị em mong có cơ quan nào đó lo đầu ra sản phẩm, để chị em có việc làm quanh năm, vừa giải quyết việc làm cho con em không phải đi làm ăn xa, vừa củng cố ngành nghề truyền thống, cho hồn thổ cẩm ở lại với bà con thôn bản.

Phùng Văn Mùi