Bạn đọc viết:

Nỗi buồn công chức

(Dân trí) - Chúng ta nói cải cách hành chính, tinh giảm biên chế, quản lý đa ngành, thu hút tài năng, nhưng nghiêm túc nhìn lại sẽ thấy việc nào cũng dang dở.

Bộ máy...
 
Theo số liệu lưu tại Sở Nội vụ Nghệ An, thì tới nay số công chức cấp tỉnh và cấp huyện có trên 4.500 người, nếu tính cả công chức và chuyên trách cấp xã thì con số này lên đến hàng “khủng” là vào khoảng gần 17 ngàn người. Chỉ với mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/tháng/người, thì mỗi năm Nhà nước phải chi chừng 425 tỷ đồng.
 
Nếu tính cả chi phí điều kiện để làm việc theo cơ chế khoán định mức tài chính cho biên chế công chức bình quân 40 triệu đồng/biên chế/năm, thì tổng chi phí cho bộ máy công chức của tỉnh hết khoảng 680 tỷ đồng/năm. Số tiền đó không phải là lớn và là hạng mục cần thiết phải chi, thậm chí là rất đáng chi để bộ máy quản lý hành chính nhà nước ngày nay đủ sức vận hành và điều hành xã hội.
 
Nỗi buồn công chức - 1

(Ảnh nguồn: www.moc.gov.vn)

Cứ theo như cách dạy của Bác Hồ thì công chức là công bộc của dân, những người lãnh đạo trong công chức là đầy tớ của dân. Trước khi bước vào công sở làm việc, công chức được nhắc nhở bằng câu khẩu hiệu đầy chất công quyền: “Công chức (đơn vị A) trung thành, sáng tạo, tận tụy vì nhân dân”. Trong thực tiễn nhiều công chức đã phấn đấu như vậy và họ xứng đáng được nhân dân tin yêu như những công bộc chính hiệu.

Thế nhưng chuyện công chức cũng đang lắm nỗi buồn.

Một sinh viên tốt nghiệp loại giỏi Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, vì chiều theo nguyện vọng của gia đình nên đăng ký thi công chức để có suất làm việc ở quê. Trầy da tróc vảy qua vòng sơ tuyển và vòng thi chính thức, “chọi” với 7 hồ sơ khác cuối cùng may mắn đã mỉm cười, cộng thêm một năm làm dự bị thế là hoàn thiện tấm thẻ công chức.
 
Dẫu gian nan thế nhưng vậy là vẫn quá “son” nếu so với vô số sinh viên khác đã phải ngậm ngùi bỏ dở cuộc đua. Cũng có người ôm “mộng công chức làm người Nhà nước” nên kiên trì theo đuổi, dự thi vài ba năm là chuyện bình thường.
 
Khi đang là công chức dự bị thì e dè đúng mực, khiêm tốn đủ điều, nín thở đi nhẹ, nói khẽ cười tươi để cho xong đoạn "qua cầu". Khi mục tiêu công chức đã thành sự thực thì bỗng dưng chuyển hóa, đôi chân đi làm chậm hơn, cái đầu thường mệt mỏi. Cùng lúc những nỗi niềm bắt đầu lớn dậy.
 
Bốn năm đại học, ra trường thi đậu công chức nhưng lương vẫn chưa đủ ăn, gặp kỳ nhiều đám cưới có lúc thành hèn phải giả vờ cáo ốm. Dần dần động lực phấn đấu của công chức nhạt nhòa và với họ, mỗi ngày giờ đây công sở không khác gì một bến đỗ buồn tẻ. Nhiều công chức hầu như chỉ ôm máy vi tính chơi game và "chát chít". Trong khi không ít công chức đầu buổi làm đảo qua công sở điểm danh, tầm tiếng sau đã “lặn” theo "chương trình phần mềm" khác.
 
... và hiệu quả
 
Công chức ở các cơ quan nhà nước đều gắn với những chức danh chuyên môn cụ thể. Chức năng chính của công chức là tham mưu và thao tác chính của công chức là nghiên cứu văn bản luật và thực tiễn, phát hiện và đề xuất các biện pháp điều hành quản lý, triển khai chỉ đạo và đánh giá kết quả.
Quy trình thao tác đó thực chất là một hệ thống các kỹ năng, và khi công chức đã thuần thục các kỹ năng chuyên nghiệp thì chắc chắn hiệu quả tham mưu sẽ được nâng cao.
 
Tuy nhiên, nhìn vào đội ngũ công chức hiện nay thì có quá nhiều điều không ổn: không hiểu việc để tham mưu, kỹ năng dự thảo văn bản quy phạm yếu, kỹ năng xử lý tình huống theo quy định của pháp luật thiếu mềm dẻo, kỹ năng kiểm tra giám sát chưa tốt…

Nhiều công chức được đào tạo rất cơ bản, trình độ chuyên môn chuyên ngành rất khá, tuy nhiên khi vào vai công chức với chức năng tham mưu quản lý Nhà nước thì lúng túng vô cùng. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho công chức thiếu đam mê và là khởi nguồn của tình trạng bỏ công sở đi nơi khác kiếm việc làm phù hợp với chuyên môn đã học.

Nỗi buồn công chức kéo dài đã hàng chục năm, Nhà nước đã tốn không biết bao nhiêu công sức và tiền của nhưng xem ra tình hình vẫn chưa mấy khả quan và có vẻ như đang chỉ rất hình thức.
 
Nỗi buồn công chức có lẽ lại là do lỗi hệ thống. Khi chúng ta nói quản lý nhà nước là một nghề (thậm chí là nghề đặc biệt), nhưng cho tới nay trên cả nước vẫn chỉ đang có quá ít trường dạy nghề này.

Sinh viên vào đại học chỉ học chuyên ngành chứ không học quản lý chuyên ngành. Khi thành công chức may mắn thì được bổ túc thêm kiến thức quản lý thông qua mấy chương trình tập huấn, còn lại chủ yếu phải mày mò tự học, ai có ý thức và kiên trì thì vươn lên được. Vậy thì câu chuyện công chức thành chuyên nghiệp phải còn dài lâu.

Chúng ta nói cải cách hành chính, tinh giảm biên chế, quản lý đa ngành, thu hút tài năng, nhưng nghiêm túc nhìn lại sẽ thấy việc nào cũng dang dở. Sức ỳ công sở đang vô cùng lớn, quản lý liên tục chạy theo thực tiễn, người có tâm có tài hoặc đang nhấp nhổm bỏ công sở hoặc chấp nhận ngồi lại cho bèo trôi nước chảy.

Đúng là chưa được công chức thì rất đáng buồn. Nhưng đã thành công chức thì dường như lại càng buồn hơn!!!

Khánh Linh