Nỗi băn khoăn về bản Qui định đạo đức nhà giáo
Trước hiện tượng nhiều nhà giáo có những hành vi phản giáo dục, vi phạm pháp luật bị báo chí phản ánh, dư luận lên án, Bộ GD-ĐT đã bổ sung vào cuộc vận động “Hai không” một nội dung mới: “Nói không với hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo ” từ năm học 2007-2008.
Cùng với nội dung đó, ngày 16/4/2008, Bộ GD-ĐT ban hành bản “Qui định về đạo đức nhà giáo”.
Một điều dễ dàng suy ra là mỗi khi người ta quan tâm nhiều đến đạo đức nhà giáo, lại còn kèm theo một qui định về đạo đức nhà giáo thì có nghĩa là lĩnh vực đó đang “có vấn đề”. Đây thực sự là một điều nhức nhối, đau xót, một nguy cơ không nhỏ cho giáo dục nước nhà. Bởi vì nếu quả thực đạo đức nhà giáo “có vấn đề”, thì giáo dục của chúng ta đang “dột từ nóc”, “lung lay từ gốc rễ”.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Điều 6, chương II qui định nhà giáo:
6. Không hút thuốc lá, uống rượu, bia trong công sở, trong trường học và nơi không được phép hoặc khi thi hành nhiệm vụ giảng dạy và tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường.
7. Không sử dụng điện thoại di động và làm việc riêng trong các cuộc họp, trong khi lên lớp, học tập, coi thi, chấm thi.
8. Không gây bè phái, cục bộ địa phương, làm mất đoàn kết trong tập thể và trong sinh hoạt tại cộng đồng.
10. Không trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, tự ý bỏ việc; không đi muộn về sớm, bỏ giờ, bỏ buổi dạy, cắt xén, dồn ép chương trình, vi phạm quy chế chuyên môn làm ảnh hưởng đến kỷ cương, nề nếp của nhà trường.
11. Không tổ chức, tham gia các hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội như: cờ bạc, mại dâm, ma tuý, mê tín, dị đoan; không sử dụng, lưu giữ, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, độc hại.
Đó là những qui định tương đối chặt chẽ và đầy đủ, tuy nhiên hầu như chỉ là nhắc lại những qui tắc đạo đức, ứng xử phổ biến của nhà giáo đã được qui định trong Luật Giáo dục mà bất cứ nhà giáo nào cũng đã biết và phải biết. Các nhà trường, cơ sở giáo dục cũng đã có những nội qui qui định về những điều ấy. Vì vậy, theo chúng tôi, bản Qui định của Bộ GD-ĐT có tính chất “nhắc nhở”, “cảnh báo” là chính.
Điều chúng tôi băn khoăn là các giải pháp để thực hiện. Qui định của Bộ giao trách nhiệm cho các Sở GD-ĐT, các trường đại học, cao đẳng, học viện..., các Bộ có quản lý các cơ sở giáo dục đào tạo phổ biến tuyên truyền những nội dung của Qui định về đạo đức nhà giáo đến cơ sở và tham mưu cho UBND các cấp các giải pháp thực hiện, đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đó là những chế tài rất chung chung, trùng lặp với chức năng nhiệm vụ thường xuyên của các Sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục, các Bộ có trường học, cơ sở giáo dục trực thuộc.
Giáo viên chúng tôi nhận thấy Qui định về đạo đức nhà giáo của Bộ chưa thực sự về đến cơ sở. Đến nay, chúng tôi chỉ mới biết được thông tin về bản Qui định này trên báo chí, qua mạng Internet mà thôi. Còn mọi việc của trường thì trước sao nay vậy, không hề có bất cứ một thay đổi nào. Không nói đến các biểu hiện tiêu cực khác, những hành vi mà bản Qui định về đạo đức nhà giáo của Bộ cấm như: hút thuốc lá trong công sở, khi lên lớp, sử dụng điện thoại di động khi giảng dạy, hội họp... vẫn hồn nhiên diễn ra, không hề có ai nhắc nhở, thậm chí thấy giáo viên hút thuốc, có học sinh mon men lại xin châm lửa nhờ.
Điều đáng nói là tại khoản 2, Điều 1, “Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng” ghi rõ: “Đối tượng áp dụng bao gồm các nhà giáo đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”.
Như vậy là cán bộ của Bộ GD-ĐT, của các Sở, Phòng GD-ĐT, cán bộ quản lý của các nhà trường, cơ sở giáo dục không thuộc “Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng” của bản Qui định này. Phải chăng Bộ GD-ĐT cho rằng đạo đức của những người thuộc đối tượng này là tốt cả, chỉ đạo đức nhà giáo ở cơ sở là đáng lo mà thôi. Và cũng có thể hiểu, những điều cấm ở trong bản qui định này chỉ dành cho các nhà giáo đang giảng dạy và làm giáo dục ở cơ sở, còn những người khác trong bộ máy giáo dục quốc dân thì có thể được... tự do, thoải mái!? Đây là một điều hết sức vô lý, bởi vì các chế tài pháp luật được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng. Hay là Bộ GD-ĐT sẽ có một bản Qui định riêng cho đối tượng cán bộ quản lý giáo dục?
Thế nhưng, tại Điều 6, khoản 1 của bản Qui định ghi: “Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, quy chế, quy định; không gây khó khăn, phiền hà đối với người học và nhân dân”. Đại đa số nhà giáo làm công việc trực tiếp đứng lớp thì có “chức vụ, quyền hạn”gì để mà “lợi dụng” đây? Phải chăng Bộ GD-ĐT đã quá “khắt khe”với giáo viên, nhất là khi qui định nhà giáo không được sử dụng điện thoại di động trong khi lên lớp hay trong các cuộc họp thông thường, mà lại “dễ dãi” với cán bộ quản lý giáo dục, những người thực sự có “chức vụ, quyền hạn”? Giả sử đạo đức của các cán bộ quản lý giáo dục “có vấn đề” thì ai thanh tra, xử lý?
Sai phạm của giáo viên rất dễ bị phát hiện và xử lý: giáo viên nổi nóng lên tát học sinh một cái, không lên lớp một tiết học hay vào sai một con điểm, chậm soạn một bài giảng, thiếu một loại sổ sách hay ghi chép sổ sách không đầy đủ và bây giờ theo Qui định của Bộ là chỉ cần hút một điếu thuốc, quên tắt máy di động ở nơi cấm hút, cấm dùng... là đã có thể lập biên bản, họp hội đồng kỉ luật và tuyên những “án” hết sức nặng nề. Bởi vì giáo viên chịu sự quản lý trực tiếp của Ban giám hiệu, tổ chuyên môn, công đoàn, chi bộ... rồi Phòng, Sở Giáo dục và còn có hàng trăm học sinh, phụ huynh giám sát. Các cuộc hội họp, thanh tra, kiểm tra diễn ra thường xuyên, hàng tháng đều tổ chức xếp loại thi đua.
Còn cán bộ quản lý thì ai kiểm tra, mà khi có sai phạm bị phát hiện, tố cáo, thì con đường đến quá trình xử lý còn hết sức xa vời, chưa nói đến chuyện xử lý nghiêm, đúng người đúng tội, nhất là những người đứng đầu, có chức vụ cao! Vậy thì ở đâu dễ sai phạm, và sai phạm nghiêm trọng hơn? Hành vi của hàng trăm cán bộ ở Bộ GD-ĐT hết tuổi về hưu vẫn “ăn dầm nằm dề” nán lại, có vị hàng chục năm, liệu có được xem là hợp với đạo đức (Dân trí ngày 20/3/2008)? Các hành vi liên quan đến tham nhũng, vốn chỉ là “đặc quyền” của cán bộ quản lý, liệu có được xem là đạo đức?
Chúng tôi không hề bao che cho những hành vi sai trái của đồng nghiệp, thậm chí phản đối một cách quyết liệt những hành vi ấy, nhưng lại hết sức bất bình vì những “bất công sừng sững” đang tồn tại trong giáo dục của chúng ta, và đó mới là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, gây ra biết bao hiện tượng tiêu cực trong giáo dục. Thế nhưng, Bộ GD-ĐT dường như không biết đến điều ấy, cứ nhăm nhăm vào việc “chữa triệu chứng”mà bản Qui định về đạo đức nhà giáo là một ví dụ.
Đành rằng, cách hành xử của mọi công dân phải tuân thủ các chế tài pháp luật, cán bộ quản lý giáo dục cũng không ngoại lệ. Vậy có cần thiết đưa ra một qui định vừa trùng lặp, vừa thiếu tính hệ thống, thiếu cái nhìn thấu đáo, khách quan, toàn diện, vừa thiếu công bằng, cho nên tính thuyết phục không cao, chưa nói là gây nên sự bất bình cho những “người trong cuộc”. Nếu thực sự Bộ GD-ĐT muốn chấn chỉnh lại đạo đức nhà giáo thì phải bắt đầu từ cơ quan Bộ, các Sở, Phòng GD-ĐT, các cán bộ quản lý... rồi mới đến giáo viên, những người “thấp cổ bé họng” trong hệ thống giáo dục, thậm chí ý kiến của họ không được quan tâm, bị một số người lãnh đạo cấp trên coi là ý kiến “ngoài luồng”!
“Nước phải sạch từ nguồn”, không chăm lo nguồn nước mà lại chăm chăm đi xử lý ở vòi nước, cách làm ấy nghe ra không thuận và không đúng quy luật!
Trọng Nghĩa
LTS Dân trí - Những vấn đề đặt ra trong bài viết trên đây của một nhà giáo có thâm niên trong nghề khiến chúng ta phải suy nghĩ về tính khách quan và tính thuyết phục của bản Qui định về đạo đức nhà giáo mới được Bộ chủ quản ban hành. Mong rằng những ý kiến đóng góp đó sẽ được các cơ quan có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT nghiên cứu và tiếp thu những điều đúng, để chỉnh sửa quy định này sao cho hợp tình, hợp lý, không phân biệt đối xử giữa những cán bộ giáo dục (dù là trực tiếp giảng dạy hay làm cán bộ quản lý), không gây ra sự mặc cảm, sự bất bình trong đội ngũ giáo viên. Chỉ có như vậy, mới có thể biến những Qui định về đạo đức nhà giáo trở thành hiện thực trong môi trường sư phạm chuẩn mực.
Muốn xác lập đạo đức người thầy trong xã hội hôm nay, nếu chỉ nêu lên một khẩu hiệu cùng với việc đưa ra một quy định có tính pháp quy thì không thể giải quyết vấn đề từ gốc, mà điều quan trọng có ý nghĩa quyết định chính là việc xác lập đúng vi trí và vai trò của Người Thầy trong môi trường giáo dục nói riêng và trong xã hội nói chung, từ đó thực hiện các giải pháp đồng bộ từ chính sách lương bổng cho đến các biện pháp động viên, khuyến khích người thầy toàn tâm toàn ý, đem hết sức lực và tâm huyết phục vụ sự nghiệp “trồng người”, luôn phát huy được vai trò gương mẫu mô phạm, kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc “dạy chữ” và “dạy người”.